|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Heo quá lứa bán không ai mua, người chăn nuôi khốn đốn

07:57 | 01/10/2021
Chia sẻ
Tình trạng ùn ứ, rớt giá của heo hơi là do thị trường tiêu thụ khó khăn trong nhiều tháng qua đã khiến cho tình trạng heo quá lứa tích lũy ngày càng nhiều, người chăn nuôi đứng ngồi không yên vì đầu ra càng thu hẹp.

Hàng nghìn con heo tồn ứ, quá lứa khó tiêu thụ

Sau thời gian khó khăn tiêu thụ vì TP HCM và các tỉnh phía nam thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hộ nuôi tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi heo, đang lâm vào tình trạng khốn đốn khi đàn heo đã quá lứa trông chờ được xuất bán nhưng phía thương lái vẫn bặt tăm.

Chia sẻ với người viết, ông Thụy ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cho biết gần ba tuần nay, đàn heo hơn 100 con của ông đến kỳ xuất chuồng nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. 

"Bình thường thương lái sẽ vào bắt hết nhưng giờ có bắt cũng nhỏ giọt, hỏi ra thì thương lái nói không có người ăn, chợ không bán được nên không thể tiêu thụ hàng. Trong khi giá thì xuống thấp và giá nào cũng có, có người bán được 53.000 đồng/kg nhưng có người bán chỉ 40.000 đồng/kg đối với heo thịt, heo đẹp, còn heo mỡ thì không bán được.

Thực sự đây là thảm họa giá và đầu ra của người chăn nuôi, ở những đợt trước dù giá giảm nhưng vẫn có người mua nhưng lần này kêu đến 7 - 8 thương lái rồi mà cũng không ai mua", ông Thụy chia sẻ..

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cũng thừa nhận thị trường tiêu thụ lớn nhất của mặt hàng heo hơi là TP HCM đã giảm rất mạnh do hàng loạt chợ đầu mối, chợ truyền thống đều ngưng hoạt động. 

Ngay cả kênh tiêu thụ lớn và ổn định từ trước đến nay là các nhà máy chế biến cũng có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh.

Tình trạng kéo dài nhiều tháng nay đã khiến lượng heo đến kỳ xuất chuồng không bán được do thị trường tiêu thụ kém, dẫn đến tích lũy lượng lớn heo quá lứa. 

"Trước dịch TP HCM tiêu thụ mỗi ngày khoảng 6.000 - 7.000 con heo nhưng những tháng giãn cách chỉ tiêu thị khoảng 1.000 con/ngày, làm dồn ứ khoảng 4.000 - 5.000 con/ngày. Đáng nói là khi giá heo xuống thấp, thức ăn chăn nuôi tăng 40% mà thị trường tiêu thụ kém nên lượng heo tồn ngày càng nhiều, chuồng trại bị dồn nén càng khiến dịch tả heo châu Phi dễ nổ trở lại", ông Đoán chia sẻ.

Đây cũng là lo ngại của người chăn nuôi như ông Thụy, bởi đứng trước tình cảnh heo quá lứa không bán được vẫn neo giữ trong chuồng khiến thu nhập bị ảnh hưởng thì nguy cơ mất trắng vốn liếng bởi dịch tả heo châu Phi cũng đang rình rập khi địa phương đang bước vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để dịch trở lại. 

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề vì đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nhưng thời gian qua, hoạt động thu mua heo bị đình trệ khi đội ngũ thương lái bị cách ly rất nhiều và nhu cầu tiêu thụ thị thu hẹp do dịch COVID-19

Nếu những khó khăn này vẫn tiếp tục kéo dài mà không có cách tháo gỡ, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể dần kiệt quệ vì không còn vốn để duy trì hoạt động chăn nuôi, đầu tư tái đàn.

Tuy nhiên, không phải chỉ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tại các doanh nghiệp với đàn heo lên đến 12.000 con như Công ty TNHH MTV Tám Do tại huyện Long Thành, Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn trong đầu ra và lo ngại dịch bệnh bùng phát.

Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết hiện tại trong chăn nuôi đang gặp tình trạng heo đến lứa không bán được sẽ cầm cự tiếp tục nuôi đến 120-150 kg nhưng điều này khiến cho đàn heo bị ùn ứ, nguy cơ dịch bệnh tăng theo và sau đó buộc phải bán tháo chạy dịch với giá rất thấp chỉ hơn 30.000 đồng/kg cho các công ty.

"Mặc dù không phổ biến rộng nhưng hiện tại các công ty lớn đang bán với giá chỉ hơn 30.000 đồng/kg nên khi thương lái đến chào mua cũng dùng giá này ép mình, nếu mình chấp nhận thì sẽ thu mua, không thì sẽ bị quá lứa.

Tuy nhiên, với công ty lớn dù mua giá đó cũng không chắc lỗ nhiều nhưng với doanh nghiệp mình thì sẽ lỗ đậm do giá thành sản xuất cũng đã ở khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg", ông Hậu chia sẻ.

Heo quá lứa bán không ai mua, người chăn nuôi khốn đốn - Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh khiến đầu ra heo hơi khó khăn, lượng heo quá lứa từ đó tăng cao. (Ảnh: Agri.vn)

Chỉ khi thị trường tiêu thụ phục hồi mới giải phóng được heo quá lứa

Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết giá heo đã xuống rất thấp khi TP HCM thực hiện giãn cách thời gian qua, những ngày qua giá tiếp tục giảm sâu so với giá thành sản xuất. Giá heo hiện tại dưới 50.000 đồng/kg với heo loại 1, so với những tháng trước giảm xuống 2.000 đồng/kg.

Do đó, đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc mở cửa của TP HCM với kịch bản dự kiến vào ngày 1/10 là kỳ vọng rất lớn tất cả người sản xuất, chăn nuôi để giá bán được bình ổn trở lại.

"Trước tình hình lượng heo dồn ứ, quá lứa ngày càng tăng, sẽ không có giải pháp ứng phó nào tối ưu bằng cách tiêu thụ tốt để giải phóng được chuồng trại và áp lực dịch bệnh cũng sẽ giảm", ông Nguyễn Kim Đoán nhận định.

Đây cũng là hy vọng của ông Nguyễn Tấn Hậu khi cho biết doanh nghiệp đang rất trông chờ TP HCM mở cửa trở lại, các chợ truyền thống, lò mổ được hoạt động để các đầu mối thu mua truyền thống chào giá tốt hơn.

"Tôi không mong đợi giá được cao, chỉ ở mức hơn 40.000 đồng/kg để lỗ ít hơn, chứ còn mức giá 30.000 đồng/kg thì mỗi con heo lỗ gần 2 triệu đồng mà một tháng bán khoảng 2.000 con heo là doanh nghiệp lỗ mất mấy tỷ đồng", Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do chia sẻ.

Cũng theo ông Hậu, hiện nay đầu ra tiêu thụ chủ yếu của doanh nghiệp là nhờ vào lượng heo đạt chuẩn VietGap được Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) thu mua, dù số lượng không nhiều nhưng giá cả ổn định giúp công ty cầm cự trong giai đoạn này.

Trong khi việc cắt giảm khẩu phần ăn của đàn heo như một số trại đang thực hiện là giải pháp không tốt bởi nó khiến heo không thể tăng trọng lượng nhưng người nuôi vẫn phải tốn kém nhiều chi phí cho khoản thức ăn chăn nuôi.

Cũng theo các hộ chăn nuôi, việc giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng vẫn đang là gánh nặng với họ, đặc biệt trong tình cảnh phải nấn ná chờ đợi thương lái thu mua heo.

"Hiện giá đã tăng 70.000 - 80.000 đồng/bao so với cuối năm 2020. Lúc trước mỗi con heo ăn khoảng 3 triệu tiền thức ăn chăn nuôi thì nay tăng lên ở mức 3,7 - 3,8 triệu đồng/con, làm đội giá thành sản xuất nhưng giá bán ra lại giảm", ông Thụy cho hay.

Trước thực tế nhiều khó khăn hiện nay, đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng chỉ khi Chính phủ khống chế được dịch COVID-19 thì người chăn nuôi mới có thể hy vọng giá thức ăn chăn nuôi giảm bởi nguyên nhân khiến mặt hàng này tăng liên tục 11 tháng qua là do dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam khiến chi phí vận chuyển, sản xuất đều tăng cao.

Như Huỳnh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.