Sự thống trị lâu đời của USD [Bài 1]: 'Đặc quyền vượt trội’ dành cho nước Mỹ
Sự thống trị lâu đời của USD
Năm 1944 tại hội nghị Bretton Woods, tất cả 44 quốc gia tham dự đã đồng ý neo giữ giá trị đồng tiền của mình với đô la Mỹ (USD), và Mỹ sẽ giữ giá trị của USD với vàng theo tỷ lệ 35 USD đổi một ouce vàng. Vậy là từ cuối Thế chiến II trở đi, USD chính thức trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, ngân hàng trung ương các nước có thể mang USD đến Mỹ để đổi lấy vàng theo mức giá 35 USD/ounce.
Mỹ lợi dụng vai trò thiết yếu của USD trong hệ thống tài chính quốc tế để in tiền vô tội vạ, một phần để trang trải cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như cho các khoản chi tiêu khác. Lãnh đạo nhiều quốc gia cho rằng lượng tiền USD trong lưu thông quá lớn, Mỹ không thể có đủ vàng để quy đổi theo thỏa thuận.
Các nước mất lòng tin vào Mỹ nên ồ ạt mang USD đến Mỹ để quy ra vàng. Năm 1971, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon lo sợ cạn kiệt kho vàng nên đã chấm dứt thỏa thuận Bretton Woods, dừng việc quy đổi 35 USD lấy một ounce vàng. Lúc này đã có nhiều dự báo về việc USD sẽ sụp đổ vì không được bảo đảm bằng kim loại quý, sớm mất đi vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Đến thập niên 1980 – 1990, USD vẫn được sử dụng rộng rãi, giới chuyên gia lại dự báo yen và mark – đồng tiền của hai nền kinh tế đang lớn mạnh khi đó là Nhật Bản và Đức – sẽ sớm thay thế USD.
Tới đầu những năm 2000, nhiều người cho rằng đồng tiền chung châu Âu euro sẽ có thể hạ bệ được USD. Trong suốt lịch sử, cả euro, yen Nhật và mark Đức đều chưa từng cạnh tranh được ngôi vua của USD.
Khi khủng hoảng tài chính 2008 bùng phát ở Mỹ, các dự báo về sự sụp đổ của USD lại một lần nữa nổi lên. Nhưng thực tế là nhà đầu tư không rời bỏ USD mà dòng tiền lại chảy vào đồng bạc xanh để tìm nơi trú ẩn.
Năm 2011, Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công và trái phiếu Kho bạc Mỹ lần đầu tiên bị hạ khỏi bậc xếp hạng tín nhiệm cao tuyệt đối AAA. Thế nhưng đồng USD vẫn giữ vững ngôi vị đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Năm 2020 khi toàn cầu chao đảo vì COVID-19, USD lại một lần nữa được coi là vịnh tránh bão cho thế giới.
Năm 2022 khi Nga tấn công quân sự Ukraine, Mỹ lập tức dùng sự thống trị của USD để áp hàng loạt lệnh trừng phạt hà khắc lên hệ thống tài chính Nga. Các chuyên gia dự báo nước đi này của Washington sẽ gây tổn hại tới vị thế của đồng bạc xanh, nhiều nước muốn tránh phụ thuộc quá nặng nề vào USD để không phải chịu thiệt hại nhiều nếu bị Mỹ trừng phạt như Nga.
Tuy nhiên, theo các thống kê gần đây nhất, vai trò của USD vẫn chưa bị sứt mẻ nhiều. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính đến quý IV/2022, USD chiếm hơn 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu, nhiều hơn 4 đồng tiền đứng sau là euro, yen Nhật, bảng Anh và nhân dân tệ cộng lại.
Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), USD chiếm 88% (trong tổng số 200%) giao dịch ngoại hối toàn thế giới, cũng lớn hơn 4 đồng tiền xếp ngay sau cộng lại.
Con số 88% ở đây được tính trên số tổng là 200% thay vì 100% như bình thường, vì mỗi giao dịch có hai đồng tiền và cả hai đều được BIS thống kê.
Việc USD liên tục là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất toàn cầu trong 8 thập kỷ từ 1944 đến nay đã giúp Mỹ gặt hái nhiều lợi ích to lớn. Năm 1965, Bộ trưởng Tài chính Pháp đã phải thốt lên rằng vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD đã mang tới cho Mỹ “những đặc quyền vượt trội” (exorbitant privileges).
Những lợi ích của Mỹ khi USD thống trị hệ thống tài chính toàn cầu
Việc USD được cả thế giới sử dụng đồng nghĩa với việc nhu cầu USD là rất lớn, chính phủ Mỹ có thể đi vay với lãi suất thấp, chi phí lãi vay bằng USD hàng năm tương đối thấp.
Khi khoản vay và trái phiếu đáo hạn, chính phủ Mỹ thanh toán số tiền nợ bằng USD và các chủ nợ vui vẻ chấp nhận. Chính phủ các nước sử dụng những đồng tiền không phổ biến, chẳng hạn như rupee, ringgit, … sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đi vay, vì đa phần các chủ nợ không có sẵn và cũng không muốn nhận về những đồng tiền này.
Mỹ đi vay bằng USD còn giúp loại bỏ rủi ro về tỷ giá.
Giả sử Việt Nam đi vay 1 tỷ USD với tỷ giá 20.000 đồng/USD, tức là thu về 20.000 tỷ đồng. Đến khi trả nợ, tiền của Mỹ mạnh hơn trước, tỷ giá tăng lên thành 30.000 đồng/USD, số tiền mà Việt Nam phải chi ra để trả nợ 1 tỷ USD sẽ lên tới 30.000 tỷ đồng.
Chính phủ Mỹ hoàn toàn không phải chịu rủi ro biến động tỷ giá khi đi vay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Mỹ cũng chỉ cần quản trị một loại tiền là USD, không phải đau đầu lo nghĩ về nội tệ - ngoại tệ.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có quyền in tiền USD nên chính phủ Mỹ gần như không bao giờ phải lo vỡ nợ. Các nước khác có thể vỡ nợ nước ngoài vì không kiếm được USD, nhưng Mỹ thì không.
Nguyên nhân của tình trạng bế tắc về trần nợ tại Washington hiện nay là do đấu đá chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, không phải vì Mỹ thiếu tiền.
Vị thế của USD còn giúp gia tăng hiệu quả các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên các quốc gia hoặc tổ chức nước ngoài.
Bất kỳ ngân hàng nào muốn thanh toán bằng USD đều phải xử lý giao dịch qua ít nhất một ngân hàng ở Mỹ do Washington toàn quyền kiểm soát. Mỹ có thể cắt đứt quyền tiếp cận hệ thống USD của bất cứ ai.
Khi Mỹ áp lệnh cấm vận với Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam vào năm 2020, không ngân hàng nào của Hong Kong hay Trung Quốc đại lục dám cung cấp dịch vụ tài chính cho bà. Không thể quẹt thẻ hay chuyển khoản, vị quan chức này phải giữ hàng xấp tiền trong nhà và mang tiền mặt bên mình để thanh toán cho mọi khoản chi tiêu. Lương của bà cũng được trả bằng tiền mặt thay vì qua ngân hàng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Phương Tây trừng phạt Nga bằng một đòn mạnh hơn SWIFT, khiến ông Putin khó cứu nổi nền kinh tế 01/03/2022 - 14:21
Gần đây hơn vào năm 2022, Mỹ đã cắt đứt toàn bộ hệ thống ngân hàng Nga khỏi hoạt động thanh toán bằng USD, khiến hoạt động thương mại của Nga với thế giới bị đình trệ. Giờ đây, Nga chỉ có thể giao thương với một số đồng minh thân thiết như Trung Quốc và phải sử dụng vàng hoặc tiền tệ của nhau, không thể dùng USD.
Về lý thuyết, quốc gia nào cũng có thể áp lệnh cấm vận, nhưng các đòn đánh của Mỹ luôn có sức mạnh ghê gớm nhất là nhờ vào sự thống trị của USD.
USD mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích lớn lao, vậy các nước khác có thấy thèm khát không, có cố tìm cách thay thế USD bằng đồng tiền của mình không, và tại sao suốt 80 năm qua vẫn chưa ai thành công?
Chưa nước nào đưa đồng tiền của mình lên soán ngôi USD vì hai lý do: Không thể làm được và không dám làm.
Đón đọc Bài 2: Sự thống trị lâu đời của USD: Nhiều nước muốn lật đổ nhưng chưa làm được và không dám làm