Đến hết tháng 5, VND đã tăng 0,6% so với đồng USD
Theo ghi nhận của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kể từ đầu năm đến 31/5, đồng VND đã tăng 0,60% so với đồng USD.
Trong tháng 5, một số đồng tiền đã có diễn biến giảm trở lại so với đồng USD. Cụ thể, đồng yen Nhật là đồng tiền có mức mất giá lớn nhất 5,19% kể từ đầu năm. Ngược lại, đồng rupee của Ấn Độ vẫ là đồng tiền có diễn biến tăng giá mạnh nhất (4,25%).
Theo các chuyên gia phân tích của BVSC, đàm phán căng thẳng xoay quanh trần nợ công của Mỹ xuyên suốt trong tháng 5 là lý do lớn nhất giúp cho đồng USD tăng giá trở lại, khi lo ngại nước Mỹ vỡ nợ đã khiến nhu cầu sở hữu tài sản trú ẩn an toàn như đồng USD tăng cao.
Ngoài ra, chỉ số PCE tháng 4 của Mỹ bất ngờ tăng cao hơn tháng 3 cũng khiến lo ngại Fed phải duy trì việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 tăng lên.
Các yếu tố này đã khiến cho đồng USD lên giá, tăng tới 2,81% so với cuối tháng 4, qua đó tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác.
Dù vậy, khi vấn đề trần nợ công của Mỹ đạt được thỏa thuận, chúng tôi cho rằng đồng USD cũng không còn nhiều động lực tăng giá trong thời gian còn lại của năm, trong bối cảnh Fed khó có thể tăng lãi suất mạnh và nhiều như năm 2022.
BVSC cho rằng trong thời gian tới vẫn cần theo dõi các quyết định về lãi suất của Fed, yếu tố có thể tạo áp lực lệ tỷ giá ngắn hạn.
"Tuy nhiên, nhìn chung, chúng tôi vẫn đánh giá đồng VND sẽ có diễn biến ổn định hơn trong năm nay, dao động trong khoảng ±2%, nhờ cán cân thương mại thặng dư và kiều hối duy trì tăng trưởng", BVSC dự báo.
Trong tháng 5, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng (trong mẫu theo dõi của BVSC) trung bình đạt 7,61%, vẫn đang tăng 1,71 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tiếp tục giảm 0,18 điểm % so với trung bình hồi tháng 4 và giảm tới 0,82 điểm % so với cuối năm 2022.
Cuối tháng 5, NHNN đã thực hiện thêm một lần giảm lãi suất điều hành, lần thứ 3 trong năm 2023, với các loại lãi suất có tác động sát đối với lãi suất thực tế trên thị trường. Động thái này kỳ vọng sẽ nhanh chóng giúp hạ lãi suất cho vay đối với cá nhân và tổ chức.
Các chuyên gia của BVSC cho rằng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ như hiện tại, dư địa cho các chính sách hỗ trợ đối với hai lĩnh vực ngân hàng và bất động sản không còn nhiều.
Tuy vậy việc lạm phát hạ nhiệt và trong tầm kiểm soát sẽ giúp NHNN có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và có thêm các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Đồng thời cũng cần lưu ý đến chính sách tiền tệ của Mỹ, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến áp lực tỷ giá quay lại trong một số thời điểm và thu hẹp lại dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, BVSC cho rằng các chính sách ban hành sẽ được định hướng vào từng nhóm ngành cụ thể cần được hỗ trợ để có tác động chính xác, kịp thời hơn, đặc biệt ở nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu và sử dụng nhiều nhân công, trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu còn đang gặp nhiều khó khăn.