|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các hiệp định thương mại tự do sẽ quyết định cục diện kinh tế Việt Nam năm 2019

14:30 | 11/07/2019
Chia sẻ
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải thiện môi trường đầu tư cũng như tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019.
DSCF9037

Tọa đàm "Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019" do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức sáng ngày 11/7. (Ảnh: Thu Hà)

GDP 6 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ 2018

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư ) vừa tổ chức buổi tọa đàm "Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019".

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, bối cảnh thương mại và đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng.

Đáng chú ý là giữa căng thẳng của các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76%. Tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ giai đoạn 2011 – 2017.

Khu vực Công nghiệp – xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 tăng 8,39%  (thấp hơn so với mức 9,07% so với năm 2018), tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi đóng góp 51,8% vào tốc độ  tăng trưởng GDP chung.

Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 6,69%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017 – 2018 (tương ứng 6,89 và 6,9%) nhưng cao hơn so với cùng kỳ  giai đoạn 2012 – 2016 nhờ đóng góp đáng kể của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ.

Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát tốt với CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,64%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng thấp, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2019; cân đối thu chi ngân sách nhà nước được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế vẫn còn tiềm ần nhiều khó khăn và thách thức.

Cụ thể, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Bên cạnh đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm.

Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, dịch vụ y tế,…

Báo cáo tổng quan tình hình kinh tế giữa kỳ 2019 cho biết, các nước đang có xu hướng nới lỏng tiền tệ.

Cụ thể, theo TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, hiện nay, FED giữ nguyên lãi suất do mức lạm phát thấp và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục và công bố một gói vay ưu đãi lớn dành cho các ngân hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đã giữ nguyên lãi suất ngắn hạn chủ chốt ở mức - 0,1% vào tháng 6/2019 đồng thời quyết định tiếp tục mua trái phiếu chính phủ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5 điểm %.

TS. Đặng Đức Anh cũng cho biết, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục các cuộc "ăn miếng trả miếng".

Cụ thể, Mỹ tiếp tục tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 10/5/2019, nâng tổng mức hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế 25% lên 250 tỉ USD.

Trung Quốc tăng mức thuế đối với 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 1/6/2019 với các mức 25%, 20% hoặc 10%. Đồng thời giữ nguyên nhóm áp đã áp thuế 5% như trước đây.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây đó là hoạt động mua bán và sáp nhập tăng mạnh. Số vốn góp, mua cổ phần 6 tháng đầu năm 2018  đạt 4,1 tỉ USD, tăng so với mức 2,25 tỉ USD 6 tháng đầu năm 2017.

Tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm 2019 tăng mạnh. Điều đó khẳng định các nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam để xây dựng nhà máy.

Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn tăng trưởng tốt

DSCF9036

TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Thu Hà)

Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, bối cảnh quốc tế và trong nước sẽ tác động tới tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2019.

Với bối cảnh quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới mặc dù dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018 nhưng dự kiến vẫn đạt mức khá (3,44% trong năm 2019) do kỳ vọng vào sự tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như sự ổn định của giá cả hàng hóa thế giới, qua đó tác động tích cực đến Việt Nam.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể tác động tích cực và tiêu cực tới Việt Nam như việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ hay chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia dẫn đến nguy cơ áp thuế lẩn tránh thương mại.

Trong đó, bối cảnh trong nước đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Việc xuất nhập khẩu được thúc đẩy thông qua thực hiện và tham gia các hiệp định thương mại, nhất là trong điều kiện Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2019.

Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019.

Ngoài ra, xu hướng tiếp tục chuyển dịch đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, một số dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn (thép, lọc hóa dầu, ô tô) sẽ đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, tình hình trong nước cũng tiềm ẩn một số thách thức như nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao; dư địa chính sách tài chính và tiền tệ hạn hẹp trước sức ép lạm phát, tỉ giá; nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động do cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài; sức ép về đảm bảo năng lượng, cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng,…

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu kế hoạch (6,6 – 6,8%).

Trong đó, tăng trưởng của các ngành kinh tế lớn lần lượt là Nông – lâm - thủy sản (3,02%), Công nghiệp – xây dựng (8,61%) và Dịch vụ (6,84%). Lạm phát dự kiến ở mức trên 3,13%, đây cũng là mức tương đối thấp so với mục tiêu đề ra (4%).

Ngoài ra, đơn vị này cũng đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới như tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng nhằm duy trì ổn định tỉ giá, lãi suất và hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân; tăng cường các biện pháp nhằm chống gian lận thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thu Hà

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.