|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thua lỗ nặng vì giá heo tụt dốc, người nuôi dè dặt tái đàn, chỉ muốn treo chuồng chờ đợi

07:32 | 08/10/2021
Chia sẻ
Thời điểm này những năm trước, người nuôi heo đã chuẩn bị phục hồi số lượng cho mùa tiêu thụ cuối năm, tuy nhiên, năm nay do giá heo tụt dốc không phanh nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ nặng đến mức phải nghĩ đến việc treo chuồng thay vì tái đàn chờ Tết đến.

Bán một con heo lỗ đến 3 triệu đồng

Giá heo hơi ở mức thấp trong nhiều tháng qua cùng với dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại tại một số địa phương và giá thức ăn chăn nuôi cao đang đẩy nhiều hộ chăn nuôi heo rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề.

Chia sẻ với người viết, ông Đào Hữu Thuận, chủ trại heo tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cho biết những ngày qua trong khi việc vận chuyển dần được nới lỏng thì thương lái vẫn đang ép giá người chăn nuôi. 

"Tôi vừa xuất bán khoảng 50 con heo nhưng giá chỉ có 40.000 đồng/kg, trong khi tiền cám vẫn rất đắt, tốn hơn 3 triệu đồng/con. Như vậy, bán ra mỗi con tôi lỗ khoảng 1 triệu đồng.

Còn nếu đi mua giống thì mức lỗ lên đến 2 - 3 triệu đồng bởi giá heo giống có nơi đến 3,5 triệu đồng/con cộng với giá thức ăn hơn 3 triệu thì tổng chi phí sản xuất cũng khoảng 7 triệu đồng", ông Thuận cho hay.

Diễn biến giá heo hơi giảm sâu cũng đã được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thống kê với số liệu cho thấy trong tháng 9, lệnh hạn chế di chuyển tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục tác động tới hoạt động vận chuyển và tiêu thụ thịt heo. 

Cùng với sản lượng tiếp tục phục hồi, giá heo hơi tiếp tục giảm trên cả nước. Cụ thể, giá heo hơi tại các khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 44.000 - 49.000 đồng/kg, giảm 5.000-7.000 đồng/kg so với cuối tháng 8.

Tại các khu vực vực miền Trung và miền Nam dao động trong khoảng 47.000 - 49.000 đồng/kg, giảm 4.000 6.000 đồng/kg so với cuối tháng 8. 

heo - Ảnh 1.

Diễn biến giá heo hơi tại miền Bắc, miền Trung Tây Nguyên và miền Nam trong tháng 9 (ĐVT: nghìn đồng). (Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Tổng hợp/Bộ Công Thương)

Lý giải nguyên nhân người chăn nuôi thua lỗ, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho hay thời gian này ngành chăn nuôi đang chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch COVID-19. 

Chưa kể, khâu lưu thông, vận chuyển vẫn gặp khó khăn, đặc biệt tại TP HCM, Hà Nội là hai thị trường tiêu thụ lớn của thịt heo, dẫn đến chi phí phát sinh nhiều nên đã có sự chênh lệch rất lớn giữa giá heo hơi tại chuồng và giá thịt heo tại chợ.

"Trong thời gian giãn cách, cùng với thu nhập người dân bị giảm sút, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp... dừng hoạt động nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, kéo giá heo hơi liên tục giảm. 

Hiện giá giao động từ 40.000 - 49.000 đồng/kg nhưng có những chỗ giá tụt xuống chỉ còn 35.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, còn với người nuôi mua giống thì chi phí lên đến 50.000 - 58.000 đồng/kg nên hiện nay người chăn nuôi lỗ rất nặng", ông Trọng cho hay.

Thua lỗ nặng vì giá heo tụt dốc, người nuôi dè dặt tái đàn, chỉ muốn treo chuồng chờ đợi - Ảnh 2.

Giá heo hơi liên tục sụt giảm khiến người chăn nuôi chịu lỗ từ 1-3 triệu đồng/con. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Không dám nghĩ đến tái đàn, thậm chí phải treo chuồng

Ông Đào Hữu Thuận cho biết trước đây quy mô đàn heo lên đến 3.000 - 4.000 con tuy nhiên sau đợt dịch tả heo châu Phi bùng phát hồi 2019, tổng lượng heo đã giảm sút rất nhiều nhưng trại vẫn không dám gầy lại đàn do lo ngại rủi ro dịch trở lại.

"Nuôi heo giờ rất mạo hiểm. Ví dụ để nuôi một đàn heo 50 con, số tiền đầu tư khoảng 50 triệu đồng nhưng nếu dịch tả heo châu Phi bùng phát thì người nuôi mất trắng 50 triệu đồng, chưa kể phải tốn thêm chi phí tiêu hủy heo bệnh mình cũng phải tự chịu", ông Đào Hữu Thuận chia sẻ.

Cũng theo chủ trại này, với tình trạng thua lỗ kéo dài, nguồn vốn cạn kiệt người chăn nuôi có thể phải nghỉ nuôi một thời gian để chờ đợi giá bán phục hồi trở lại thì mới dám tái đàn.

"Từ đây đến cuối năm trại heo của tôi không dám nghĩ đến việc tái đàn vì dịch tả heo châu Phi rất nguy hiểm, chi phí đầu tư cao mà giá bán thì vẫn ở mức thua lỗ nên nhiều trại đã cân heo nái bán hết cho thương lái. Đáng nói là khi mua thì giá 7 - 8 triệu nhưng bán ra giá rất thấp chỉ khoảng 1-2 triệu đồng, thấp hơn cả đợt dịch tả heo hoành hành hồi 2019", chủ trại heo tại huyện Thống Nhất cho hay.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thời điểm có thể phục hồi đàn heo, ông Thuận vẫn không dám kỳ vọng nhiều mà cho biết phải đợi khi nào nhu cầu thị trường và giá heo tăng trở lại để người dân đỡ lỗ thì mới nghĩ được đến việc tái đàn trở lại.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận thực tế nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh đã dẫn đến số lượng lớn heo đến kỳ xuất bán còn tồn đọng trong chuồng, ước tính khoảng 30%, chưa tính về măt sản lượng tăng cao, như trước đây chỉ 80 -120 kg thì giờ mỗi con heo có thể nuôi đế 130-150 kg.

Đáng nói, giá thức ăn chăn nuôi tăng 16-36%, đẩy giá thành sản xuất đội lên cao, còn giá bán heo hơi lại giảm mạnh khiến người chăn nuôi heo chịu lỗ nặng, có tâm lý e ngại không muốn tái đàn.

“Đây là điều đáng lo bởi cứ đà này nguy cơ Tết Nguyên đán sắp tới thiếu thịt heo cục bộ là rất cao, trong khi thời gian để tái đàn thì phải mất khoảng thời gian 6 tháng mới có heo thương phẩm xuất bán ra thị trường. Do đó, các địa phương cần hỗ trợ nông dân chăn nuôi heo tái đàn, không để tình trạng đứt lứa", ông Trọng cho hay. 

Cụ thể như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông, vận chuyển thức ăn chăn nuôi, vật tư cũng như sản phẩm; đồng thời kết nối tiêu thụ cho người chăn nuôi giảm bớt khó khăn. 

"Đặc biệt, với việc tồn dư heo trong chuồng khiến nguồn vốn bị ứ đọng, cạn kiệt nên ngân hàng cần có biện pháp giãn nợ, khoanh nợ cho người dân để họ có động lực nuôi tiếp", ông Trọng đề xuất.

Như Huỳnh

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.