|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến của Tổng thống Putin châm ngòi cho nỗ lực phế truất đồng USD

20:36 | 04/06/2023
Chia sẻ
Kể từ sau khi Mỹ sử dụng đồng USD làm công cụ trừng phạt Nga, nhiều nước như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh nhằm tránh rơi vào tình cảnh tương tự.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Công cụ gây bất mãn

Tại nhiều khu vực trên thế giới, công chúng đang ngày càng phản ứng dữ dội với sự thống trị của đồng USD.

Từ loạt thoả thuận mà nhiều quốc gia gần đây dàn xếp để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, các chuyên gia tiền tệ nhận thấy động thái này, tuy còn nhỏ và diễn ra một cách từ từ, thực chất có ý nghĩa hơn so với trong quá khứ.

Nhiều nhà lãnh đạo có cùng lý do để tránh né đồng bạc xanh như vậy. Họ cho rằng đồng USD đang bị vũ khí hoá để thúc đẩy các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ và trừng phạt những ai chống lại các ưu tiên này.

Không nơi nào thể hiện rõ hơn là ở Nga, nơi Mỹ đã gây tổn thất tài chính chưa từng có đối với nền kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin để đáp trả cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine, Bloomberg nhấn mạnh.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt hàng nghìn biện pháp trừng phạt, đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối của Moscow và phối hợp với các đồng minh phương Tây loại Nga khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Và, trong khi chiến dịch trừng phạt tài chính đối với Nga là ví dụ mới nhất và nổi tiếng nhất, các đời tổng thống Mỹ đã từng sử dụng chiến lược tương tự với nhiều quốc gia khác như Libya, Syria, Iran và Venezuela trong những năm gần đây.

Theo tờ Bloomberg, tầm quan trọng của đồng USD đối với hệ thống thanh toán toàn cầu cho phép Mỹ có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với vận mệnh kinh tế của các quốc gia khác.

Khoảng 88% tất cả giao dịch ngoại hối trên toàn cầu, ngay cả những giao dịch không liên quan đến Mỹ hay doanh nghiệp Mỹ, đều được thực hiện bằng đồng USD, theo dữ liệu gần đây nhất từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Các ngân hàng xử lý giao dịch quốc tế bằng đồng bạc xanh sẽ duy trì tài khoản tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), do đó họ dễ bị chính phủ Mỹ trừng phạt hơn.

Báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho thấy, chính quyền ông Biden đã thêm khoảng 1.151 quyết định mới mỗi năm vào danh sách các công dân bị chỉ định đặc biệt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài.

Con số này tăng từ mức trung bình 975 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và 544 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama.

 

Chia sẻ với Bloomberg, ông Jonathan Wood, quản lý cấp cao tại hãng tư vấn Control Risks, cho hay: “Các nước đã phải chịu sự thống trị của đồng USD trong nhiều thập kỷ”.

“Việc Mỹ sử dụng rộng rãi và mạnh mẽ hơn các biện pháp trừng phạt trong những năm gần đây càng khiến các nước khó chịu. Điều này còn diễn ra cùng lúc với việc các quốc gia mới nổi lớn muốn phân bố lại quyền lực trên toàn cầu”, ông tiếp tục.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen thừa nhận rằng “có rủi ro khi Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính liên quan đến vai trò của đồng USD, mà theo thời gian có thể làm suy yếu quyền bá chủ của đồng bạc xanh”.

Và đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các quan chức Washington đang phải đối mặt. Khi ngày càng dựa vào đồng USD để đáp trả đối thủ địa chính trị, họ không chỉ có nguy cơ làm sứt mẻ thế ưu việt của đồng USD trên thị trường thế giới mà cuối cùng còn có thể làm suy yếu tầm ảnh hưởng của đồng tiền này.

Phó giáo sư Daniel McDowell của Đại học Syracuse nhận định: “Có thể thay đổi bây giờ là không đáng kể, nhưng ngay cả nỗ lực của các nước không thể truất ngôi đồng USD, thì họ cũng có thể làm giảm sức mạnh kinh tế của Mỹ”.

Nỗ lực phế truất USD

Xu hướng phi đô la hoá (de-dollarization) đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước đang phát triển và Trung Quốc có lẽ là nước tích cực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD nhất, theo tờ Bloomberg.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách thúc đẩy vai trò của đồng nhân dân tệ (CNY) trong hệ thống tài chính toàn cầu và Bắc Kinh đã đặt việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đồng nội tệ ở nước ngoài làm ưu tiên hàng đầu.

Gần đây, Trung Quốc và Brazil đã đạt được thoả thuận nhằm giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ, với mục tiêu là loại bỏ đồng bạc xanh trong hoạt động thương mại song phương.

Khi đến thăm Thượng Hải vào tháng 4 năm nay, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đả kích sự thống trị của đồng USD.

Đứng trên bục phát biểu bao quanh bởi cờ của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (nhóm BRICS), ông kêu gọi các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới tìm một giải pháp thay thế đồng USD trong hoạt động thương mại.

Vị tổng thống đặt câu hỏi: “Ai đã quyết định rằng USD là đồng tiền giao dịch thương mại sau khi kết thúc hệ thống Bretton Woods?”

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại Thượng Hải vào tháng 4 năm nay. Trên bục phát biểu là lá cờ của 5 quốc gia thuộc nhóm BRICS. (Ảnh: Xinhua).

Dù vậy, phần lớn nỗ lực đang diễn ra mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Đầu năm nay, UAE cho biết họ đang thảo luận bước đầu với Ấn Độ để thúc đẩy hoạt động thương mại phi dầu mỏ bằng đồng rupee.

Sau đó, vào tháng 4, Ấn Độ và Malaysia đã công bố một cơ chế mới để giao dịch thương mại song phương bằng đồng rupee.

Một tháng sau, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đồng ý tăng cường sử dụng đồng tiền của các nước thành viên cho thương mại và đầu tư trong khu vực.

Pakistan cũng đang tìm cách thanh toán dầu thô nhập khẩu từ Nga bằng đồng nhân dân tệ, người đứng đầu Bộ Năng lượng nước này cho hay.

Và chỉ vài tuần trước, Hàn Quốc và Indonesia đã ký một thoả thuận nhằm thúc đẩy việc trao đổi trực tiếp đồng won và rupiah.

Hồi đầu tuần này, các bộ trưởng ngoại giao của nhóm BRICS đã thảo luận hướng đi để gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu, bao gồm khả năng phát triển một đồng tiền tệ chung.

Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận phân tích kinh tế tại Mizuho Bank, nhận định: “Rõ ràng, xu hướng phi đô la hoá đang tăng tốc và sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới. Mỹ đã đưa ra một quyết định có tính toán khi sử dụng đồng USD để gây tổn thất cho đối thủ và có thể họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả lâu dài”.

Quá trình cần nhiều thời gian

Tuy thừa nhận những rủi ro khi Mỹ sử dụng đồng USD làm công cụ trừng phạt, Bộ trưởng Yellen lưu ý rằng đồng bạc xanh “được sử dụng làm đồng tiền toàn cầu vì những lý do mà các nước khác sẽ không dễ dàng tìm được một đồng tiền thay thế có cùng đặc tính”.

Các chuyên gia thị trường đồng tình với bà Yellen. Ngay cả khi có ngày càng nhiều quốc gia tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào USD, ít người cho rằng vị thế ưu việt của đồng tiền này trong thương mại và tài chính toàn cầu sẽ sớm bị đe doạ.

Theo họ, có rất ít dấu hiệu cho thấy bất kỳ đồng tiền nào khác có thể cung cấp mức độ ổn định, thanh khoản và an toàn như USD.

Hơn nữa, phần lớn các nền kinh tế tiên tiến, vốn là đồng minh của Mỹ, hiện đang chiếm hơn 50% GDP toàn cầu. Các nước này không tỏ ra gấp rút trong việc thay thế đồng USD.

Trên thực tế, đồng USD đã tăng giá so với rổ tiền tệ chính kể từ khi Mỹ trừng phạt Nga vào năm ngoái. Theo Bloomberg, đây là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm vị thế của USD, nếu quả thực diễn ra, có thể sẽ là một quá trình lâu dài và chậm chạp.

Ông George Boubouras, chuyên gia tiền tệ kỳ cựu tại K2 Asset Management, cho hay: “Tôi không thấy có bất kỳ tài sản nào có thể thay thế USD trở thành đồng tiền thống trị, ít nhất là trong chục năm tới”.

“Không nước nào so được với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc gặp rắc rối với tình trạng già hoá dân số, còn đồng euro phải chật vật để giành chỗ đứng. Đồng USD sẽ không bị truất ngôi trong tương lai gần”, ông kết luận.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.