|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc NHNN nói về hai nguyên nhân phải chấp nhận lãi suất cao trong năm 2022

12:28 | 01/06/2023
Chia sẻ
Thống đốc cho biết việc điều hành lãi suất cần phù hợp với điều kiện thực tế với mục tiêu giữ đại cục vĩ mô tiền tệ. Trong năm 2022, sự thắt chặt tiền tệ của các nước trên thế giới và áp lực về tỷ giá là nguyên nhân phải giữ lãi suất ở mức cao trong năm 2022.

 

Giải trình về các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết trong năm 2022 - 2023, NHNN điều hành chính sách tiền tệ trong nhiều khó khăn thách thức và có rất nhiều diễn biến mới phức tạp khó lường hơn so với dự báo.

NHNN được giao khá nhiều nhiệm vụ về chính sách tiền tệ và khó đạt được cùng một lúc. NHNN đã kiên định xuyên suốt với mục tiêu giữ đại cục vĩ mô tiền tệ, theo dõi sát diễn biến tình hình để quyết định những nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm trong từng thời kỳ, thời điểm để ứng phó linh hoạt.

Hai lý do khiến mặt bằng lãi suất neo cao trong năm 2022

Nói về việc mặt bằng lãi suất vẫn còn cao, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết giảm lãi suất là mong muốn của các doanh nghiệp vay vốn và cũng là của Quốc hội, Chính phủ cũng như NHNN. Tuy nhiên, việc điều hành lãi suất cũng cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành kinh tế vĩ mô để đảm bảo đại cục ổn định kinh tế vĩ mô tiền tệ, an toàn của hệ thống ngân hàng.

Thống đốc chỉ ra hai lý do khiến chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao trong năm 2022 đó là mặt bằng lãi suất ở các nước và áp lực mất giá của VND.

Thứ nhất, lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, trong khi lạm phát trong nước bình quân tăng 3,15% thấp so với mục tiêu nhưng vẫn cao hơn so với mức 1,84% năm 2021. Đặc biệt trong nửa cuối năm 2022 thì lạm phát tăng nhanh theo từng tháng, tới cuối năm lạm phát so với cùng kỳ đã ở mức khoảng 5%, lạm phát cơ bản bình quân khoảng 5% cao hơn rất nhiều mức 0,84% của 2021.

"Chính vì như vậy mà điều hành không thể chủ quan với lạm phát", Thống đốc nói.

Thứ hai là áp lực mất giá của VND khi các nước thắt chặt tiền tệ và đồng USD tăng giá rất mạnh. Vào thời điểm tháng 9, 10/2022 áp lực mất giá của VND lên tới 9-10%. Theo Thống đốc, lúc đó nếu như không có giải pháp linh hoạt và đồng bộ thì khó có thể giữ được mức mất giá chỉ 3,5% trong năm 2022.

"Nếu như để đồng VND mất giá khoảng 10% thì doanh nghiệp VN sẽ rất khó khăn bởi vì DN Việt thâm hụt hàng năm rất lớn, sản xuất trong nước lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài.

Nếu tỷ giá tăng cao thì cộng hưởng với mặt bằng giá thế giới cao thì chi phí đầu vào sẽ tăng cao và chắc chắn lạm phát sẽ tăng cao, chưa kể đến doanh nghiệp còn vay một lượng lớn vốn nước ngoài, nếu tỷ giá tăng thì gánh nặng trả nợ cũng tăng lên", Thống đốc lý giải.

Khi ổn định tỷ giá trở lại với điều kiện tăng chậm lại của lạm phát, trong những tháng đầu năm NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 0,9% (bình quân) so với cuối năm 2021.

Tăng trưởng tín dụng thấp không phải do chính sách cho vay

Về tiếp cận tín dụng, theo Thống đốc cần phải được mổ xẻ và phân tích nguyên nhân thì mới có giải pháp đúng.

Nhìn về cơ chế chính sách cho vay có thể thấy vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi so với trước, do đó tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm (5 tháng đầu năm tăng khoảng 3%) không thể nói do chính sách.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm dư địa tín dụng rất thoải mái không bị chặn và thanh khoản hệ thống được NHNN duy trì dư thừa. "Không có lý do gì mà ngân hàng huy động tiền gửi trả lãi cho người gửi tiền mà doanh nghiệp cần vốn lại không cho vay", Thống đốc nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích nhìn từ phía doanh nghiệp có thể thấy được một số vấn đề như sau. Một số doanh nghiệp không có đầu ra, không có đơn hàng nên phải tháo gỡ vấn đề đầu ra nhưng việc này cần phải có thời gian. Các cơ quan chức năng cần thúc đẩy việc khai thác thị trường nội địa 100 triệu dân để bù đắp lại sự suy yếu từ cầu ở nước ngoài.

Còn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) gặp khó khăn sau đại dịch COVID, không đủ điều kiện vay vốn nên không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Theo đó, cần có các giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn như bảo lãnh vay vốn cho DN SME,..

Tín dụng bất động sản (BĐS) cũng gặp khó mặc dù tăng trưởng cao hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng nguyên nhân chính khoảng 70% là khó khăn về pháp lý. Do vậy các bộ ban ngành cần giải quyết các vấn đề pháp lý này, doanh nghiệp cần điều chỉnh giá BĐS để kích thích tín dụng cho cả người bán lẫn người mua nhà.

Về phía NHNN, trong những tháng đầu năm, đã điều hành duy trì thanh khoản dồi dào, giảm lãi suất điều hành, ban hành Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Đồng thời, chỉ đạo TCTD rà soát giảm thủ tục hành chính, cho vay dựa trên phương án khả thi không nhất thiết có tài sản bảo đảm.

Về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc cho biết kết quả triển khai thấp do chủ yếu là tâm lý e ngại của doanh nghiệp trong khi TCTD thì khó có có thể đánh giá như thế nào là "có khả năng phục hồi".

Trước tình hình đó Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển khoảng 24.000 tỷ đồng cho chính sách giảm thuế VAT. Đồng thời, NHNN trình Chính phủ để sửa đổi Nghị quyết 43 để bỏ cụm từ "có khả năng phục hồi" để tiếp tục triển khai.

Còn về gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ là gói tín dụng do nhóm ngân hàng Big4 tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đây là mục tiêu thực hiện đến năm 2030 chứ không giải quyết trong năm 2023. Nguồn giảm lãi suất cũng đến từ chính nguồn lực tài chính của các ngân hàng.

Với gói này, hiện nay Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn và uỷ quyền cho các địa phương công bố các dự án đủ điều kiện vay vốn theo gói ưu đãi.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.