|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lãi suất tăng khắp nơi, dập tắt hy vọng thị trường chứng khoán hồi phục dịp cuối năm

08:11 | 19/12/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán thế giới thường tăng điểm vào cuối tháng 12. Nhưng năm nay, tình hình nhiều khả năng sẽ trái ngược khi các NHTW gửi đi tín hiệu rõ ràng: chiến dịch chống lạm phát còn lâu mới kết thúc và lãi suất sẽ tiếp tục lên cao.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp chính sách. (Ảnh: AP).

Theo số liệu từ Stock Trader’s Almanac, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 1,5% trong các tháng 12 kể từ 1950 đến 2021, giúp đây trở thành tháng tích cực thứ 3 trong năm. Thị trường chứng khoán Mỹ rất ít khi bị bán tháo trong tháng 12.

Nửa đầu tháng có thể không mấy khả quan, nhưng nửa cuối tháng lại rất tươi sáng khi nhà đầu tư tổ chức gom mạnh những cổ phiếu mà nhà đầu tư cá nhân bán đi để lấy tiền chi tiêu trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

Giới quan sát thường gọi đợt tăng giá cuối năm là việc ông già Noel phát quà. Tuy vậy, năm 2022 có một nhân tố bất thường có khả năng thay đổi thông lệ từ nhiều thập kỷ qua, đó là làn sóng thắt chặt tiền tệ toàn cầu.

Fed tăng lãi suất 7 lần liên tiếp trong năm 2022, nhiều NHTW khác cũng có hành động tương tự.

Trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm tuần trước (14 – 15/12), các ngân hàng trung ương (NHTW) tại Mỹ, châu Âu, Anh và Thụy Sỹ đã họp và thông báo nâng lãi suất lần cuối cùng trong năm 2022.

Tốc độ tăng của lãi suất đã chậm lại so với các lần họp trước, nhưng thông điệp mà các nhà hoạch định chính sách gửi đi lại không phải là điều mà các nhà đầu tư muốn nghe.

Trong những tuần gần đây, các chỉ số chứng khoán đi lên mạnh mẽ với hy vọng lạm phát đã đạt đỉnh và lãi suất cũng sẽ sớm dừng tăng. Hôm 30/11, tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro được công bố giảm từ 10,6% trong tháng 10 xuống còn 10% trong tháng 11. Thị trường dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ chuyển hướng chính sách.

Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tại Mỹ chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn hẳn mức tăng 7,7% của tháng 10.

Tuy vậy, các NHTW đều dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục đi lên và sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tương đối dài. 

Hôm 15/12, ECB thông báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) sau hai lần liên tiếp tăng 75 bps. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết thị trường nên chuẩn bị cho các đợt tăng lãi suất 50 bps trong một thời gian nữa và ECB vẫn chưa “chuyển hướng chính sách”.

Các thị trường trái phiếu châu Âu phản ứng tiêu cực. Lợi suất đối với trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm tăng 24 bps, đánh dấu phiên đi lên mạnh nhất kể từ năm 2008. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy chạm ngưỡng 4,3% trong phiên cuối tuần.

Giá trái phiếu đi xuống do luôn biến động ngược chiều với lợi suất. Thị trường cổ phiếu cũng không mấy khả quan, chỉ số Stoxx đại diện cho toàn châu Âu giảm 3,3% trong tuần vừa qua.

Lợi suất trái phiếu chính phủ các nước tăng mạnh so với đầu năm nhưng đã hạ nhiệt so với đỉnh vài tháng trước.

Ở Mỹ, các chỉ số cổ phiếu cũng ghi nhận tuần sa sút thứ hai liên tiếp sau tín hiệu thắt chặt của các quan chức.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 14/12 nâng lãi suất thêm 50 bps sau 4 cuộc họp liên tiếp tăng 75 bps. Lãi suất quỹ liên bang hiện nay đang ở vùng cao nhất kể từ tháng 12/2007 và Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 75 bps trong năm 2023.

Các quan chức Fed có kế hoạch giữ lãi suất ở mức cao trong cả năm sau và chỉ bắt đầu giảm vào năm 2024. Chủ tịch Jerome Powell lưu ý: “Chúng tôi chưa tập trung vào việc cắt giảm lãi suất”.

Chứng khoán Mỹ giảm hai tuần liên tiếp.

Reuters dẫn lời ông Antoine Lesne, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại State Street, nhận định: “Các nhà đầu tư châu Âu đã hành động quá vội vàng trong những tuần vừa qua. Giờ đây, thị trường đang phải định giá lại kịch bản ECB sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt để chống lạm phát”.

Nhà đầu tư quá chủ quan?

Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 14/12 công nhận rằng lạm phát đã hạ nhiệt trong tháng 10 và 11, nhưng cũng cảnh báo cuộc chiến kiềm chế giá cả vẫn chưa kết thúc và Fed cần thấy thêm nhiều số liệu trước khi kết luận lạm phát đang giảm một cách bền vững.

Lạm phát tại Mỹ và khu vực đồng euro giảm trong tháng 11/2022.

Ông John Leiper, Giám đốc đầu tư tại Titan Asset Management, nói: “Quên chuyện ông già Noel phát quà cho nhà đầu tư dịp cuối năm đi, Fed trông giống như kẻ cắp Giáng sinh năm nay”.

Từ đầu năm 2022 đến cuối tuần vừa qua, S&P 500 đã giảm hơn 19%. So với đầu tháng 12, chỉ số thị trường này đã mất 5,6%.

Ông Thomas Jordan, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB), tuần trước cũng gửi đi thông điệp tương tự những người đồng cấp ở Fed và ECB khi nói rằng hiện vẫn còn quá sớm để “tuyên bố tất cả nguy hiểm đã qua” trên mặt trận lạm phát. SNB cũng tăng lãi suất thêm 50 bps, giống như Fed và ECB.

Bà Hetal Mehta, chuyên gia cao cấp về kinh tế châu Âu tại Legal & General Investment Management, nhận xét: “Có vẻ như các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed, đang phải nỗ lực xua tan kỳ vọng của thị trường về việc lãi suất đã đạt đỉnh”.

Theo Reuters, số liệu lạm phát hạ nhiệt gần đây đã khiến cho lợi suất ở Mỹ và châu Âu giảm từ mức đỉnh nhiều năm và thúc đẩy S&P 500 phục hồi hơn 10% từ mức đáy trong tháng 10.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện vẫn cao hơn đầu năm khoảng 2 điểm % (tức 200 bps) nhưng đã giảm khoảng 32 bps so với đầu quý IV, đây là mức giảm theo quý lớn nhất kể từ đầu năm 2020.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức cùng kỳ hạn hiện cũng cao hơn 200 bps so với đầu năm nhưng thấp hơn 50 bps so với đỉnh 2,5% thiết lập hồi tháng 10.

Lợi suất đi xuống làm điều kiện tài chính được nới lỏng, đi ngược lại mong muốn thắt chặt tiền tệ của các NHTW nhằm kiềm chế lạm phát. Phát biểu hôm 15/12, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng nhắc tới các điều kiện tài chính và nói rằng việc tiếp tục thắt chặt là cần thiết.

Chuyên gia kinh tế Hetal Mehta nói: “Thị trường hồi phục tức là điều kiện tài chính nới lỏng, trái với quyết tâm đưa lãi suất lên vùng gây hạn chế hoạt động kinh tế của các nhà hoạch định chính sách”.

Fed và ECB đang giảm quy mô bảng cân đối kế toán và hút tiền về trong nỗ lực chống lạm phát. 

Đức Quyền