‘Giấc mơ Mỹ’ ngày càng xa vời khi lãi suất leo lên đỉnh 15 năm
Giấc mơ Mỹ là niềm tin của người dân đất nước cờ hoa về việc mọi người đều có cơ hội đạt được thành công và sự thịnh vượng, thay đổi cuộc đời bản thân mình cũng như của các thế hệ con cháu dựa vào quyết tâm làm việc chăm chỉ.
Lãi suất liên tục tăng lên đỉnh 15 năm đang khiến cho giấc mơ Mỹ ngày càng rời xa tầm tay của một bộ phận người dân Mỹ.
Khó mua nhà
Theo Bloomberg, chi phí đi vay tăng mạnh đang gây khó khăn lớn nhất cho những người nghèo tiền mặt. Tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng khi Fed tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát trong năm 2023.
Khoảng cách giàu – nghèo ngày càng nới rộng. Dù suy thoái không xảy ra, các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đang chịu nhiều nỗi đau về tài chính.
Chị Manda Waits và chồng ở bang Georgia cảm thấy may mắn vì đã mua căn hộ ở thành phố Atlanta một năm trước bằng một khoản vay với lãi suất cố định chỉ 3%/năm, bằng chưa đầy một nửa mức lãi suất vay thế chấp hiện nay.
Để cắt giảm chi phí trong bối cảnh lạm phát phi mã, cặp đôi này đã mua một chiếc tủ đông lớn để tích trữ 1/4 con bò và 1/2 con heo làm thực phẩm ăn dần. Hai vợ chồng từng có kế hoạch chuyển sang một căn nhà mới tiện nghi hơn nhưng đã phải tạm hoãn vì lãi suất đang quá cao.
Nhiều người không muốn mua nhà vào thời điểm này vì nếu không có đủ tiền mặt mà phải đi vay thì sẽ phải chịu lãi suất lên tới 7% mỗi năm.
Lãi suất cao hơn cùng với việc giá nhà bùng nổ trong thời kỳ đại dịch đồng nghĩa với việc người mua một căn nhà có giá vào khoảng trung vị sẽ phải chi hơn 2.000 USD mỗi tháng để thanh toán cho ngân hàng, cao gấp đôi mức trước COVID-19.
Các môi giới bất động sản phải vất vả đi tìm khách mua nhà, nếu không sẽ mất việc. Các ngân hàng lớn như Wells Fargo và JPMorgan Chase đã phải sa thải hàng nghìn nhân sự trong mảng cho vay mua nhà.
Khó mua xe
Thị trường nhà ở không phải là nơi duy nhất gặp ảnh hưởng bởi lãi suất mà còn phải kể đến thị trường xe hơi.
Những người nhiều tiền mặt đang chọn thanh toán ngay khi nhận xe, trong khi những người khó khăn hơn bị mắc kẹt với những khoản vay mua xe lãi suất cao, hoặc buộc phải chọn những chiếc ô tô rẻ hơn và kém tin cậy hơn.
Gần 1/3 số người mua xe hiện nay đang phải vay các khoản vay kỳ hạn dài tới 6-7 năm để giảm mức thanh toán hàng tháng. Với thời gian trả nợ dài như vậy, số dư của khoản vay nhanh chóng vượt quá giá trị của chiéc xe.
Cậu thanh niên 22 tuổi Matt Tambornini sống tại Knoxville, bang Tennessee đã mua một chiếc xe bằng khoản vay với lãi suất 23%/năm với kỳ hạn 60 tháng. Số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng lớn hơn hàng nghìn USD so với kế hoạch ban đầu của cậu.
Không lâu sau khi mua, Tambornini cảm thấy ân hận về quyết định của mình và trả lại chiếc xe để nhận hoàn tiền. Hiện nay, Tambornini đang lái một chiếc xe bán tải 15 năm tuổi mà cậu mua hoàn toàn bằng tiền mặt.
Nợ thẻ tín dụng tăng vọt
Theo số liệu của Bankrate, lãi suất với thẻ tín dụng hồi đầu năm 2022 trung bình khoảng 16,3%. Đến nay, con số này đã vượt lên trên mốc 19%, cao nhất kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 1985.
Bloomberg dẫn lời ông Scott Sanborn, Tổng Giám đốc công ty dịch vụ tài chính LendingClub, đánh giá đây là một mức tăng lãi suất khổng lồ, nhất là với những chủ thẻ thu nhập thấp thường chỉ thanh toán mức tối thiểu và mang dư nợ thẻ tín dụng trong 20 năm.
Anh Mike Lauretti, 24 tuổi, có dư nợ khoảng 12.000 USD trong 4 thẻ tín dụng, chưa kể nợ sinh viên, vay mua xe và nợ riêng khác. Hiện nay chàng thanh niên này đang cố gắng trả hết nợ ở chiếc thẻ có dư nợ nhỏ nhất trước rồi sẽ chuyển sang các thẻ khác.
Cách trả nợ này được gọi là phương pháp hòn tuyết lăn. Trả khoản nợ có lãi suất cao nhất chưa chắc đã là lựa chọn hay. Việc trả khoản nợ nhỏ nhất trước sẽ giúp người vay có tâm lý phấn chấn khi dễ dàng hoàn thành một mục tiêu, sẵn sàng bước sang giai đoạn tiếp theo.
Theo số liệu của Fed chi nhánh New York, dư nợ thẻ tín dụng tại ngày 30/9/2022 là 925 tỷ USD, tăng 69 tỷ USD so với đầu năm và xấp xỉ mức đỉnh lịch sử 927 tỷ USD hồi cuối năm 2019 khi đại dịch chưa bùng phát.
Theo công ty dữ liệu tài chính cá nhân WalletHub, dư nợ thẻ tín dụng vào ngày cuối năm nay sẽ lớn hơn 110 tỷ USD so với đầu năm.
Khi kinh tế Mỹ suy thoái vào năm 2023 như nhiều chuyên gia dự báo, tình hình tài chính sẽ càng trở nên thách thức. Tỷ lệ nợ xấu của các hộ gia đình hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức năm 2019 nhưng đang bắt đầu đi lên.
Moody’s Investors Service nhận định: “Chúng tôi dự báo tỷ lệ hộ gia đình chậm trả nợ sẽ tăng lên, tỷ lệ nợ xấu với thẻ tín dụng và vay mua ô tô sẽ quay lại mức trước dịch trong nửa đầu năm 2023”.