Không chỉ Việt Nam, nông dân Anh cũng đang đối mặt với nguy cơ heo quá lứa, phải hạ giá bán để bù lỗ
Khó khăn bủa vây nông dân nuôi heo
Theo tờ Independent, tình trạng thiếu hụt công nhân tại các lò mổ trên khắp nước Anh đang khiến lượng heo tồn đọng tại các trang trại tăng cao. Trong khi đó, giá thịt heo ở mức thấp lại đang đẩy nông dân vào nguy cơ phá sản.
Giới chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng việc ngành công nghiệp chăn nuôi heo của Anh đình đốn là điều không thể tránh khỏi, trừ khi chính phủ đưa ra các biện pháp quyết liệt để cứu lấy ngành này. Ước tính, các hộ chăn nuôi heo đang thiệt hại khoảng 20.000 bảng Anh (tương đương hơn 27.000 USD hay hơn 618 triệu đồng)/tuần.
Ông Phil Woodall, Tổng Giám đốc tại Thames Valley Cambac - một công ty tiếp thị thịt heo hàng đầu nước Anh, cho biết trước hết ngành chăn nuôi heo bị xáo trộn vì "thiếu hụt lượng lớn công nhân chế biến thịt heo do hậu quả của Brexit và sau là do đại dịch COVID-19".
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi các sản phẩm thịt heo giá rẻ từ Liên minh châu Âu (EU) tràn vào thị trường Anh, ông Woodall nói tiếp. Vì dịch tả heo châu Phi (ASF), các nhà sản xuất thịt heo của Đức hiện không thể xuất khẩu hàng sang Trung Quốc, vốn là một thị trường quan trọng của nước này.
"Do vậy, Đức - một trong những cường quốc chăn nuôi heo ở EU, đang bán tống bán tháo thịt heo giá rẻ ra khắp châu Âu. Đây là một yếu tố đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng của Anh", Tổng Giám đốc của Thames Valley Cambac nhấn mạnh.
Theo Independent, tại Anh, một con heo trung bình khi xuất chuồng nặng khoảng 85kg và chi phí sản xuất rơi vào khoảng 49.500 đồng/kg.
"Chúng tôi gặp khó khi giá thịt heo của châu Âu quá rẻ. Một số nhà chế biến tại Anh đã mua heo của EU với giá chỉ khoảng 23.000 hoặc gần 25.000 đồng/kg", ông Woodall cho hay.
"Điều đó có nghĩa là nông dân Anh lỗ khoảng 68 bảng Anh (tương đương 2,1 triệu đồng) cho mỗi con heo và trung bình họ có thể xuất chuồng khoảng 200 - 300 con heo mỗi tuần". Cứ như vậy, một nông dân có thể lỗ nặng 20.000 bảng Anh/tuần.
Theo đó, ông Woodall dự đoán rằng doanh nghiệp và nông dân chăn nuôi heo trong nước có thể sụp đổ và cuối cùng nước Anh phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thịt nhập khẩu do doanh nghiệp nội địa đã phá sản.
Bà Meryl Ward, chủ một trang trại gia đình ở vùng Lincolnshire, nói rằng "kệ hàng của nhiều nhà bán lẻ đang lấp đầy thịt heo nhập khẩu từ những nước không đáp ứng các tiêu chuẩn phúc lợi động vật của Anh".
Bộ trưởng khuyến nghị nông dân hạ giá bán
Phát biểu tại một sự kiện của Đảng Bảo thủ hồi đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Môi trường Anh George Eustice thừa nhận rằng để thoát khỏi tình trạng tồn đọng heo quá lứa, nông dân có thể phải hạ giá bán trong ngắn hạn.
Tình cảnh này cũng đang diễn ra tương tự ở Việt Nam khi người nông dân đang phải gồng lỗ, nuôi heo quá lứa vì không thể tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Giá heo hơi giảm xuống khoảng 43.000 - 49.000 đồng/kg trong khi chi phí nuôi ở các hộ, trang trại nhỏ là khoảng 53.000 đồng/kg.
Khoảng 120.000 con heo ở Anh đang chờ bị tiêu hủy nếu vấn đề thiếu hụt lao động tại các lò mổ không được khắc phục. Hôm 4/10, Hiệp hội Chăn nuôi Heo Quốc gia Anh (NPA) xác nhận rằng một số nông dân ở khu vực Đông Anglia đã bắt đầu tiêu hủy hơn 500 con heo để giảm bớt tình trạng quá tải trong đàn heo.
Chia sẻ với tờ The Times, Giám đốc Điều hành Zoe Davies của NPA cho biết "đây chỉ mới là khởi đầu". Bà Davies nói: "Đây vốn không phải vấn đề cung vượt cầu, nông dân đã ký hợp đồng với nhà máy để nuôi những con heo này. Song, các cơ sở chế biến thịt heo thu mua ít heo hơn so với trong hợp đồng, đơn giản là vì họ không có đủ công nhân giết mổ".
Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả việc tiêu hủy heo là một phần của quá trình chuyển đổi hậu Brexit. Phát biểu trên đài BBC One, ông Johnson bày tỏ: "Tôi không muốn nói điều này, nhưng tôi e là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của chúng ta đang giết thịt quá nhiều động vật".
"Ngành công nghiệp chăn nuôi của chúng ta cần có một khoảng thời gian để điều chỉnh, tôi tin đó là những gì chúng ta cần phải làm", vị thủ tướng tiếp tục.