Moody's: Hiệp định RCEP của Trung Quốc không nhiều lợi ích như TPP
Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng việc Mỹ rút Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng nghĩa thỏa thuận sẽ không được thực thi. Như vậy, các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ mất đi cơ hội mở rộng thị trường.
Trong số 12 nước thành viên, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Mexico là những nền kinh tế giao dịch thương mại nhiều nhất với khối TPP.
Khi cơ hội mất đi, triển vọng cải thiện mạnh thu nhập nhờ thương mại dành cho Việt Nam hay Malaysia trong ngắn hạn sẽ bị đặt dấu hỏi.
Nhiều nước đang cân nhắc tìm kiếm những lựa chọn thay thế như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng. Tuy nhiên, Moody's cho rằng thỏa thuận thương mại tiềm năng này không mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế như TPP.
Sơ đồ thành viên 3 hiệp định thương mại tự do trong khu vực là APEC, TPP và ASEAN. |
Trong những năm gần đây, TPP là chất xúc tác cho cải cách, ví dụ như Nhật Bản giảm chính sách bảo hộ nền nông nghiệp.
Do đó, TPP bị gián đoạn có thể làm chậm lại quá trình này. Tuy nhiên Moody's cũng cho là các nước sẽ không đảo lộn các biện pháp cải cách đã được thực thi để đón đầu TPP.
Cuối cùng, Singapore được cho là nước “mất” ít nhất nếu TPP sụp đổ vì đảo quốc này đã có thỏa thuận thương mại với 9 nước trong TPP.
Tương tự, Nhật Bản và Úc là hai nước không trao đổi thương mại nhiều với các nước thành viên TPP, và các sản phẩm xuất khẩu của họ đã có chỗ đứng vững trên thị trường quốc tế.