5 đồng tiền mạnh nhất thế giới: USD vững ngôi vương, nhân dân tệ cố gắng nhưng mãi chưa bắt kịp
Liên Hợp Quốc đã công nhận khoảng 180 đồng tiền pháp định (legal tender), chẳng hạn như đô la Mỹ (USD), euro (EUR), yen Nhật (JPY), nhân dân tệ (CNY) hay đồng Việt Nam (VND).
Có những đồng tiền mạnh thì cũng sẽ có những đồng tiền yếu hơn. Vậy, những yếu tố nào giúp một đồng tiền được coi là hấp dẫn và mạnh mẽ trên thị trường tài chính toàn cầu?
Sức mạnh của đồng tiền
Sức mạnh của một đồng tiền được định đoạt bởi nhiều yếu tố kinh tế trong và ngoài nước, chẳng hạn như dự trữ ngoại hối do ngân hàng trung ương (NHTW) nắm giữ, cung - cầu trên thị trường ngoại hối, cán cân thương mại, lạm phát và tốc độ tăng trưởng của một quốc gia.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác như liệu các nước có chấp nhận đồng tiền đó trong hoạt động thương mại quốc tế và sức mua tương đối của đồng tiền so với ngoại tệ.
Đồng tiền mà các NHTW nắm giữ với số lượng lớn để thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế được gọi là đồng tiền dự trữ. Liệu một đồng tiền có được coi là đồng tiền dự trữ hay không là thước đo quan trọng đầu tiên cần cân nhắc.
Thước đo quan trọng thứ hai để đánh giá sức mạnh của một đồng tiền là khối lượng giao dịch ngoại hối. Yếu tố cuối cùng là tỷ giá hối đoái, thể hiện sức mua tương đối của đồng tiền so với một đồng tiền khác.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến hết quý IV/2022, gần 92% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu được giữ trong 5 đồng tiền, bao gồm USD, EUR, JPY, bảng Anh (GBP) và CNY.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy vào năm ngoái, khoảng 78% khối lượng giao dịch ngoại hối hàng ngày có sự tham gia của 5 đồng tiền.
Các đồng tiền chiếm tỷ trọng cao nhất trong dự trữ ngoại hối toàn cầu cũng là những cái tên có khối lượng giao dịch cao nhất trên thị trường ngoại hối.
1. Đồng USD
USD được coi là đồng tiền mạnh nhất thế giới, đồng thời còn là một trong những tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn nhờ sức mạnh kinh tế vượt trội của Mỹ và vai trò của bản thân đồng tiền trong hệ thống tài chính quốc tế.
Tính đến cuối năm 2022, đồng bạc xanh chiếm hơn 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu, áp đảo so với 4 đồng tiền xếp sau là EUR, JPY, GBP và CNY, dữ liệu của IMF chỉ ra.
Đồng USD hiện chiếm hơn 88% tổng giao dịch ngoại hối toàn cầu với khối lượng hơn 6.600 tỷ USD mỗi ngày, theo báo cáo năm 2022 của BIS.
Con số 88% ở đây được tính trên tổng số là 200% thay vì 100% như bình thường, vì mỗi giao dịch có hai đồng tiền và cả hai đều được BIS thống kê.
Đồng USD cũng đang bỏ xa các đồng tiền đứng sau như EUR, JPY, GBP và CNY. Tổng tỷ trọng của 4 đồng tiền ngay sau cũng chưa bằng một mình USD.
Đồng bạc xanh trở thành đồng tiền chiếm ưu thế trên toàn cầu kể từ sau Thế chiến thứ hai. Một số quốc gia đã neo tỷ giá với USD, chẳng hạn như Arab Saudi, Qatar và UAE.
Ngoài ra, 7 nền kinh tế gồm Ecuador, El Salvador, Marshall Islands, Micronesia, Palau, Đông Timor và Zimbabwe công nhận USD là đồng tiền pháp định.
Trong hơn một năm qua, đồng bạc xanh đã bật tăng tương đối mạnh nhờ chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tháng 8 năm ngoái, USD đã chạm mức đỉnh 20 năm.
2. Đồng EUR
Chiếm 20,4% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu và giao dịch gần 2.300 tỷ USD trên thị trường ngoại hối mỗi ngày, đồng EUR được coi là đồng tiền mạnh thứ hai trên thế giới.
EUR ra mắt vào năm 1999, là đồng tiền chính thức của Liên minh châu ÂU (EU) và được quản lý bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Đồng tiền này được sử dụng bởi 20 quốc gia thành viên EU, giúp chính phủ và doanh nghiệp các nước tránh được chi phí chuyển đổi tiền tệ khi tiến hành hoạt động thương mại trong khối.
Ghi nhận trên thị trường ngoại hối tại thời điểm 16h20 ngày 7/6 (theo giờ Việt Nam), 1 EUR đổi được gần 1,07 USD.
3. Đồng JPY
Đồng JPY hiện chiếm khoảng 5,5% dự trữ ngoại hối toàn cầu và chỉ xếp sau USD, EUR, theo báo cáo của IMF.
Trên thị trường ngoại hối, đồng nội tệ của Nhật Bản cũng là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba thế giới với khối lượng hàng ngày là 1.200 tỷ USD.
Đồng JPY được nhà đầu tư đánh giá cao nhờ tỷ lệ lạm phát và lãi suất thấp tại Nhật Bản. Trong một báo cáo năm 2022, Goldman Sachs nhận định JPY là tài sản rẻ và an toàn nhất trong trường hợp Mỹ suy thoái.
Ghi nhận cùng thời điểm 16h20 ngày 7/6 (theo giờ Việt Nam), 1 JPY đổi được 0,0072 USD, tức là 1 USD sẽ tương đương 139 JPY.
4. Đồng GBP
Đồng bảng Anh hiện chiếm khoảng 13% giao dịch trên thị trường ngoại hối, với khối lượng khoảng 968 tỷ USD mỗi ngày.
Đồng tiền này cũng chiếm hơn 4,9% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu. Nhờ đó, GBP được coi là đồng tiền mạnh thứ 4 thế giới.
Đây là một trong những đồng tiền lâu đời nhất thế giới. Nó trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu trong thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, trước khi đồng USD chiếm mất vị trí này.
Ngoài ra, GBP cũng là một trong những đồng tiền có sức mua tương đối mạnh nhất so với đồng bạc xanh. Trên thị trường ngoại hối, 1 GBP hiện đổi được khoảng 1,24 USD.
5. Đồng CNY
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được cho là đồng tiền mạnh thứ 5 trên thế giới, chiếm 2,69% dự trữ toàn cầu.
Hơn nữa, đây cũng là một trong những loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thị trường ngoại hối, với khối lượng hàng ngày hơn 520 tỷ USD. 1 CNY hiện đổi được 0,14 USD, tức là 1 USD mua được 7,12 CNY.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tận dụng sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của mình để quốc tế hoá đồng CNY, bằng cách thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền trong hoạt động và thương mại đầu tư xuyên biên giới.
Theo đưa tin từ SCMP, hiện có khoảng 8 quốc gia đã bắt đầu hoặc cân nhắc giao dịch với Trung Quốc bằng đồng CNY thay vì USD.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang hợp tác cùng một số nền kinh tế đang phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi (nhóm BRICS) để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vũ khí hoá đồng USD để trừng phạt Nga sau khi Moscow tấn công Ukraine vào năm ngoái. BRICS lo sợ có thể rơi vào tình cảnh tương tự Nga.
Xét trong dự trữ ngoại hối toàn cầu, đồng nội tệ của 5 nước BRICS chiếm tỷ trọng chưa quá 5%. Tương tự, trên thị trường ngoại hối, 5 đồng tiền này chỉ chiếm 5,5% tổng giao dịch, khối lượng hàng ngày chỉ vào khoảng 801 tỷ USD.
Cuối tháng 3 năm nay, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Alexander Babakov tuyên bố các nước BRICS đang trong quá trình tạo ra một phương tiện thanh toán mới, được thiết lập dựa trên chiến lược “không bảo vệ đồng USD và EUR".
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định đồng USD sẽ khó bị lật đổ trong một sớm một chiều bởi hiện chưa có bất kỳ đồng tiền nào khác có thể cung cấp mức độ ổn định, thanh khoản và an toàn như USD.
Hơn nữa, phần lớn các nền kinh tế tiên tiến, vốn là đồng minh của Mỹ, hiện đang chiếm hơn 50% GDP toàn cầu. Các nước này không tỏ ra gấp rút trong việc thay thế đồng USD.