|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làn sóng xe điện Trung Quốc khiến các ông lớn Nhật Bản lo lắng

07:53 | 24/07/2024
Chia sẻ
Các hãng xe Nhật lo ngại trước sự phát triển thần tốc của xe điện Trung Quốc khi khâu lên ý tưởng đến lúc ra thành phẩm chỉ vỏn vẹn trong 18 tháng.

Ông Yasuhide Mizuno, Giám đốc điều hành liên doanh Sony-Honda, cảnh báo các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang "hết sức lo lắng" trước sự phát triển nhanh chóng của xe điện Trung Quốc. Họ có nguy cơ trở thành "kẻ đi sau" nếu không đổi mới nhanh hơn, theo Financial Times.

Ông Mizuno nhấn mạnh các công ty Nhật cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp bảo thủ và kêu gọi đột phá trong sản xuất để bắt kịp đối thủ Trung Quốc. Chỉ trong vài năm, các hãng xe Trung Quốc đã trở thành những nhà xuất khẩu xe hàng đầu thế giới.

"Đối thủ Trung Quốc rất mạnh. Tôi rất e ngại tốc độ triển khai và thực hiện của họ", ông Mizuno chia sẻ. "Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thường khá e dè trước khi ra mắt một mẫu xe mới. Chúng ta cần thay đổi cách làm này, nếu không Trung Quốc sẽ dẫn đầu và chúng ta sẽ mãi là người đi sau", ông nói thêm.

 Ông Yasuhide Mizuno, Giám đốc điều hành liên doanh Sony-Honda. (Ảnh: FT).

Dù đặt mục tiêu loại bỏ xe xăng vào năm 2040, Honda vẫn tụt hậu so với đối thủ trong cuộc đua điện hóa toàn cầu. Hãng đã đồng ý hợp tác với Nissan vào tháng 3 để phát triển xe điện nhằm tồn tại trước sự cạnh tranh từ các mẫu xe công nghệ cao, giá rẻ của Trung Quốc.

Liên doanh giữa Honda và Sony được thành lập năm 2022, kết hợp thế mạnh sản xuất ô tô của Honda với chuyên môn phần mềm và giải trí của Sony. Công ty dự định bắt đầu giao xe điện tại Bắc Mỹ vào năm 2026.

Ông Mizuno cho biết các đối thủ Trung Quốc đang tiến nhanh hơn dự kiến. Nhờ các khoản trợ cấp lớn từ chính phủ cộng thêm việc tuyển dụng các kỹ sư hàng đầu từ Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, thời gian phát triển xe điện Trung Quốc - từ ý tưởng đến sản xuất - đã rút ngắn xuống chỉ còn 18 tháng, ít hơn một nửa so với thời gian phát triển xe ở Nhật Bản.

"Vì xe điện Trung Quốc sẽ không vào được thị trường Mỹ, lựa chọn cho người tiêu dùng sẽ bị hạn chế", ông Mizuno nói.

"Nhưng thay vì cảm thấy hài lòng khi xe Trung Quốc không thể tiến vào, tôi nghĩ chúng ta nên tung ra một mẫu xe có thể cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Trung Quốc", CEO liên doanh Honda-Sony nói.

Afeela, mẫu xe cao cấp của Sony-Honda nhằm thể hiện cách tích hợp phần mềm vào quy trình sản xuất, sẽ nhắm đến đối tượng mà ông Mizuno gọi là "giới nhà giàu am hiểu công nghệ" và sẽ không được sản xuất hàng loạt.

Ông Mizuno cảnh báo các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản không nên tự mãn sau khi Mỹ tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%, dù động thái này gần như chặn đứng các hãng xe như BYD và Nio tiến vào thị trường này.

Mặc dù gần đây tăng trưởng xe điện có chậm lại, ông Mizuno vẫn kỳ vọng doanh số xe điện sẽ chiếm ưu thế tại thị trường ô tô Mỹ, Trung Quốc và châu Âu vào năm 2035. Sony được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ liên doanh này bằng cách tiếp cận gần hơn với quy trình sản xuất ô tô và tăng doanh số cảm biến hình ảnh cho ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi về lợi ích Honda sẽ nhận được từ sự hợp tác này. Ông Mizuno cho rằng liên doanh sẽ mang lại giá trị ngang bằng cho Honda vì họ sẽ tiếp thu được chuyên môn phát triển phần mềm từ các kỹ sư Sony.

"Phần mềm có thể là vũ khí mới trong quá trình phát triển xe hơi", ông nhận định.

Thành Vũ

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.