Triều Tiên có thể tham khảo gì từ mô hình kinh tế Việt Nam?
Những nhận định cho rằng, Việt Nam là mô hình phát triển kinh tế mà Triều Tiên có thể tham khảo, đã được giới học giả phương Tây nhắc tới khá nhiều. Một báo cáo của Fitch Solutions, công ty con của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, đánh giá con đường phát triển của Việt Nam "thực sự hấp dẫn với Kim Jong-un".
Bản thân ông Kim Jong-un - Chủ tịch Triều Tiên - tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 năm ngoái, cũng nói tới khả năng Bình Nhưỡng muốn tìm hiểu mô hình đổi mới của Việt Nam. Trước đó, nước này đã nhiều lần cử phái đoàn sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Và chuyên gia Bradley Babson, thành viên hội đồng cố vấn của Viện Kinh Tế Triều Tiên của Mỹ cũng từng nhận xét: "Dưới thời Kim Jong-un, Triều Tiên đã và đang sẵn sàng thử nghiệm cải cách".
Sự tương đồng với Việt Nam
Chia sẻ với VnExpress, các chuyên gia kinh tế trong nước cũng thấy nhiều điểm tương đồng về xuất phát điểm giữa Việt Nam và Triều Tiên trước khi mở cửa. Theo họ, đây chính là cơ sở cho việc, Bình Nhưỡng có thể quan tâm "một cách nghiêm túc" mô hình phát triển của Việt Nam.
Ông Kim Jong-un bắt tay ông Donald Trump tại Singapore. Ảnh: AP |
Theo Tiến sĩ Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), hai nền kinh tế trước mở cửa đều ở thể trạng kiệt quệ do sai lầm trong quản lý kinh tế và bị cô lập. Thêm nữa, cả hai đều là nền kinh tế đặc trưng bởi hệ thống quản lý bao cấp cùng vai trò thống trị của doanh nghiệp nhà nước. Và điểm tương đồng lớn nhất, theo ông, là các nhà lãnh đạo của cả hai đều nhận ra chân lý "đổi thay hay là chết" và trăn trở đổi thay, cải cách kinh tế.
Bà Phạm Chi Lan, Nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng Triều Tiên nên học hỏi Việt Nam việc đổi mới, cải cách thể chế kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường. "Nếu còn níu giữ thể chế kinh tế cũ, bao cấp thì không có cách gì phát triển được", bà nói.
Nữ chuyên gia từng là cố vấn cho Chính phủ những năm 90 thế kỷ trước phân tích, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác đi theo con đường xã hội chủ nghĩa tới giờ đều nhận ra "cải cách, mở cửa sẽ đem lại nguồn lực, cơ hội phát triển mới". Minh chứng rõ ràng nhất là Cuba - một quốc gia khác theo chủ nghĩa xã hội ở phía bên kia bán cầu, vài năm gần đây cũng chuyển sang cơ chế mới, cởi mở hơn và mở cửa với các nước. Hay nhìn lại quá khứ, ngay nước Nga, giờ cũng đã mang bộ mặt của nền kinh tế thị trường thực thụ.
Những điểm Triều Tiên có thể tham khảo từ Việt Nam
Bloomberg cho rằng, chính quyền của ông Kim Jong-un chắc chắn không muốn tăng thêm sự phụ thuộc vốn đang rất nặng nề vào Trung Quốc. Ý tưởng việc phụ thuộc vào Hàn Quốc cũng không mấy hấp dẫn bởi nền kinh tế nước này phụ thuộc vào một hệ thống mang tính dân chủ, điều mà Triều Tiên không tương đồng.
Nhưng riêng với Việt Nam có thể khác. Tiến sĩ Vũ Minh Khương đã nêu với VnExpress các điểm hấp dẫn và cũng là bài học lớn từ cải cách mà Triều Tiên có thể tham khảo.
Việt Nam đã có bước tiến dài trong hơn 30 năm qua. GDP đầu người hơn 90 triệu dân đã tăng từ 400 USD lên gần 2.600 USD vào năm 2018. Cùng đó quy mô GDP đã tăng trên 38 lần, lên hơn 5,5 triệu tỷ đồng.
Sự phát triển đô thị của TP HCM - một trong thành phố đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê |
Trước tiên là Việt Nam đã chuyển mạnh nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường với vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước. Cơ chế thị trường và thành phần kinh tế tư nhân nhanh chóng trở thành động lực chủ đạo quyết định công cuộc phát triển, nhà nước đóng vai trò định hướng, yểm trợ, và khuyến tạo.
Tiếp đến, quốc gia 90 triệu dân như Việt Nam đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ, trong đó thúc đẩy xuất khẩu và xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài như các ưu tiên hàng đầu.
Cùng đó, suốt 3 thập niên qua, Việt Nam đã rót lượng vốn đầu tư không nhỏ vào hạ tầng cơ sở, nhất là điện, đường giao thông, sân bay, cảng và hạ tầng công nghệ thông tin. Ông Khương dẫn chứng về lượng điện tiêu dùng trên đầu người, Việt Nam từ một điểm xuất phát thấp hơn nhiều đã nhanh chóng vượt qua nhiều nước trong khu vực như Indonesia và Philippines. Cạnh tranh giữa các tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư đã tác động rất lớn đến sức sống động của cả nền kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam là quốc gia coi trọng phát triển bao trùm. "Việt Nam chú trọng khá tốt xóa đói, giảm nghèo; đưa điện đến nông thôn và vùng sâu xa; và thúc đẩy nông nghiệp tham gia xuất khẩu. Bài học này của Việt Nam được bàn đến nhiều tại các hội thảo quốc tế", ông Khương nói.
Ngoài kinh tế, Triều Tiên còn có thể học hỏi kinh nghiệm về ngoại giao của Việt Nam. Với chính sách ngoại giao "làm bạn với tất cả các nước", Việt Nam đã phá vỡ được thế bị cô lập, mở quan hệ ngoại giao với các nước xung quanh và các nước lớn trên thế giới. Từ một kẻ thù trong chiến tranh, Việt Nam đã trở thành bạn của Mỹ.
Chia sẻ thêm, bà Phạm Chi Lan cho rằng, cải cách kinh tế ở Việt Nam gắn liền với hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ đó có thêm nguồn lực, thị trường để mở cửa thành công.
Lợi thế của Triều Tiên
Thậm chí, theo giới học giả Việt Nam, Triều Tiên có thể rút ngắn quá trình hội nhập khi đang ở thế có lợi hơn nhiều so với Việt Nam trước đây.
"Triều Tiên hiện ở trình độ phát triển cao hơn nhiều Việt Nam. 61% dân số sống ở đô thị, mức tiêu thụ điện trên đầu người là 700 Kwh; trong khi con số tương ứng của Việt Nam năm 1986 là 20% và 68 Kwh", Tiến sĩ Vũ Minh Khương dẫn chứng.
Chưa kể, từ đầu năm 1980, Triều Tiên đã hoàn thành chương trình công nghiệp hóa nền kinh tế, còn Việt Nam vẫn loay hoay một thời gian. Hiện Bình Nhưỡng có trong tay nền công nghiệp cơ khí mạnh, sản xuất thành công vũ khí hạt nhân.
Vài năm gần đây, Triều Tiên đã khởi xướng những cải cách nhỏ để giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế chỉ huy nhà nước, thành lập hơn chục đặc khu kinh tế cho đầu tư nước ngoài. Trong một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thực hiện, nhiều người Triều Tiên được hỏi cho biết kiếm được ít nhất ba phần tư thu nhập thông qua thị trường tư nhân.
Nhà sáng lập Quantum Fund, tỷ phú Jim Rogers cho rằng Triều Tiên có một tiềm năng phát triển to lớn nếu cải cách sâu rộng và được nới lỏng các lệnh trừng phạt. "Họ muốn có những gì bạn có, họ muốn sống giống như bạn, họ muốn sống giống như họ đang sống ở Hàn Quốc hay thậm chí là Trung Quốc", Rogers nói với The Straits Times.
Để tái tạo thành công như Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nói Triều Tiên có thể cân nhắc đại tu hệ thống pháp lý và hệ thống sở hữu, giúp các doanh nghiệp phát triển theo sáng kiến của riêng họ. Ngoài ra, cải cách chính trị bên cạnh cải cách thể chế theo bà, cũng có thể là một gợi ý.
Còn Tiến sĩ Vũ Minh Khương nhắc tới ba nỗ lực đặc biệt để Triều Tiên tạo nên một công cuộc phát triển thần kỳ, là xây dựng bộ máy công quyền ưu tú; thúc đẩy mạnh mẽ nắm bắt công nghệ và đổi mới sáng tạo; và có chiến lược đầu tư bài bản vào con người, không chỉ về kỹ năng lao động mà cả về phẩm cách và văn hóa.