|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 điều cần biết về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

15:15 | 12/11/2018
Chia sẻ
Thế giới đang dõi theo tiến trình đàm phán cắt giảm thuế quan trong hội nghị thượng đỉnh RCEP tại Singapore.
 
5 dieu can biet ve hiep dinh doi tac kinh te toan dien khu vuc rcep

16 quốc gia tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đem đến nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau. (Nguồn: Nikkei)

Các lãnh đạo 16 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương sẽ gặp nhau tại Singapore để cùng thống nhất những “thỏa thuận chủ chốt” của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Dự thảo hiệp định thương mại tự do này hướng tới kết nối hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Nhật Bản và Trung Quốc với các quốc gia đang phát triển nhanh như Việt Nam và Ấn Độ.

Những đàm phán và thảo luận bắt đầu từ năm 2013 nhưng gần đây mới được đẩy mạnh bởi các ảnh hưởng từ các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong lúc cả thế giới đang đón chờ các thỏa thuận sẽ đạt được từ dự thảo này, hãy cũng tìm hiểu 5 điều cần biết về hiệp định RCEP.

RCEP là gì và khác biệt thế nào so với TPP?

RCEP là một hiệp định thương mại tự do đa phương giống như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, RCEP có phạm vi bao phủ lớn hơn, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

16 quốc gia này chiếm gần một nửa dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu, trong đó có 7 quốc gia Singapore, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Nhật Bản, Úc và New Zealand đồng thời là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương gồm 11 quốc gia hay còn gọi là TPP-11 (CPTPP) dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/12.

RCEP khác với các hiệp định thương mại đa phương khác ở chỗ chỉ bao gồm các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương.

RCEP không đưa ra các quy định chặt chẽ như TPP-11 về thương mại tự do và cũng không thiết lập những luật định chặt chẽ với các phương diện như quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và các chính sách doanh nghiệp nhà nước.

Hiệp định này sẽ ảnh hưởng thương mại toàn cầu như thế nào?

Điểm mấu chốt trong dự thảo RCEP liên quan đến Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới.

“Trung Quốc và Ấn Độ không nằm trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), do đó RCEP sẽ là cơ hội để kết nối hai nền kinh tế lớn của Châu Á này lại với nhau”, theo ông Locknie Hsu, giáo sư luật thuộc Đại học quản lý Singapore.

Hiệp định được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động thông thương, đầu tư xuyên biên giới và trao đổi chất xám giữa các quốc gia Châu Á.

Ông Hsu chia sẻ: “với những cam kết thúc đẩy thương mại, tự do hóa và đẩy mạnh đầu tư của một nhóm khu vực lớn này, RCEP sẽ là một dấu hiệu của sự đáp lại các chính sách toàn cầu hóa của Mỹ và các quốc gia khác”.

5 dieu can biet ve hiep dinh doi tac kinh te toan dien khu vuc rcep

Tại sao các nước thành viên đang rất khẩn trương để đạt được các thỏa thuận của hiệp định này?

Những khác biệt trong phát triển kinh tế và nhu cầu của các nước thành viên đã gây nhiều khó khăn trong tiến trình đàm phán. Nhưng các động thái thương mại đơn phương của Tổng thống Trump và căng thẳng ngày càng leo thang với Trung Quốc đã tạo ra động lực mới cho RCEP.

Singapore với cương vị là chủ tịch ASEAN năm nay đặc biệt quyết tâm sẽ hiện thực hóa hiệp định này.

Một vài nước thành viên như Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan sẽ tiến hành bầu cử quốc gia vào năm sau.

Các quyết sách chính trị bao gồm những vấn đề nhạy cảm như giao dịch nông sản có thể sẽ bị chững lại khi các phiếu bầu cử đến gần. Qua đó càng thúc đẩy RCEP phải đạt được thỏa thuận trong năm nay.

Những điểm mấu chốt trên bàn đàm phán?

Các thành viên RCEP chỉ mới đạt được 5 trong số 18 điều khoản thỏa thuận, trong đó điều khoản xóa bỏ thuế quan vẫn đang còn nhiều tranh cãi nhất, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Ấn Độ được xem là đang do dự trong việc mở cửa thị trường. Vốn dĩ là một quốc gia mà nông nghiệp đóng góp 15% vào GDP và cung cấp việc làm cho 43% lao động, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế Giới (World Bank).

Việc giảm thuế quan hoặc các rào cản đầu tư có thể kiềm hãm khả năng phát triển của các ngành công nghiệp nội địa, cũng như ảnh hưởng chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Các khoản thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc ngày càng gia tăng đã khiến cho RCEP càng trở nên nhạy cảm hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng sự mất cân đối này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu RCEP được thực thi.

Tuy nhiên, New Delhi vẫn rất muốn các nước bạn mở rộng thị trường lao động để các lao động ngành công nghiệp thông tin của Ấn Độ được ra nước ngoài làm nhiều hơn.

Thương mại điện tử lại là một vấn đề khác của RCEP khi mà nó liên quan đến quy định về việc truyền giữ dữ liệu xuyên biên giới giữa các quốc gia.

Thỏa thuận có đạt được vào năm nay?

Các vòng đám phán trước đây cho thấy rằng thỏa thuận sẽ còn rất xa tầm với. Các điều khoản về cái gọi là “thỏa thuận chủ chốt” còn chưa rõ ràng và một số nhà đánh giá nghi ngờ rằng bất kỳ các tiến trình nào hướng đến đạt được thỏa thuận hiệp định có thể được ca ngợi như là đạt được mục tiêu.

Vẫn còn tồn tại các sự nghi ngờ về khả năng có đạt được thỏa thuận trong năm nay.

Một nguồn tin cho Nikkei Asian Review biết: “RCEP có khả năng sẽ không đạt được các thỏa thuận mấu chốt tại hội nghị thượng định năm nay. Các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán và tiến tới đưa ra các định hướng cho năm tới”.

Các nhà đàm phán sẽ tiến hành phiên thảo luận cuối cùng vào tuần này, các vấn đề khó khăn có đòi hỏi các quyết định chính trị sẽ diễn ra tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng vào thứ Hai (12/11) và sau đó là hội nghị RCEP vào thứ Tư (14/11).

Các thành viên RCEP đặt mục tiêu sẽ đạt được các thỏa thuận cuối cùng vào năm tới, theo dự thảo cho hội nghị vào ngày thứ 4 cung cấp bởi Nikkei.

Xem thêm

Cẩm Tiên