|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Việt Nam: Sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao

15:04 | 01/05/2019
Chia sẻ
Xuất khẩu đang là một mũi nhọn của nền kinh tế của Việt Nam, trong đó, các công ty FDI đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực này.
Kinh tế Việt Nam: Sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao - Ảnh 1.

PV: Thưa ông, những lĩnh vực được xác định là động lực cho tăng trưởng 2019 là khu vực FDI, khu vực kinh tế tư nhân, xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo... Xin cho biết đánh giá của ông về những động lực tăng trưởng trọng yếu của năm 2019?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết phải khẳng định xuất khẩu của Việt Nam là động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Hiện có nhiều lợi thế cho Việt Nam khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới và sản phẩm của Việt Nam len lỏi vào nhiều thị trường mà trước đây mình không có mặt, ngay cả những thị trường khó tính. Hàng hóa của Việt Nam đã được xuất sang các thị trường khó tính. Xuất khẩu đang là một mũi nhọn của nền kinh tế của Việt Nam, trong đó, các công ty FDI đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực này.

Về mặt tích cực của kinh tế nội địa, động lực tăng trưởng của Việt Nam là nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và lực đẩy trong nước rất mạnh, càng ngày càng mạnh, thu nhập của người Việt Nam ngày càng lớn lên và sức hút tiêu dùng ngày càng nhiều. Đồng thời, các sản phẩm từ nông nghiệp đến các sản phẩm tiêu dùng, cho đến những sản phẩm mang tính đầu tư đều ngày càng đa dạng, sức tiêu thụ ngày càng mạnh. Đầu tư lĩnh vực tiêu dùng là lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng mạnh, tiêu dùng nhiều sản phẩm sẽ tạo động lực cho bộ máy sản xuất. Ở trong nước, lĩnh vực du lịch cũng là một điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam mặc dù không phải xuất khẩu ra nước ngoài, chúng ta thường gọi là xuất khẩu tại chỗ khi chúng ta bán những sản phẩm đó cho người nước ngoài, tạo ra một lượng ngoại tệ khá lớn từ du lịch. Những lĩnh vực này hiện đang là động lực lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

PV: Khu vực FDI đóng góp lớn, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tuy vậy, đầu 2019 tăng trưởng của khu vực này có giảm so với năm 2018 khi một số tổ hợp lớn như Samsung, Formosa... đã đi vào vận hành ổn định, không tạo ra mức tăng trưởng mạnh như năm 2018, 2017. Cùng với đó, Chính phủ đang bước đầu điều chỉnh chính sách thu hút FDI. Vậy vai trò của FDI sẽ như thế nào trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 2019?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Khu vực FDI vấn tiếp tục là lực đẩy quan trọng cho kinh tế 2019. Nhưng như chúng ta đã biết, những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam đã đi vào hoạt động ổn định rồi, vốn đăng ký FDI đến hết quý I năm nay là 10 tỷ USD nhưng giải ngân chưa đến 5 tỷ. Mặc dù có nguồn vốn từ FDI nhưng giải ngân thực tế chậm lại do biến động từ nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt từ cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ làm cho thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, từ đó nhu cầu về sản phẩm trên thế giới giảm. Sự giảm sút này làm chậm lại việc các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư đã đầu tư vào Trung Quốc trước vấn đề khó khăn trong khủng hoảng thương mại Mỹ - Trung thì đang tìm kiếm thị trường để thay thế cho thị trường Trung Quốc. Việt Nam cũng là một điểm đến mà họ nhắm tới. Nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu các nhà đầu tư nước ngoài rời Trung Quốc và đổ bộ vào Việt Nam, mặc dầu đã nhìn thấy nhiều đoàn khảo sát, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam và nhận thấy Việt Nam khá hấp dẫn. Mặc dù một số cơ sở nước ngoài dừng sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam, nhưng thực tế chưa có sự đổ bộ ào ạt của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, có lẽ chúng ta kỳ vọng quá lớn về nó. Nếu có thì có lẽ việc đó cũng sẽ không xảy ra trong năm 2019.

PV: Một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng được nhắc nhiều thời gian qua là áp dụng thành tựu công nghiệp 4.0. Hiện thực hóa mục tiêu trên, mới đây đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ. Theo ông, Trung tâm này khi được thành lập, đi vào vận hành sẽ có vai trò như thế nào để góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Trung tâm đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai. Nền kinh tế Việt Nam vẫn được xem là một nền kinh tế truyền thống, chưa đi vào giai đoạn công nghiệp 4.0. Rất nhiều công trình sản xuất, máy móc công cụ vẫn ở mức thấp, chính vì thế một trung tâm đổi mới sáng tạo được xây dựng, nơi công nghệ thông tin được khai triển, ứng dụng cho phát triển đóng một vai trong rất quan trọng.

Theo tôi, cần phải huy động nguồn vốn lớn, có thể là hàng trăm nghìn tỷ đồng đến từ các ngân hàng, các tổ chức tài chính thế giới cùng với sự đóng góp của toàn xã hội. Nguồn vốn để có thể làm thay đổi được bộ mặt của nền kinh tế có thể lên đến 500.000 tỷ đồng. Đấy là một số lượng vốn rất lớn mà không thể dựa vào ngân sách của Chính phủ, nó phải là tổng hợp của các nguồn lực từ ngân sách cho đến sự đóng góp của các tổ chức tài chính, tín dụng, viện trợ nguồn vốn ODA. Nhưng Chính phủ phải có kế hoạch tổng thể, phải là một chiến lược quốc gia về hiện đại hóa công nghệ của Việt Nam. Một chiến lược trong đó có Trung tâm đổi mới sáng tạo, một dạng như thung lũng Silicon (Mỹ), có trung tâm tài chính hỗ trợ các DN khởi nghiệp, các chương trình của Chính phủ hỗ trợ các nhà sáng chế việc đăng ký sở hữu trí tuệ..., tất cả những cái đó phải được làm tổng thể, đồng bộ. Đó là một chương trình rất lớn, và nếu đã làm phải làm với quy mô như vậy mới có được huy động lớn.

PV: Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến cách mạng 4.0, vậy làm sao để tăng năng suất lao động của Việt Nam lên thông qua ứng dụng cách mạng 4.0 trên tất cả các lĩnh vực?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Cách mạng công nghiệp 4.0 là trào lưu phát triển của thế giới, nhưng việc thực hiện của Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 thôi, chúng ta chưa thực sự đi vào giai đoạn 4.0, chính vì thế bước đi rất chậm, dẫn đến trì trệ, lạc hậu. Để đi vào 4.0, thứ nhất Chính phủ phải đổi mới một cách nhanh chóng hơn. Trong mấy năm qua, Chính phủ có các chương trình Chính phủ kiến tạo, Chính phủ đổi mới, Chính phủ bứt phá, nhưng đa phần còn ở trên giấy tờ, còn trong thực tế thực hiện của các cơ quan, bộ, ngành... thì chưa bứt phá để đạt mức cao hơn, bởi quy định vẫn còn ràng buộc, chồng chéo nhau. Vấn đề cấp giấy phép vẫn còn rất rườm rà đặc biệt hiện tượng làm trì trệ nền kinh tế là tham nhũng. Cho dù đổi mới đến công nghiệp 5.0 đi chăng nữa nhưng nếu vẫn còn tham nhũng thì 4.0 mới chỉ là trong quan niệm thôi chứ thực sự chưa đi vào thực chất. Vì công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự minh bạch, các dữ liệu về kinh tế phải rất chính xác, được công khai, từ đó mới áp dụng được công nghệ thông tin hiện đại.

Vấn đề tham nhũng làm cho các dữ liệu về kinh tế bị che khuất. Để bước vào thời kỳ 4.0 buộc phải bước vào đổi mới từ quy định, thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu chính xác, thống nhất, đồng bộ,... đúng với chuẩn mực quốc tế, nếu chúng ta không thay đổi được như thế thì thực tế chúng ta mới chỉ khoác cho mình cái áo mang tên 4.0 mà thôi.

PV: Xin cho biết đánh giá cũng như kỳ vọng của ông về tăng trưởng kinh tế năm 2019?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng năm 2019 kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, cao hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, năm 2018 tăng trưởng GDP là 7,08%, năm nay với tình hình kinh tế thế giới và kinh tế nội địa như như hiện nay thì tăng trưởng có thể trong mức 6,6-6,8%. Tuy nhiên, đây cũng là mức tăng trưởng nhanh so với các nước. Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định như xu thế của 10 năm trở lại đây, thể hiện qua tỷ giá của tiền đồng với USD, qua tăng trưởng xuất khẩu, thu hút FDI...

Tuy nhiên, cần lưu ý, vấn đề không phải là kiếm tìm tăng trưởng về số học năm sau cao hơn năm trước, mà vấn đề là tăng trưởng thực chất, nghĩa là tăng trưởng kinh tế đi kèm với an sinh xã hội, môi trường, tạo công ăn việc làm, y tế, giáo dục... phải được đảm bảo. Đặc biệt là về đạo đức xã hội, khi mà hiện nay vấn đề này đang có dấu hiệu suy giảm. Bên cạnh mục tiêu đưa kinh tế tài chính của đất nước lên tầm mức cao hơn thì nền tảng phát triển của loài người là đạo đức xã hội cũng phải được gìn giữ, củng cố.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hiền