|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành bán dẫn giữa hai gọng kìm: Nga chặn đầu vào, phương Tây nắm đầu ra

10:39 | 06/06/2022
Chia sẻ
Nga và phương Tây đang rơi vào thế giằng co, khi một bên đang nắm giữ nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn, còn bên kia kiểm soát đầu ra của ngành công nghiệp này.

Theo Reuters, vào ngày 2/6, Nga đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu những khí hiếm như neon, thành phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bộ Thương mại Nga cho biết động thái này nhằm mục đích củng cố vị thế trên thị trường và sẽ có hiệu lực cho tới cuối năm 2022. 

Lệnh hạn chế xuất khẩu của Nga có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường bán dẫn toàn cầu. Ukraine là nhà cung ứng khí hiếm lớn nhất thế giới cho đến khi buộc phải ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Odessa và Mariupol hồi tháng 3.

Nhà máy Azovstal, nơi sản xuất lượng lớn khí hiếm của toàn cầu, đã bị thiệt hại nặng nề do xung đột. (Ảnh: AFP).

Ngày 30/5, Nga cho biết sẽ chỉ cho phép xuất khẩu các loại khí hiếm khi có sự cho phép đặc biệt của chính phủ cho đến cuối năm nay.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Vasily Shpak nói với Reuters rằng động thái này nhằm "sắp xếp lại những mắt xích đã bị phá vỡ và xây dựng những dây chuyền mới". Nga chiếm 30% nguồn cung cấp khí quý toàn cầu, theo ước tính của Bộ Thương mại.

"Chúng tôi có kế hoạch tăng năng lực sản xuất (khí hiếm) trong tương lai gần. Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ có cơ hội được lắng nghe trong chuỗi toàn cầu này và điều này sẽ mang lại cho chúng tôi một số lợi thế cạnh tranh nếu cần thiết để xây dựng đôi bên cùng có lợi”, ông Shpak nói.

Khí hiếm trong bảng tuần hoàn các nguyên bố hóa học là các nguyên tố có màu cam trong ảnh. (Ảnh: Technode).

Trong khi đó, ngay sau khi Moscow tấn công Ukraine vào ngày 24/2, Đài Loan tuyên bố ngừng xuất khẩu các mặt hàng bán dẫn tới Nga. Tập đoàn TSMC của Đài Loan là nhà cung cấp chip bán dẫn lớn nhất toàn cầu. Moscow cũng phải dựa vào TSMC để sản xuất các loại vi xử lý được thiết kế trong nước.

Các thiết bị quân sự hiện đại đều cần những vi mạch hiện đại, có khả năng tính toán mạnh mẽ và hoạt động ổn định. Các thiết bị từ kính ngắm xe tăng, camera của máy bay không người lái cho tới hệ thống định vị và dẫn đường của tên lửa hoặc điều khiển của máy bay hiện nay đều có sự góp mặt của chip bán dẫn. Sự phụ thuộc vào linh kiện bán dẫn từ nước ngoài đang đẩy Nga vào thế khó.

Việc Nga và Ukraine nắm giữ nguồn cung một thành phần quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong khi Moscow cũng phụ thuộc vào các thành phẩm được nhập khẩu từ bên ngoài đang tạo ra một cuộc giằng co. 

Nga giữ đầu vào

Mỗi mắt xích trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn thường chỉ tập trung trong tay một vài người chơi lớn, thậm chí là độc quyền. Vì vậy, việc Nga và Ukraine không thể xuất khẩu khí hiếm chắc chắn sẽ gây ra khủng hoảng toàn cầu.

Bloomberg cho biết, nhà máy thép Azovstal tại thành phố Mariupol bị tàn phá nặng nề là một trong ít cơ sở trên thế giới có thể sản xuất được nguyên liệu để tạo ra các loại khí hiếm như neon, krypton, xenon hay helium.

Neon là sản phẩm phụ của hoạt động sản xuất thép và chỉ có hiệu quả kinh tế khi sản xuất với số lượng đáng kể từ những nhà máy thép khổng lồ như Azovstal.

Vì khí hiếm thường được mua bán bằng các hợp đồng dài hạn và thị trường giao ngay không phát triển, nên không thể đưa ra con số chính xác về sản lượng của từng quốc gia. Trước năm 2014, 90% nguồn cung khí hiếm có nguồn gốc từ Ukraine, phần nhiều trong số đó được sản xuất tại Mariupol và xuất khẩu sang thị trường phương Tây.

Theo ông Cliff Cain của Edelgas Group, Trung Quốc cũng đã trở thành một nhà cung ứng lớn. Hiện tại Ukraine nhiều khả năng chiếm khoảng 50 đến 70% sản lượng khí neon toàn cầu. Doanh nghiệp thép Posco của Hàn Quốc cũng đang bắt đầu sản xuất một lượng nhỏ cho nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, nếu Nga phục hồi lại nhà máy Azovstal, 95% thị trường khí neon có thể rơi vào tay hai người chơi “không thân thiện” với phương Tây là Trung Quốc và Nga, ông Cain cho biết.

Phương Tây chặn đầu ra

Theo Financial Times, biệt pháp cấm xuất khẩu những linh kiện bán dẫn đa chức năng, có thể ứng dụng trong dân sự và quốc phòng như vi xử lý, bán dẫn và máy chủ sẽ gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài đối với nền kinh tế Nga.

Những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất của Nga sẽ không thể tiếp cận thiết bị 5G, trong khi các giải pháp điện toán đám mây từ Yandex hay Sberbank sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng trung tâm dữ liệu.

Một vi mạch dân dụng có giá chỉ 2 USD được Nga sử dụng trong các loại máy bay không người lái. Vi mạch này được nhập lậu thông qua một hệ thống các công ty ma. (Ảnh: Conflict Armament Research). 

Các lĩnh vực công nghệ quốc phòng, từ kính ngắm của xe tăng cho tới hệ thống định vị của tên lửa hiện đại đều cần sử dụng công nghệ bán dẫn. Trong quá khứ, Nga đã lựa chọn phát triển công nghệ analog thay vì đầu tư cho ngành bán dẫn như phương Tây. Tại thời điểm đó, độ bền và tính ổn định các loại vi xử lý, vi mạch vẫn còn thấp.

Tuy nhiên, công nghệ ngày càng phát triển, vi mạch ngày càng thu nhỏ, khả năng xử lý và mức độ ổn định được tăng cường và Nga cũng bắt đầu phải sử dụng chúng trong các thiết bị quân sự của mình. 

Nga yếu trong các ngành công nghệ hiện đại và sử dụng ít hơn 1% các sản phẩm bán dẫn trên toàn cầu, khiến các biện pháp trừng phạt công nghệ vừa có hiệu quả, vừa ít gây ra tác dụng phụ.

Mặc dù Moscow cũng có vài nhà sản xuất chip trong nước như JSC Mikron, MCST và Baikal Electronics, những doanh nghiệp này thường phải dựa vào nguồn nhập khẩu từ SMIC, Intel hay Infineon.

MCST và Baikal phải dựa vào những nhà máy tại Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu để sản xuất những chip tự thiết kế. MCST cho biết vào hôm 30/5 rằng đang nghiên cứu chuyển dây truyền sản xuất sang nhà máy của JSC Mikron, nhằm tạo ra “những vi xử lý xứng đáng với công nghệ Nga”, theo trang tin kinh tế RBC.

Tuy nhiên, vi xử lý Elbrus, được phát triển bởi MCST đã thất bại “thảm hại” trong các bài kiểm tra, thua kém hơn rất nhiều so với đối trọng từ Intel.

Nga hiện chỉ có thể dựa vào các thiết bị bán dẫn nhập khẩu từ Trung Quốc do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Điện Kremlin cũng có những biện pháp sáng tạo để giải quyết tình hình này. Nga đã đưa ra một kế hoạch, theo đó các công ty được phép "nhập khẩu song song" phần cứng bao gồm máy chủ, ô tô, điện thoại và chất bán dẫn từ một danh sách các công ty mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc bản quyền.

Trước đây, Nga có thể dựa vào thị trường chợ đen để mua những thiết bị công nghệ và quân sự của phương Tây thông qua các đại lý và nhà môi giới ở châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, tình trang khan hiếm sản phẩm bán dẫn trên toàn cầu khiến cho những kênh này cũng đang cạn kiệt.

Bà Karen Kazaryan, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Internet ở Moscow cho biết: “Một số công ty đã tìm kiếm nguồn cung từ Kazakhstan. Một số công ty hạng hai của Trung Quốc cũng đã sẵn sàng xuất khẩu cho Nga".

"Nga đã dự trữ linh kiện. Tuy nhiên, số lượng không đủ, nguồn cung không ổn định và giá đã tăng ít nhất hai lần", bà nói.

Các quan chức Nga cũng đã tìm hiểu việc chuyển sản xuất đến các xưởng tại Trung Quốc, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng ra tay giúp đỡ.

Một giám đốc điều hành hãng sản xuất vi xử lý hàng đầu cho biết "về điện tử tiêu dùng, điện thoại, máy tính và trung tâm dữ liệu, trong hầu hết các trường hợp là các nhà sản xuất từ ​​bên ngoài sẽ không bán cho Nga ngay cả khi những sản phẩm chỉ có chip đời cũ từ Trung Quốc".

Minh Quang