|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss: Quyết tâm giải quyết khủng hoảng chi phí sinh hoạt, mở rộng quân đội, coi Trung Quốc là đối thủ

20:32 | 05/09/2022
Chia sẻ
Sau khi giành chiến thắng trước ông Rishi Sunak, bà Liz Truss chính thức trở thành Tân Thủ tướng của nước Anh.

Theo The Guardian, bà Liz Truss đã trở thành Thủ tướng tiếp theo của Anh sau khi đánh bại đối thủ là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak.

Trong lịch sự kiện ngày 6/9, Nữ hoàng sẽ bổ nhiệm tân Thủ tướng tại Lâu đài Balmora (Scotland), thay vì Điện Buckingham như thường lệ. Cựu Thủ tướng Johnson dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố bên ngoài Phố Downing trước khi đến Scotland để đệ đơn từ chức với Nữ hoàng.

Sau khi được bổ nhiệm, bà Truss sẽ bay trở lại London để có bài phát biểu bên ngoài tòa nhà số 10 Phố Downing, dự kiến vào khoảng 16h (giờ Anh). Thủ tướng Anh sau đó sẽ bổ nhiệm nội các.  

(Tổng hợp: Minh Quang; Đồ họa: Alex Chu).

Cuộc đời chính trị đầy biến động

Theo BBC, Thủ tướng Mary Elizabeth Truss sinh năm 1975 tại Oxford, trong gia đình có người bố làm giáo sư toán học và mẹ là y tá. Gia đình bà theo xung hướng chính trị cánh tả, nhưng những thành công trong sự nghiệp của bà Truss lại ở Đảng Bảo thủ, một đảng phái trung hữu.

Bà Truss theo học chuyên ngành triết học, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford, một trong những ngôi trường lâu đời và danh giá nhất trên thế giới. Thời đại học, bà hoạt động tích cực cho Đảng Dân chủ Tự do, một đảng cánh tả.

Tại hội nghị của Đảng Dân chủ Tự do năm 1994, bà ủng hộ việc bãi bỏ chế độ quân chủ, tuyên bố rằng: "Những người theo Đảng Dân chủ Tự do tin vào cơ hội cho tất cả mọi người. Chúng tôi không tin vào việc có người sinh ra để cai trị".

Tuy nhiên, đến khi tốt nghiệp, bà Truss đã chuyển sang Đảng Bảo thủ (Tory, hiện đang là Đảng chiếm đa số tại Anh). Bà bắt đầu sự nghiệp bằng việc làm kế toán cho Shell và Cable & Wireless, sau đó kết hôn với kế toán viên Hugh O’Leary vào năm 2000. Cặp đôi đã có hai người con.

Bà Truss trở thành ứng cử viên cho Đảng Bảo thủ tại thị trấn Hemsworth, West Yorkshire vào năm 2001 nhưng đã thua. Bà Truss tiếp tục chịu một thất bại khác tại Calder Valley vào năm 2005. Tuy nhiên, bà được bầu làm ủy viên hội đồng tại Greenwich, phía đông nam London, vào năm 2006. Từ năm 2008, bà cũng làm việc cho viện nghiên cứu Cải cách.

Cựu Thủ tướng David Cameron đã đưa bà Truss vào "danh sách hạng A" các ứng cử viên ưu tiên cho cuộc bầu cử năm 2010. Bà đã được chọn để ứng cử vào ghế an toàn tại khu vực bầu cử South West Norfolk. Bà Truss vấp phải sự phản đối của một sống Đảng viên Đảng Bảo thủ do bê bối tình cảm với Nghị sĩ Mark Field vào nhiều năm trước, nhưng may mắn vẫn giữ được ghế.

Bà là đồng tác giả của một cuốn sách "Britannia Unchained", cùng với 4 nghị sĩ Đảng Bảo thủ khác. Cuốn sách khuyến nghị loại bỏ một số quy định của nhà nước để nâng cao vị thế của Anh trên thế giới.

Năm 2012, chỉ hơn hai năm sau khi trở thành một Nghị sĩ, bà vào chính phủ với tư cách là Thứ trưởng Giáo dục và năm 2014 được đề bạt làm Bộ trưởng Môi trường.

Chưa đầy một năm sau đó, một trong những sự kiện chính trị lớn nhất trong thế hệ này của Anh đã xảy ra: cuộc trưng cầu dân ý để rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Ban đầu, bà Truss đã vận động cho phe ở lại EU. Bà viết trên tờ The Sun rằng Brexit sẽ là "một thảm kịch gấp ba: nhiều quy tắc, hình thức và sự chậm trễ khi bán hàng cho EU". Tuy nhiên, sau khi phe ở lại thua cuộc, nữ Thủ tướng Anh tương lai lại thay đổi ý định, cho rằng Brexit tạo cơ hội để “thay đổi cách mọi thứ vận hành”.

Bà Liz Truss từng ủng hộ việc ở lại EU dưới thời ông Cameroon nhưng lại thay đổi quan điểm khi ông Johnson nắm quyền. (Ảnh: Telegraph).

Căng thẳng với cả Moscow lẫn Brussels

Khi ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng vào năm 2019, bà Truss được chuyển sang làm Bộ trưởng Thương mại Quốc tế. Năm 2021, ở tuổi 46, Thủ tướng Truss chuyển đến một trong những vị trí cấp cao nhất trong chính phủ Anh, tiếp quản ghế Ngoại trưởng từ ông Dominic Raab.

Với vai trò này, bà đã tìm cách giải quyết các vấn đề trong Nghị định thư Bắc Ireland bằng cách loại bỏ một phần thỏa thuận EU-Anh hậu Brexit, động thái bị EU chỉ trích dữ dội.

TheoThe Washington Post, tại Brussels, bà Truss bị xem người có thể khiến quan hệ giữa Anh và EU trở nên ngày một khó khăn.

Bà Truss từng cho biết vẫn chưa chắc chắn liệu Tổng thống Emmanuel Macron là "bạn hay thù", dù Pháp là một trong những đối tác thương mại thân thiết nhất của Anh. Tổng thống Macron đáp lại: "Nếu Anh và Pháp không thể khẳng định rằng cả hai là ban hay thù, thì chúng ta sẽ gặp vấn đề".

Khi bà trở thành Ngoại trưởng vào năm ngoái, châu Âu đã từng hi vọng vào một quan hệ công bằng, ông Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành tại Eurasia Group cho biết. Thế nhưng, "EU cảm thấy khó chịu vì bà Truss. Ngoại trưởng Anh đã khiến đôi bên mất lòng tin ngay từ những ngày đầu tiên", ông nói.

Thủ tướng Liz Truss và Ngoại trưởng Lavrov cùng họp báo, nhiều tuần trước khi xung đột Ukraine nổ ra. (Ảnh: EPA).

Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2, nữ Ngoại trưởng Anh khi đó đã có đường lối cứng rắn, nhấn mạnh rằng quân đội của Moscow nên bị đánh đuổi khỏi Ukraine. Tuy nhiên, bà đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì ủng hộ những người Anh muốn chiến đấu tại Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng bà Truss là ví dụ điển hình cho việc phương Tây không hiểu về vấn đề địa lý cơ bản trong cuộc xung đột Ukraine. Bà Ngoại trưởng Anh khi đó đã tỏ ra bối rối khi không biết Rostov và Voronezh thuộc Nga hay Ukraine.

Những hứa hẹn của tân Thủ tướng Anh về khủng hoảng

Theo BBC, khi được hỏi về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, bà Truss cho biết sẽ tập trung vào “giảm gánh nặng thuế chứ không phải hỗ trợ [bằng tiền mặt]”. Vào hôm 31/8, bà tuyên bố sẽ không tăng thêm thuế hoặc hoặc giới hạn sử dụng năng lượng nếu trở thành Thủ tướng. 

Khủng hoảng chi phí năng lượng tại Anh còn tồi tệ hơn so với năm 1970-1980.

Theo ITV News, bà Truss sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia hơn, đồng thời tăng cường lực lượng biên phòng để chống lại dòng người di cư bất hợp pháp.

Dù từng ủng hộ việc ở lại Brexit, nhưng bà Truss cho biết sẽ loại bỏ những luật lệ còn lại của EU đang cản trở sự phát triển của Anh. 

Về vấn đề quốc phòng, tân Thủ tướng Anh cam kết sẽ nâng mức chi tiêu lên 3% GDP vào năm 2030 và tăng cường hoạt động tình báo. Bà cho biết sẽ xem xét lại kế hoạch cắt giảm quân đội xuống còn 72.500 người vào năm 2025 của chính phủ cũng như công bố thêm nhiều thông tin tình báo hơn.

 Chi tiêu quốc phòng của Anh có thể lên đến hơn 90 tỷ USD dưới thời Thủ tướng Truss.

Thủ tướng Truss có quan điểm đối đầu với Trung Quốc. Khi còn là Ngoại trưởng, bà Truss cho biết sẽ “dẫn dầu cộng đồng quốc tế để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc”. Bà khẳng định sẽ “tiếp tục [chính sách này] khi trở thành Thủ tướng”.

Minh Quang