Nông dân nuôi heo ở Anh tìm cách tự cứu mình giữa muôn vàn khó khăn
Quả tạ giáng xuống đầu nông dân nuôi heo
Theo hãng tin Financial Times, hầu hết cơ sở giết mổ heo tại Anh đang thiếu ít nhất 15% nhân công có tay nghề cao hậu sự kiện Brexit. Sản lượng thịt heo giết mổ do đó giảm khoảng 25% so với thông thường.
Chưa kể, nhu cầu thịt heo của Trung Quốc cũng đang giảm sút nên các cơ sở chế biến không nhận nhiều heo sống như trước kia. Ngoài ra, chi phí thức ăn chăn nuôi leo thang cũng làm khó cho nông dân.
Hệ quả là, nông dân trên khắp nước Anh đang phải gồng lưng nuôi heo quá lứa, thậm chí một số còn bị các nhà máy chế biến thịt phạt tiền vì để heo vượt trọng lượng cho phép. Nhiều người khác phải chấp nhận tiêu hủy heo để giảm bớt thua lỗ.
Ông Chris Leamon (59 tuổi) cho biết, đàn heo của ông hiện nhiều hơn bình thường khoảng 300 con, nâng tổng số lên 3.500 con. Không chỉ phải chật vật nuôi heo giữa lúc giá thức ăn chăn nuôi đắt đỏ, ông Leamon còn gặp khó khăn khi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt để tránh lây lan dịch bệnh.
Rất nhiều nông dân khác có lượng heo quá lứa còn cao hơn cả ông Leamon. Chia sẻ với Financial Times, bà Zoe Davies - Giám đốc của Hiệp hội Chăn nuôi Heo Anh quốc (NPA), cho biết một số người phải yêu cầu bác sĩ thú ý giết chết heo con để giảm quy mô đàn heo.
Bà Davies nói thêm, kể từ khi lệnh tiêu hủy heo được áp dụng vào tháng 10 năm nay, số lượng heo quá lứa bị giết bỏ có thể lớn hơn nhiều ước tính ban đầu của bà là khoảng 14.000 con.
Theo vị giám đốc, một công ty xử lý môi trường khẳng định họ phải tiêu hủy khoảng 250 tấn xác heo mỗi tuần, tương đương với 1.600 con heo trưởng thành hoặc 35.000 con heo con.
"Nông dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, dù đây không phải lỗi của chính họ. Họ không làm gì sai nhưng cuối cùng vẫn bị tạ giáng xuống đầu", Giám đốc NPA nhấn mạnh.
Chính phủ Anh đã đồng ý điều chỉnh các quy định nhập cư hậu Brexit để giúp đỡ ngành công nghiệp chăn nuôi heo. Trong tháng 10, Anh đã cấp khoảng 800 thị thực tạm thời cho các công nhân giết mổ heo đến từ Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, ông Nick Allen, Giám đốc của Hiệp hội Chế biến Thịt Anh (BMPA), cho biết quá trình cấp thị thực và kiểm tra kéo dài khiến họ chưa thể đặt chân đến Anh. "Liệu công nhân sẽ đến Anh trước Giáng sinh hai tuần, hay là đợi đến đầu năm mới?", ông Allen tự hỏi.
Ông Stephen Thompson, một nông dân nuôi heo gần thành phố Sheffield, cho biết các trang trại thường gửi thêm heo đến các lò mổ trước Giáng sinh để kịp cung ứng thịt trong kì nghỉ lễ. Song, hiện họ không thể làm gì vì công suất lò mổ quá hạn chế.
Nông dân chăn nuôi heo tại Anh đang rất tức giận, trong khi hầu hết mọi người đều thua lỗ thì các công ty chế biến thịt vẫn báo lãi. Cranswick, một công ty chế biến thịt niêm yết trong sàn chứng khoán, tuần trước công bố lợi nhuận trước thuế trong quý II và III năm nay tăng 12,5% lên 68,3 triệu bảng Anh (tương đương gần 85 triệu USD).
Giám đốc Zoe Davies của NPA cho rằng nông dân nuôi heo cần nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Một số nguồn tin cho hay, các ngân hàng đang rất ngần ngại cho nông dân gia hạn khoản vay hoặc vay thêm vốn.
Nông dân tự cứu lấy mình
Bà Davies ước tính, trong nửa đầu năm nay, các trang trại chăn nuôi heo tại Anh đã bị thiệt hại khoảng 130 triệu bảng Anh (tương đương 173 triệu USD).
Vị giám đốc cho biết thêm, ít nhất 40 trong khoảng 2.000 nông dân nuôi heo từng đăng ký tham gia chứng chỉ thực phẩm Red Tractor đã rút khỏi ngành trong năm nay. Trước đây, thông thường chỉ có khoảng 5 hoặc 6 người rút lui mỗi năm.
Ở trang trại của ông Chris Leamon, hàng chục con heo con một tuần tuổi đang lao vào giành sữa từ 8 con heo nái. Song, chỉ ba tháng nữa, khu chuồng này sẽ im lìm, những con heo nái sẽ bị đưa đi giết thịt và những chiếc máng ăn của chúng sẽ được bán làm phế liệu.
Ông Leamon sắp ngừng nuôi heo, mà chuyển sang một mô hình mới. Ông sẽ chăm heo hộ cho các chủ trang trại lớn hoặc các nhà máy chế biến thịt. Đây là một bước chuyển lớn cho anh em ông Leamon, những người đã gắn bó với công việc chăn nuôi mấy chục năm qua.
Hai anh em nhà Leamon đã dự tính nghỉ hưu hoặc giảm quy mô trang trại của gia đình vào một ngày nào đó, nhưng họ không ngờ ngày đó lại đến quá sớm, Financial Times cho hay.
Cùng lúc, một bộ phận nông dân khác đang thu hẹp đàn heo để giảm bớt thiệt hại, thay vì chờ đợi sự hỗ trợ từ chính phủ hay các doanh nghiệp chế biến thịt lớn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/