|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhìn lại ngành chăn nuôi heo trong 10 năm qua: Sóng gió bủa vây

07:00 | 14/02/2024
Chia sẻ
Kể từ năm 2017 đến nay, ngành chăn nuôi heo liên tiếp gặp cú sốc như khủng hoảng dư cung, dịch tả heo châu Phi, dịch COVID-19, suy thoái kinh tế... Điều này khiến nông dân và doanh nghiệp không đạt được lợi nhuận mang tính bền vững, nhiều thời điểm thua lỗ nặng.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết thời điểm cuối năm 2023, tổng số heo ước đạt 30,3 triệu con, trong đó có 4 triệu heo con theo mẹ, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023 là năm có số đầu con heo cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Giai đoạn 2019 – 2023, tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,94%/năm.

Tuy nhiên, lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp tăng trưởng chưa tương xứng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chuyên gia có hơn 40 năm gắn bó với ngành chăn nuôi, về bức tranh của ngành trong 10 năm qua.

Người xưa có câu "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo". Tuy nhiên, những năm gần đây nông dân và doanh nghiệp hiếm có lúc nào có thể phất lên.

Để nói về ngành chăn nuôi heo trong 10 năm qua, ông tóm gọn bằng cụm từ nào?

Ông Nguyễn Văn Trọng: "Biến động" là tính từ có thể nói về ngành chăn nuôi trong giai đoạn 2013-2023. Bức tranh của ngành được chia thành hai giai đoạn: bình yên và sóng gió.

Trước năm 2017, ngành chăn nuôi khá ổn định cả về tốc độ tăng trưởng, giá cả các mặt hàng. Tuy nhiên sau 2017, loạt cú sốc đã xảy ra với ngành, đặc biệt là chăn nuôi heo.

Năm 2017, chăn nuôi heo gặp tình trạng dư cung, giá heo hơi giảm sâu, có thời điểm chỉ quanh mốc 30.000 đồng/kg.

Năm 2018, thị trường dần hồi lại, cân đối cung – cầu chưa được bao lâu thì đến tháng 2/2019, dịch tả heo châu Phi bùng phát, tàn phát hơn 4 triệu con heo của Việt Nam. Điều này khiến giá heo hơi vào tháng 4/2020 bật tăng lên gần 100.000 đồng/kg do thiếu hụt nguồn cung trong nước.

Vừa qua cơn sốt giá, đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, cách ly, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh, lưu thông và đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thịt. Dịch COVID-19 cũng gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giai đoạn 2021-2022, giá thức ăn chăn nuôi ở mức rất cao, tăng 30-40% so với mặt bằng trước đó.

Những khó khăn chưa thực sự kết thúc khi năm 2023, ngành chăn nuôi vẫn long đong, lận đận quá. Đầu vào tăng, đầu ra yếu, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19, thu nhập của người dân chưa phục hồi. Trong khi đó, sản xuất vẫn ổn định, điều này khiến giá sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, nhiều thời điểm dưới giá thành.

Thông thường, khi giá heo đắt thì gà rẻ, gà đắt thì heo rẻ, các mặt hàng bổ trợ cho nhau, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023, giá tất cả sản phẩm chăn nuôi đều hạ. Điều này cho thấy sự thiếu bền vững, ổn định của ngành chăn nuôi nước ta.

 

Vậy trong 10 năm qua, có thời điểm nào thị trường heo hơi trầm lắng trong mùa cao điểm tiêu thụ Tết Nguyên đán như đầu năm 2024 không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Nếu như diễn biến bình thường (trước COVID-19), nhu cầu và giá thịt heo sẽ tăng 10-15% trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, Tết năm nay, nhu cầu và giá không tăng cao được. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng rất nhiều người lao động thiếu việc làm, mất việc làm trong năm qua.

Ngoài ra, hiện nay người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn cho thực phẩm tiêu thụ trong Tết, ví dụ như gia cầm, thuỷ hải sản…

Với tổng đàn 29-30 triệu con heo, số lượng này có đang vượt quá so với nhu cầu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Theo Chiến lược phát triển, ngành chăn nuôi duy trì tổng đàn 29-30 triệu con, trong đó có 2,8-2,9 triệu con nái như hiện nay là vừa phải. Nhưng vấn đề là chúng ta phải nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ví dụ, số con heo sữa/nái/năm trước đây khoảng 21-22 con, nhưng nay đã nâng lên 23-24 con. Hay trước đây, 4 triệu con nái đã đủ để sản xuất đàn heo thương phẩm, cung ứng 50 triệu con heo thịt thì đến nay với gần 3 triệu con nái, chúng ta vẫn đáp ứng được 50 triệu con heo thịt. Sắp tới nếu nâng cao năng suất, chúng ta có thể giảm được số đầu nái xuống nữa.

Kể từ khi giá thức ăn chăn nuôi phi mã, nông dân nuôi heo liên tục thua lỗ, còn doanh nghiệp cũng ghi nhận lợi nhuận giảm. Tình trạng này kéo dài, liệu chăn nuôi nông hộ liệu có thể trụ lại được?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Có thể nói, 10 năm qua như một cuộc cách mạng với chăn nuôi nông hộ, từ hơn 10 triệu hộ chăn nuôi giảm xuống còn 4 triệu hộ vào năm 2018 (trước dịch tả heo châu Phi).

Từ 2018 đến nay, nhiều cú sốc liên tiếp xảy ra với ngành chăn nuôi khiến số lượng nông hộ ngày càng thu hẹp lại. Số liệu thống kê của các tỉnh, thành phố mới đây còn khoảng 1,7 triệu hộ, nhưng thực tế, con số này có thể thấp hơn.

Giá thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh và biến đổi là những yếu tố tác động lớn đến ngành chăn nuôi. Chăn nuôi nông hộ nếu không làm theo an toàn sinh học thì sẽ không trụ được và chịu tổn thương nhiều nhất. Dù thế nào, đây cũng là sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam.

Trong khi quy mô nông hộ thu hẹp, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại không ngừng lớn mạnh.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, hiện đại, an toàn sinh học tốt thì có thể trụ lại và sống khoẻ. Giá cả có lúc lên, lúc xuống, các doanh nghiệp làm theo chuỗi giá trị, khi lãi sẽ lãi rất lớn, còn khi lỗ, cũng sẽ phục hồi, trở lại trạng thái cân bằng nhanh hơn.

Hiện nay, nước ta có 16 doanh nghiệp chăn nuôi, chiếm khoảng 23-25% tổng đàn heo, tương ứng 6,5-7 triệu con. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư và trong tương lai, thị phần của các doanh nghiệp có thể lên tới 30%.

Để ngành chăn nuôi chuyển từ trạng thái long đong, bấp bênh sang ổn định và tăng trưởng. Theo ông, chúng ta phải làm gì?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp Nga – Ukraine, Trung Đông, điều cần làm ngay từ bây giờ là liên kết theo chuỗi và tận dụng tối đa nguyên vật liệu trong nước.

Hãy nhìn câu chuyện của Đan Mạch, đất nước chỉ có 5 triệu dân, 10 chuỗi chăn nuôi, nhưng có thể sản xuất được 25 triệu con heo/năm và đặc biệt là giá thành rất thấp. Các doanh nghiệp chia sẻ họ làm được điều này nhờ sự liên kết, hợp tác, uy tín và tuân thủ quy định.

Ngoài ra, cả nông hộ và doanh nghiệp cần cố gắng nâng cao tính chủ động cho cả đầu vào và đầu ra. Nếu cứ mãi phụ thuộc và bị động, ngành chăn nuôi của Việt Nam khó phát triển bền vững.

Nông hộ cần chuyên nghiệp hơn, chú trọng đến an toàn sinh học, chuỗi và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Còn doanh nghiệp cần đẩy mạnh các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, liên kết tiêu thụ, khép kín chuỗi sản phẩm của chính mình.

Một điểm khác cũng quyết định đến tính ổn định, bền vững của ngành chăn nuôi là hài hoà lợi ích giữa các khâu sản xuất – phân phối – tiêu dùng. Mấy chục năm nay, khâu lưu thông vẫn hưởng lợi nhiều nhất, không bao giờ thua thiệt, cho dù giá heo có cao, nông dân cũng không hưởng lợi nhiều, giá xuất chuồng thấp, người tiêu dùng vẫn phải mua giá thịt ở mức cao. Nếu không hài hoà giữa các khâu, ngành sẽ khó bền vững.

Nếu những điều vừa nói có thể giải quyết, ông kỳ vọng thế nào về bức tranh ngành chăn nuôi trong 10 năm tiếp theo?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Thị trường đang thay đổi từng ngày, từng giờ, thật khó để hình dung về bức tranh ngành chăn nuôi trong 10 năm tới. Nhưng trong kỳ vọng của bản thân, tôi mong muốn về một ngành hàng đảm bảo được các yếu tố kinh tế - môi trường – hài hoà lợi ích.

Chúng ta sẽ tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, doanh nghiệp sẽ vào cuộc và trở thành trung tâm của chuỗi kinh tế tuần hoàn.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Mơ

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.