Khi Tổng thống Donald Trump đặt nước Mỹ lên trên hết và từ bỏ trật tự thế giới tự do
Tổng thống D.Trump không có ý định can thiệp vào các thị trường tiền tệ | |
IMF: Thuế quan của ông Trump có thể khiến thế giới thiệt hại 430 tỷ USD |
“Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã làm giàu cho ngành công nghiệp nước ngoài bằng cái giá của ngành công nghiệp Mỹ, trợ cấp cho quân đội các nước khác trong khi cho phép sự xuống dốc đáng buồn của quân đội chúng ta. Chúng ta đã giúp các nước khác giàu lên trong khi sự giàu có, sức mạnh và niềm tin của đất nước chúng ta đã biến mất sau chân trời. Kể từ giây phút này, nước Mỹ là trên hết”, Tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Mỹ Donald Trump tuyên bố trong diễn văn nhậm chức.
Tổng thống Donald Trump. Nguồn: AFP. |
Ông cũng phàn nàn về thứ được xem là trật tự thế giới tự do – các thiết lập an ninh và kinh tế quốc tế kết nối các nền dân chủ theo hướng thị trường với nhau.
Nước Mỹ đã tiên phong trong việc xây dựng các trật tự này sau khi giành chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các đời tổng thống Mỹ của cả hai đảng đều nhất trí rằng các thể chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ giúp ngăn ngừa chiến tranh, nâng cao giá trị của nước Mỹ và thúc đẩy sự thịnh vượng trong và ngoài nước.
Và nó đã phát huy tác dụng.
Nước Mỹ chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Kể từ đó, chưa có thêm cuộc chiến toàn cầu nào khác.
Nền kinh tế thế giới, nếu điều chỉnh theo lạm phát, hiện lớn gấp 7 lần so với thời điểm 1960. Trong khi đó, kinh tế Mỹ cũng lớn hơn gần 6 lần.
Ngày nay, Mỹ chi gần 14 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các tổ chức này. Nhưng một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Rand Corporation công bố hồi đầu năm cho thấy Mỹ đã hưởng lợi hàng trăm tỷ USD từ việc mở rộng thương mại, cải thiện năng suất, phòng chống xung đột và bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu.
“Nước Mỹ đã có tiếng nói thiếu cân đối về cách hệ thống này vận hành, và điều đó từng mang lại rất nhiều lợi ích cho những mối quan tâm và nền ngoại giao Mỹ. Công bằng mà nói, dựa trên những gì chúng ta đã làm, không có cường quốc nào từng có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn cường quốc mà ta đã thấy trong trật tự thời hậu chiến này”, nhà khoa học chính trị Michael Mazarr của Rand Corporation nhận định.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã thiệt hại nặng nề. Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính thương mại mở rộng cướp đi gần 156 nghìn việc làm của người Mỹ mỗi năm trong những năm gần đây.
Số việc làm bị mất này và những thay đổi về văn hóa xuất phát từ lượng người nhập cư gia tăng đã khiến các cộng đồng công nhân tại Mỹ và châu Âu choáng váng – và biến trật tự thế giới trở thành mục tiêu của những cuộc nổi dậy mang màu sắc dân túy.
Nó cũng trở thành mục tiêu của các nhà lãnh đạo Nga vốn quyết tâm lấy lại quyền lực và tầm ảnh hưởng đã mất.
Nghị viện Anh hiện đang điều tra vai trò của Nga trong việc hỗ trợ chiến dịch Brexit năm 2016 nhằm tách nước Anh khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Trong khi đó, cộng đồng tình báo Mỹ kết luận Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để giúp ông Trump thắng cử.
Tổng thống Donald Trump ký mệnh lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi TPP vào ngày 23/1/2017. Nguồn: Saul Loeb/AFP/Getty Images. |
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã làm rung chuyển cấu trúc quốc tế hết lần này đến lần khác. Ông rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), dọa “kết liễu” NAFTA và đánh thuế nhập khẩu lên các đồng minh của Mỹ.
“Chúng ta nhưng một con heo đất mà ai cũng muốn cướp đoạt, và điều đó sẽ chấm hết”, ông Trump nói hồi tháng 6.
Ông Trump cũng rút khỏi hiệp định khí hậu Paris với mục tiêu kìm hãm biến đổi khí hậu. Ông cũng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Tổng thống Barack Obama ký với Iran và các cường quốc khác.
Tổng thống Mỹ cũng thách thức trụ đỡ kinh tế NATO với việc chỉ trích các đồng minh châu Âu đã không mở đủ hầu bao cho chính nền quốc phòng của họ. Ông cũng hoài nghi cam kết của Mỹ trong việc phòng thủ chung với các thành viên khác, đặc biệt là tại Montenegro, đất nước nhỏ bé vùng Balkan gần đây trở thành mục tiêu đảo chính.
“Tại sao con trai tôi phải tới Montenegro để bảo vệ nó khỏi bị tấn công?”, người dẫn chương trình kênh Fox News Tucker Carlson đã hỏi thẳng Tổng thống Donald Trump.
“Tôi hiểu bạn muốn nói điều gì. Tôi cũng đã hỏi câu đó”, ông Trump trả lời.
Nhiều quan chức, vốn lo ngại việc cắt đứt quan hệ với các đồng minh truyền thống sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và khiến Mỹ kém an toàn hơn, đang phản đối quyết liệt.
Nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cùng lên tiếng phản đối việc áp thuế nhập khẩu lên các đối tác thương mại thân thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vội vã lên tiếng bảo vệ NATO, cho biết nước Mỹ cam kết “100%” với tổ chức an ninh chung này.
Quan chức từ các đời chính phủ trước của Mỹ cho biết mạng lưới quan hệ toàn cầu bấy lâu nay có sức chống chịu tốt.
“Mạng lưới đó rất chằng chịt, và nó có thể chịu đựng nhiều thiệt hại. Đây không phải lần đầu tiên quan hệ xuyên Đại Tây Dương gặp trục trặc”, ông Kori Schake – cựu trợ lý an ninh quốc gia của Tổng thống George W. Bush, hiện là phó tổng giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, cho biết.
Nhưng ông Schake nói thêm, “Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ có vẻ như không tin vào trật tự thế giới tự do”.
Tuy nhiên, trật tự thế giới đang chịu nhiều thách thức trước cả khi ông Trump trở thành tổng thống. Hiện tại, một số người lo ngại trật tự này đã bị tổn thương quá nhiều.
“Mọi thứ sẽ không ổn. Khủng hoảng toàn cầu đang ập lên chúng ta”, chuyên gia chính sách ngoại giao bảo thủ Robert Kagan gần đây viết cho tờ The Washington Post.
Xem thêm |