|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tận dụng ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU

20:17 | 08/09/2023
Chia sẻ
“Tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh mới” là chủ đề Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu do Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 8/9, tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin, tập quán kinh doanh, chính sách thương mại cập nhật của các nước châu Âu; đồng thời, tận dụng lợi thế cạnh tranh từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để tiếp cận thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông sản.

Chia sẻ về việc tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh mới, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã thông tin về việc sử dụng công cụ hỗ trợ phân tích thị trường và tận dụng lợi thế của hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, tận dụng cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ EVFTA trong bối cảnh mới.

Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, qua số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan và theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về EVFTA cao hơn đáng kể so với các FTA khác.

Ngoài ra, gần 41% doanh nghiệp đã từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA, trong khi con số này chỉ gần 25% vào năm 2020. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng nhất định (14,2% vào năm 2021 và 16,7% vào năm 2022).

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng cho biết thêm, qua 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa; trong đó, từ 1/8 đến 31/12/2022, xuất khẩu đạt 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, xuất khẩu sang EU đạt 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 23,23 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 46,8 tỷ USD, xuất siêu 31,4 tỷ USD. Từ đầu năm đến ngày 31/7/2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 25 tỷ USD.

Tại hội thảo, ông Đinh Sỹ Minh Lăng cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, hàng nông sản Việt Nam vào EU vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi do các biện pháp phi thuế quan như kiểm dịch động thực vật (SPS) hay rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.

Mới đây nhất, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Theo đó, luật mới sẽ được áp dụng với sản phẩm cà phê, ca cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, cao su… và sản phẩm phái sinh từ các nước trên thế giới. Cùng đó, các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.

Cùng với đó, một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA và vượt qua rào cản kỹ thuật, ông Đinh Sỹ Minh Lăng cho rằng, doanh nghiệp, người sản xuất cần tiếp tục thay đổi phương thức sản xuất xuất xanh, bền vững để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.

Hơn nữa, muốn tận dụng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp nông sản phải nắm chắc nguyên tắc xuất xứ, xem thành phần và áp dụng quy tắc xuất xứ nào trong sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, nắm rõ các quy định mới của châu Âu như quy định về phát triển bền vững, thỏa thuận xanh. Đối với sản phẩm xuất khẩu phải lưu ý và nghiên cứu kỹ quy định an toàn thực phẩm của EU.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nắm rõ xu hướng tiêu dùng của EU, trong trường hợp không đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường này, doanh nghiệp có thể tìm kiếm thị trường khác dễ tính hơn trong xuất khẩu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường EU vẫn là thị trường rộng, nhiều dư địa với doanh nghiệp Việt.

Theo bà Nguyễn Bích Thảo, Giám đốc quốc gia Công ty Asean Business Parnters thông tin về cách tiếp cận quỹ tài trợ vốn lưu động thương mại đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt là việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về tài trợ đơn hàng, bao thanh toán, bao thanh toán ngược.

Ở Việt Nam, Asean Business Parnters đã hỗ trợ một số doanh nghiệp xuất khẩu vào EU, từ đơn hàng lớn tới hỗ trợ doanh nghiệp đơn hàng vài nghìn USD và công ty đang tập trung hỗ trợ cho ngành hàng gạo, thủy sản.

Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu không phải lo phần rủi ro của người mua mà chỉ cần sản xuất, xuất hàng đi và đảm bảo yêu cầu, tiêu chí của thị trường nhập khẩu. Khi vận đơn và có hóa đơn, công ty sẽ tài trợ 90% hóa đơn của đơn hàng, sau khi hoàn thành chứng từ 2 ngày sau doanh nghiệp sẽ nhận được tiền.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề liên quan tới việc rủi ro về môi trường kinh doanh tại thị trường châu Âu; đồng thời, hướng dẫn tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về cải thiện quy trình nội bộ để doanh nghiệp đáp ứng mặt hàng xuất khẩu. 

Uyên Hương