Xe điện Trung Quốc bán vào châu Âu tăng vọt
Các thương hiệu Trung Quốc đã chiếm 11% thị phần xe điện tại châu Âu vào tháng 6, đánh dấu mức đăng ký kỷ lục khi các nhà sản xuất đua nhau tránh mức thuế nhập khẩu nghiêm ngặt của Liên minh châu Âu, có hiệu lực từ đầu tháng 8, theo Bloomberg.
Tháng 6 là tháng có doanh số xe điện cao thứ ba từ trước đến nay với 208.872 xe được đăng ký trên toàn khu vực, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, chỉ đứng sau tháng 12/2022 và tháng 3/2023, và xếp trên tháng 6/2023.
Trong đó, SAIC Motor Corp. dẫn đầu cuộc đua khi hãng vừa đưa mẫu MG4 hatchback đến các đại lý với số lượng lớn, theo dữ liệu từ Dataforce. Các xe đăng ký trước ngày 5/7 có thể bán cho khách hàng mà không bị áp thuế nhập khẩu bổ sung ở châu Âu.
Theo Dataforce, các thương hiệu Trung Quốc đã đăng ký hơn 23.000 xe điện chạy bằng pin trong khu vực này trong tháng, mức cao nhất từ trước đến nay. Số lượng đăng ký xe điện của Trung Quốc tăng 72% so với tháng 5, gấp đôi mức tăng của tổng số đăng ký xe điện tại châu Âu trong tháng 6. Các loại xe nhập khẩu từ Trung Quốc của các nhà sản xuất phương Tây như Volvo Car AB, BMW AG và Tesla Inc. cũng chịu thuế mới này.
Các nhà quan sát sẽ theo dõi liệu sự gia tăng này có thể duy trì được hay không trong những tháng tới khi mức thuế của EU bắt đầu có hiệu lực. Các khoản phí tạm thời của EU áp đặt lên SAIC thêm 38%, trong khi BYD sẽ phải trả thêm 17% trên mức thuế hải quan hiện tại là 10%.
Trước động thái tăng thuế, các nhà sản xuất ô tô ở cả hai lục địa đang gấp rút xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện tại châu Âu để tránh mức thuế mới này, phòng trừ trường hợp căng thẳng giữa Bắc Kinh và Brussels có nguy cơ trở thành cuộc chiến thương mại.
Khoảng 40% số xe MG4 đăng ký trong tháng 6 là do các đại lý tự đăng ký. MG4 do SAIC sản xuất, một công ty có vốn nhà nước Trung Quốc.
"Đây không phải là một tăng trưởng lành mạnh,” Gabriel Juhas, Trưởng bộ phận sản phẩm của Dataforce cho biết. Hãng xe này đang cung cấp các hợp đồng thuê xe hào phóng, bao gồm chương trình khuyến mãi hai chiếc MG4 một giá tại Đức, nơi doanh số bán xe điện đang chững lại.
Với BYD - một trong những n hà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, đã có những tiến bộ đáng kể. Chiến dịch quảng cáo tập trung vào giải bóng đá Euro 2024 tổ chức tại Đức đã thu hút được sự quan tâm thực sự từ người tiêu dùng, Julian Litzinger, một nhà phân tích của Dataforce cho biết.
Một yếu tố khác thúc đẩy thị trường xe điện châu Âu trong tháng 6 là việc giới thiệu các khoản khuyến khích tại Italy, giúp tăng gấp đôi doanh số bán xe điện tại nước này so với năm trước. Khoảng 200 triệu euro trợ cấp cho xe điện mới đã hết trong chưa đầy 9 giờ, theo tuyên bố của chính phủ. Khoảng 60% được sử dụng bởi các hộ gia đình và phần còn lại bởi các công ty.
Sự hỗ trợ này đã đưa Italy, quốc gia tụt hậu trong doanh số bán xe điện, vào top 6 thị trường khu vực, bao gồm các quốc gia EU, các nước tham gia thị trường chung như Na Uy và Thụy Sĩ, Vương quốc Anh.
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang cố gắng cân bằng giữa việc tạo điều kiện tiếp cận với các xe điện Trung Quốc giá rẻ hơn để đạt được mục tiêu bền vững, đi kèm với việc bảo vệ ngành công nghiệp ô tô truyền thống trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Đơn cử, Đức đang gặp khó khăn trong việc tạo ra tăng trưởng đáng kể, làm cho các xe điện đắt tiền từ BMW, Volkswagen AG và Mercedes-Benz Group AG trở nên kém khả thi với người tiêu dùng khó khăn. Tại Italy, chính phủ đã tăng cường kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu được dán nhãn là "Made in Italy". Thủ tướng Giorgia Meloni cũng đang tìm cách làm dịu mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc tuần này nhằm thu hút các nhà sản xuất Trung Quốc.