Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam tích cực thúc đẩy Hiệp định RCEP
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN) |
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 (AEM 50) và các hội nghị có liên quan kết thúc sau 4 ngày nhóm họp tại Singapore (từ ngày 29/8-1/9).
Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương có dấu hiệu gia tăng trên toàn cầu.
Vì vậy mục tiêu chính của các hội nghị lần này là thúc đẩy hợp tác kinh tế đa phương và tự do hóa thương mại thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc tạo lập một cấu trúc thương mại mới.
Phóng viên TTXVN tại Singapore đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trưởng đoàn Việt Nam tham dự các sự kiện này, về kết quả của các hội nghị cũng như đóng góp của Việt Nam.
Đánh giá những kết quả nổi bật tại AEM 50 và các cuộc họp có liên quan, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết chuỗi hội nghị AEM 50 và các hội nghị có liên quan lần này mang ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với riêng Việt Nam khi chuẩn bị đăng cai các cuộc họp của ASEAN vào năm 2020, mà cũng có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với các nước ASEAN và các đối tác nhằm đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thực thi một cách hiệu quả những hiệp định đã được ký kết và định hướng đàm phán với các đối tác mới như: Canada, Nga và Mỹ.
Nhìn chung, các bộ trưởng ASEAN đã đạt được một số đồng thuận đối với những nội dung trên.
Các kết quả này sẽ được tiếp tục triển khai để có thể báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới tại Singapore.
Liên quan đàm phán RCEP giữa ASEAN và các đối tác, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ theo chỉ đạo của lãnh đạo 16 nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP, năm 2018, các nước đã rất nỗ lực thúc đẩy đàm phán.
Bộ trưởng cho biết tại Hội nghị bộ trưởng RCEP lần thứ 6 này, các bộ trưởng của 16 nước đã thông qua báo cáo của các trưởng đoàn đàm phán về tình hình đàm phán RCEP và gói kết quả dự kiến cần đạt được cho đến cuối năm nay; trong đó các nước đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ kết thúc về cơ bản đàm phán mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, cũng như kết thúc đàm phán một số nội dung kỹ thuật để có thể hoàn toàn kết thúc đàm phán trong năm 2019.
Để đạt được mục tiêu trên, các bộ trưởng ASEAN đã đưa ra một số gói cam kết mang tính định hướng để kết thúc đàm phán, thể hiện vai trò dẫn dắt của ASEAN trong đàm phán.
Đề cập đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam trong đàm phán Hiệp định RCEP.
Với tư cách là nước chủ tọa đàm phán về đầu tư trong RCEP, Việt Nam đã xây dựng gói đàm phán về đầu tư để các bộ trưởng thông qua, làm định hướng để kết thúc đàm phán.
Mặt khác, với vai trò chủ tọa đàm phán nhóm mua sắm chính phủ, tại phiên đàm phán lần thứ 23 vào tháng Bảy vừa qua tại Bangkok (Thái Lan), Việt Nam cũng có đóng góp tích cực trong việc kết thúc đàm phán Chương Mua sắm chính phủ.
Ngoài ra, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã tích cực góp phần và việc kết thúc đàm phán Chương Thủ tục hải quan và thuận lợi hoá thương mại.
Trong khuôn khổ hội nghị lần này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, là Chủ tịch đàm phán trong năm nay để thống nhất các mục tiêu trong đàm phán.
Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng đã có các đóng góp để thống nhất “gói cam kết” làm cơ sở kết thúc đàm phán trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các văn kiện được ký kết, trong đó có việc trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để áp dụng chương trình "tự chứng nhận xuất xứ."
Đây là chương trình từng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Với các đóng góp tích cực của Việt Nam, các bộ trưởng ASEAN đã ký kết được chương trình chung của các nước ASEAN.
Về đàm phán dịch vụ trong ASEAN, Việt Nam đã có gói đề xuất cụ thể về định hướng để có thể ký kết Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN vào cuối năm nay.
Việt Nam cũng đã đưa ra đề xuất về lựa chọn đối tác của ASEAN trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN trong thời gian tới, được các nước ASEAN ủng hộ và thống nhất tiếp xúc trong thời gian tới để triển khai.
Bộ trưởng nêu rõ RCEP là hiệp định đầu tiên do ASEAN là trung tâm để thúc đẩy đàm phán. Việc kết thúc đàm phán sẽ thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN trong các thiết chế hợp tác khu vực.
RCEP tạo ra một thị trường liên thông với khoảng 3,4 tỷ người tiêu dùng và quy mô GDP khoảng 49,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu.
Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.
Xem thêm |