|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thời kỳ hoàng kim của ô tô nước ngoài ở Trung Quốc đang khép lại

08:55 | 14/09/2024
Chia sẻ
Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài thống trị thị trường ô tô Trung Quốc, với việc bán ra hàng triệu xe và thu về lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim này đang khép lại.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của các nhà sản xuất xe điện (EV) nội địa Trung Quốc, như BYD và Xpeng (XPEV), đang làm thay đổi thị trường ô tô hàng đầu thế giới và khiến các nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu gặp khó khăn.

Kỳ trăng mật kết thúc

Mới đây, “gã khổng lồ” ô tô Đức Volkswagen cho biết không loại trừ khả năng đóng cửa nhà máy và sa thải nhân viên nhằm tiết kiệm thêm 4 tỷ euro (4,25 tỷ USD) so với kế hoạch tiết kiệm toàn diện ban đầu.

Mẫu SUV Touareg của thương hiệu Volkswagen. (Ảnh: Văn Xuyên/TTXVN).

Trong nửa đầu năm nay, Volkswagen đã chứng kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng, giảm hơn 25% so với ba năm trước xuống 1,34 triệu xe. Năm ngoái, Volkswagen đã mất ngôi vị thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc vào tay BYD, sau khi Volkswagen nắm giữ danh hiệu này ít nhất từ năm 2000.

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới sau Toyota, không phải là công ty duy nhất gặp khó khăn. Ford và General Motors cũng nằm trong số những công ty chứng kiến doanh số và thị phần tại Trung Quốc giảm sút khi người tiêu dùng từ chối các thương hiệu nước ngoài để mua xe nội địa.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Chở khách Trung Quốc (CPCA), trong tháng Bảy, thị phần của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài trong doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 33% so với mức 53% của cùng kỳ trước đó hai năm.

Hoạt động lắp ráp bên trong Nhà máy sản xuất ô tô General Motors (GM). (Ảnh: GM).

Lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc cũng đang chịu sức ép. Trong quý II/2024 thu nhập từ các liên doanh của Toyota tại Trung Quốc giảm 73% so với năm trước. Đáng lo ngại hơn, các liên doanh của GM tại Trung Quốc đã báo lỗ hàng quý liên tiếp trong năm nay. Doanh số bán hàng của nhà sản xuất ô tô Mỹ tại Trung Quốc đã giảm một nửa so với mức đỉnh trên 4 triệu xe vào năm 2017, xuống còn 2,1 triệu xe trong năm 2023.

Trước cuộc chiến giá cả khốc liệt và kéo dài, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng buộc phải cơ cấu lại doanh nghiệp hoặc đóng cửa các hoạt động từng mở rộng tại quốc gia này.

Gần đây, hãng sản xuất ô tô Mitsubishi Motors của Nhật Bản thông báo sẽ ngừng sản xuất ô tô tại liên doanh của hãng ở Trung Quốc, sau nhiều năm doanh số giảm sút. Honda, Hyundai và Ford cũng đã thực hiện các biện pháp như sa thải nhân viên và đóng cửa nhà máy, để cắt giảm chi phí.

Chuyên gia Michael Dunne, CEO của Dunne Insights, một công ty tư vấn chuyên về xe điện, cho biết thời kỳ “trăng mật” với mức tăng trưởng cao và lợi nhuận khổng lồ tại Trung Quốc đang khép lại.

Vì sao người tiêu dùng “quay xe”?

Ngay cả sau khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu đổ tiền vào các nhà sản xuất xe điện và pin nội địa vào giữa những năm 2010, theo chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài vẫn tiếp tục tăng thị phần. Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ưa chuộng các loại xe truyền thống từ những thương hiệu nổi tiếng.

Mẫu xe điện Tesla Model 3. (Ảnh: Tesla).

Vào tháng 12/2019, chiếc Tesla Model 3 đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất ở Thượng Hải và tình hình trên thị trường ô tô đã hoàn toàn thay đổi. Theo ông Dunne, việc Tesla sản xuất Model 3 tại Thượng Hải đã thay đổi quan điểm của người tiêu dùng về xe điện và tạo ra một bước ngoặt "vĩ đại".

Tesla đã tạo ra "hiệu ứng hào quang" lan tỏa đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, như BYD, Neo và Li Auto. Những công ty này đã liên tục cải thiện xe điện của họ trong vài năm qua và sẵn sàng tận dụng sự gia tăng đột ngột của nhu cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán doanh số xe điện và xe lai tại Trung Quốc sẽ đạt 10 triệu chiếc trong năm nay, chiếm gần một nửa doanh số bán ô tô tại quốc gia này, tăng từ chỉ 1,1 triệu chiếc bốn năm trước.

Sự thay đổi thế hệ cũng đã giúp các thương hiệu Trung Quốc. Ông Tu Le, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Sino Auto Insights, nhận định vào những năm 1990 và 2000, chính các bậc cha mẹ là người mua nhiều ô tô và họ ít chú ý tới các thương hiệu Trung Quốc.

Khách hàng trên thị trường hiện tại là con cái của họ, vốn đã quen thuộc với việc mua sắm trên các sàn thương mại nội địa như Alibaba, JD.com, vì vậy việc mua một thương hiệu xe Trung Quốc không khiến họ phải cân nhắc nhiều.

Các nhà sản xuất ô tô đã bị bất ngờ bởi sự chuyển hướng đột ngột sang xe điện tại Trung Quốc. Thời điểm “quay xe” của khách hàng chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Vài tháng sau khi Tesla thúc đẩy nhu cầu đối với xe điện, Trung Quốc đã trải qua một đợt phong tỏa kéo dài do đại dịch COVID-19.

Ông Tu Le cho rằng khi các lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra sự tụt hậu của họ từ phần mềm xe, tốc độ sản xuất cho đến công nghệ pin và kiểm soát chuỗi cung ứng quan trọng cho việc sản xuất xe điện, gần như quá muộn để khôi phục lại khoảng cách đã mất.

Ba trong nhiều mẫu xe điện của BYD. (Ảnh: Văn Xuyên/TTXVN).

Năm ngoái, BYD đã bán được 3,02 triệu xe toàn cầu, bao gồm cả xe lai, tăng 62% so với năm 2022. Cùng năm, Volkswagen chỉ bán được 1,02 triệu xe điện và hybrid, tăng 26% so với năm 2022. Trong khi đó, Tesla bán được 1,8 triệu xe.

Theo ông Dunne, hầu hết các thương hiệu xe nước ngoài đang cảm thấy quan ngại khi chứng kiến thị phần của họ sụt giảm.

Trung tâm sản xuất mới của thế giới

Các nhà sản xuất xe Trung Quốc không chỉ thành công tại quê nhà. Năm 2023, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng hơn 60% so với năm trước và vượt qua 4 triệu chiếc. Điều này đã đưa Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, vượt qua Nhật Bản và Đức. theo CPCA, hơn 25% số lượng xe xuất khẩu là xe điện.

Ô tô chờ được xuất khẩu tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN).

UBS dự đoán đến năm 2030, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể thấy thị phần của họ trong thị trường xe điện toàn cầu gấp đôi lên khoảng 33%, với các công ty châu Âu chịu tổn thất thị phần lớn nhất.

Vấn đề này khiến cho các ngành công nghiệp ô tô lâu đời của châu Âu và Bắc Mỹ đã kích hoạt một làn sóng tăng thuế quan đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng chưa rõ liệu thuế nhập khẩu cao hơn có đủ để ngăn chặn “cơn lũ” xe Trung Quốc hay không.

Tại Trung Quốc, một thị trường quá lớn để rời bỏ và đang nhanh chóng trở thành trung tâm toàn cầu trong việc sản xuất và xuất khẩu xe điện, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang dựa nhiều vào những đối tác địa phương.

Năm ngoái, Volkswagen đã mua 5% cổ phần của Xpeng với giá 700 triệu USD và nhất trí thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược trong nỗ lực đảo ngược sự suy giảm doanh số bán xe tại Trung Quốc.

Vài tháng sau, hãng Stellantis, sở hữu các thương hiệu Citroen, Fiat và Peugeot, đã mua 20% cổ phần của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Leapmotor với khoảng 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD).

Bắt đầu từ tháng này, Stellantis sẽ bắt đầu bán xe Leapmotor tại chín quốc gia châu Âu, làm nổi bật sức ảnh hưởng của các thương hiệu xe điện Trung Quốc ở những thị trường quốc tế.

Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng dấu ấn toàn cầu của mình, với BYD dự định xây dựng các nhà máy tại Thái Lan, Hungary (Hung-ga-ri), và những quốc gia khác. Công ty này cũng đang mua lại nhà phân phối Hedin Electric (Đức), nhằm mở rộng quy mô tại châu Âu.

Theo ông Dunne, trung tâm mới của ngành công nghiệp ô tô thế giới vẫn là Trung Quốc và các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tìm hiểu làm thế nào để cạnh tranh với những doanh nghiệp Trung Quốc.

Trà My (Theo CNN)