|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EU đã ra lệnh cấm, Nga tự cứu ngành công nghiệp dầu mỏ của mình bằng cách nào?

16:28 | 02/06/2022
Chia sẻ
Moscow có thể đối phó với cấm vận của châu Âu bằng cách tìm kiếm các khách hàng mới hoặc chấp nhận cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu cao hơn. Quyết định của Nga sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, trừ khi OPEC can thiệp.

Đầu tuần này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm nhập khẩu 90% sản phẩm dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 6 chống lại chính quyền Moscow sau khi ông Putin điều binh tấn công Ukraine.

Trong một lưu ý gần đây, bà Helima Croft - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, bình luận: “[Sau quyết định của EU], thế giới chắc chắn sẽ theo sát phản ứng của Nga”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Arab Saudi; đồng thời là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai sau Arab Saudi.

Chia sẻ với CNBC, giáo sư Hossein Askari tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học George Washington, cảnh báo: “Những gì diễn ra từ giờ sẽ định hình hoạt động thương mại dầu khí trong tương lai. Giá dầu khó mà giảm trong thời gian tới và chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả của các lệnh trừng phạt Nga trong nhiều năm tới”.

“Mỹ đáng lẽ nên sử dụng các biện pháp trừng phạt phủ đầu mạnh mẽ với chính quyền ông Putin và cứng rắn hơn với các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC để buộc họ tăng sản lượng", ông Askari nhấn mạnh.

Theo dự đoán của các chuyên gia, Nga có thể đối phó với các cấm vận của EU bằng cách tìm kiếm khách hàng mới hoặc chọn con đường cắt giảm sản lượng để duy trì giá dầu ở mức cao trong thời gian dài.

Lùng sục khách hàng mới

Nga có thể xoay xở được các lệnh trừng phạt năng lượng hay không và bán được bao nhiêu dầu thô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu toàn cầu. Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU hiện đến từ xứ sở Bạch Dương.

Chia sẻ trên Twitter, ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, cho biết nước này sẽ tìm kiếm khách hàng mới. “Như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói hôm qua, Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu khác”, ông Ulyanov nhấn mạnh.

Theo nhận định của bà Helima Croft, liệu dầu thô của Nga có thể tới Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hay không phụ thuộc vào việc liệu EU có nhắm tới các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm hàng hải, cũng như liệu Mỹ có chọn áp đặt các biện phát trừng phạt thứ cấp tương tự như đã làm với Iran hay không.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Moscow hiện đã có hai khách hàng tiềm năng là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này đã mạnh tay gom dầu thô giảm giá của Nga và các nhà phân tích tin rằng xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục.

Mặc dù trong quá khứ, Ấn Độ nhập khẩu rất ít dầu thô từ Nga - chỉ khoảng 2 đến 5% mỗi năm, theo các nhà quan sát thị trường, lượng mua của đất nước Nam Á đã tăng vọt trong những tháng gần đây.

Trong tháng 3, Ấn Độ mua 11 triệu thùng dầu từ Nga. Con số này đã tăng lên 27 triệu thùng trong tháng 4 và 21 triệu thùng trong tháng 5, theo dữ liệu từ Kpler. Khối lượng đó hoàn toàn tương phản với 12 triệu thùng mua trong cả năm 2021.

Trung Quốc vốn đã là khách mua dầu lớn nhất của Nga nhưng lượng mua cũng nhảy vọt thời gian qua. Từ tháng 3 đến tháng 5, nền kinh tế tỷ dân đã nhập khẩu tổng cộng 14,5 triệu thùng dầu - tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo Kpler.

Chấp nhận giảm sản lượng

Nga cũng có thể cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô để giảm bớt tác động của các lệnh cấm vận đối với tình hình tài chính của mình.

Cuối tuần trước, Phó Chủ tịch Leonid Fedun của công ty dầu mỏ Lukoil, đề xuất Nga nên giảm sản lượng tới 30% để kéo giá dầu lên cao hơn và tránh phải bán hàng với giá chiết khấu.

Bà Croft của RBC cho biết: “Các quan chức tại Washington lo ngại rằng Moscow có thể chặn đứng đà giảm dự kiến của giá dầu trong nửa cuối năm nay bằng cách giảm xuất khẩu dầu thô trong mùa hè để gây thiệt hại tối đa lên nền kinh tế châu Âu và thử thách quyết tâm bảo vệ Ukraine của phương Tây”.

Trong bối cảnh tồn kho dầu mỏ toàn cầu “thấp đáng báo động” và công suất lọc dầu trở nên eo hẹp hơn, động thái đó của Nga có thể gây ra tác động kinh tế rất nặng nề trong mùa hè này, bà Croft cảnh báo thêm.

 

“Nếu Nga cắt cung dầu thô thì riêng đối với nước này, chúng tôi cho rằng tác động sẽ được bù đắp bởi giá dầu đang rất cao”, ông Edward Gardner - nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economist, bình luận. Ông dự đoán sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm khoảng 20% vào cuối năm nay.

Theo ông Gardner, mặc dù dầu Urals - sản phẩm xuất khẩu chính của Nga, đang được giao dịch với giá chiết khấu, khoảng 95 USD/thùng, thì mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, nếu sản lượng của Nga đi xuống, các đối thủ khác có thể nhảy vào để chế ngự giá, vì một khi giá dầu quá cao, nhu cầu sẽ sụp đổ. Tờ Financial Times mới đây dẫn nguồn thạo tin cho biết Arab Saudi sẵn sàng tăng sản lượng nếu nguồn cung của Nga sụt giảm mạnh sau các lệnh trừng phạt của EU.

Yên Khê

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.