Các nước nỗ lực hoàn tất đàm phán RCEP đúng hẹn vào năm 2019
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 5 các nước đám phán RCEP tại Tokyo, Nhật Bản ngày 1/7/2018. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN) |
Sau một ngày nhóm họp tại Singapore, ngày 13/10, các bộ trưởng của 16 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã thông qua tuyên bố chung khẳng định một số tiến bộ trong vòng đàm phán mới nhất này.
Tuy nhiên, các nước vẫn đang cố gắng để hoàn tất mục tiêu đến cuối năm sẽ kết thúc về cơ bản đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đồng thời kết thúc đàm phán một số nội dung kỹ thuật để có thể hoàn toàn kết thúc đàm phán trong năm 2019.
Theo tuyên bố chung, các bộ trưởng đã nhất trí cùng hợp tác để khắc phục những khó khăn hoặc thách thức khi các cuộc đàm phán về RCEP bước vào giai đoạn cuối.
Tuyên bố nhấn mạnh các bộ trưởng đã thu hẹp một số khác biệt.
Các nước thành viên RCEP vẫn quyết tâm hoàn tất gói kết quả dự kiến cần đạt được vào cuối năm nay được các bộ trưởng thông qua trong vòng đàm phán hồi tháng Tám vừa qua liên quan tới các lĩnh vực gồm hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ.
Tuyên bố chung nhấn mạnh việc ký một thỏa thuận thương mại tự do sẽ là bước ngoặt quan trọng đặc biệt vào thời điểm thương mại toàn cầu đang trải qua nhiều bất ổn.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng thương mại tham gia tiến trình đàm phán RCEP sẽ nhóm họp lần nữa tại Auckland, New Zealand, vào cuối tháng này để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lãnh đạo các nước thành viên RCEP dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cường quốc khu vực.
Tiến trình đàm phán tiến tới ký kết một hiệp ước thương mại tự do RCEP đã được bắt đầu vào năm 2013 và đã nhiều lần "lỡ" thời hạn chót được đặt ra.
Với số lượng thành viên gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác khu vực là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc, RCEP dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1/2017.