Sự bất định của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam
Tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế suy yếu trong sáu tháng đầu năm
Sáng nay (11/7), tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội đã công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quí II/2019.
Toàn cảnh buổi công bố báo cáo của VEPR (Ảnh: QT)
Theo báo cáo của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quí II/2019 đạt mức 6,71% so với cùng kì, trong sáu tháng đầu năm đạt 6,76%. Các chỉ số đều thấp hơn so với cùng kì năm 2018 và cả ba khu vực đều trải qua mức tăng trưởng yếu trong sáu tháng đầu năm.
Cụ thể, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,69% thấp hơn so với sáu tháng đầu năm 2018 tuy nhiên những nhóm ngành chủ lực vẫn tăng trưởng ổn định.
Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 2,39%. Dịch tả lợn châu Phi lan trên diện rộng và thời tiết khắc nghiệt tại miền Bắc và Nam khiến năng suất và sản lượng lúa vụ đông xuân giảm do đó ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,3%.
Trong khi đó, nhờ vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Mỹ tăng cao, ngành thủy sản tăng trưởng tốt ở mức 6,45%. Tuy nhiên, dưới áp lực gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu, sản lượng khai khác trong gian đoạn cuối năm có thể giảm, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng khu vực này.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,93% thấp hơn mức 9,1% của cùng kì 2018. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù tăng trưởng mạnh ở mức 11,18% nhưng vấn thấp hơn so với cùng kì năm trước và đóng góp 2,38 điểm phầm trăm vào kinh tế chung.
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,7%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6%, nhưng đều thấp hơn so với mức tăng của quí II/2018. Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho bình quân tăng cao theo đà từ năm 2018 lên tới 16,1% - vượt ngưỡng 11,4% của cùng kì năm ngoái.
VEPR cho rằng điều này tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp thu hẹp qui mô sản xuất.
Nguồn: Báo cáo VEPR
Xuất hiện nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019
Về triển vọng kinh tế Việt Nam 2019, ông Nguyễn Đức Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng với mức tăng trưởng đạt 6,71% của quí II/2019, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra là khả thi.
Ông Nguyễn Đức Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật – Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và các liên kết kinh tế mới …tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.
Ngoài ra, lạm phát trong sáu tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân chính từ việc gia tăng đều giá nhóm hàng giáo dục; giá lương thực, thực phẩm tăng do dịch tả lợn châu Phi cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đức Thành, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam sẽ chịu tác động từ sự biến động trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhưng rủi ro như xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách tiền tệ của các nước lớn.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế thế giới đang có xu hướng giảm, trong đó giảm mạnh nhất lại rơi vào các khu vực mà Việt Nam có quan hệ kinh tế mạnh mẽ nhất như Đông Á, Trung Quốc, EU và phần nào có thể là Mỹ.
Bên cạnh đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm rất mạnh trong năm nay, mức tăng trưởng trong năm sau được dự báo sẽ còn thấp hơn.
"Điều này sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam bởi động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là thương mại". TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.