|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Phần 2] Ba tháng để Đức tự cứu mình khỏi khủng hoảng năng lượng: Điềm báo từ trước

15:15 | 02/08/2022
Chia sẻ
Nguy cơ Nga "vũ khí hoá" nguồn cung khí đốt đã được một số chính trị gia tại Đức cảnh báo từ lâu, nhưng các nhà lãnh đạo cấp cao nhất lại phớt lờ. Hệ quả là, nền kinh tế Đức giờ đây đang đứng bên bờ vực thẳm bởi rủi ro thiếu hụt năng lượng trong mùa đông.

Nền kinh tế bên bờ vực thẳm

Chi phí năng lượng tăng lên sẽ dần thể hiện rõ vào mùa thu năm nay và tạo thêm áp lực cho người nghèo. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne, khoảng 25% người Đức đã rơi vào tình trạng nghèo năng lượng.

Tức là chi phí sưởi ấm và chiếu sáng đang ảnh hưởng đến khả năng trang trải của người dân cho các nhóm chi phí khác. Chính quyền Berlin hiện đang nghiên cứu các chương trình viện trợ cho những hộ gia đình có thu nhập thấp.

Đường phố tại một khu dân cư ở thành phố Frankfurt tối đen vì chính quyền địa phương tắt đèn để tiết kiệm điện, ngày 27/7. (Ảnh: Bloomberg).

Chưa kể, các lĩnh vực công nghiệp của Đức cũng sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề. Nhà phân tích Penny Leake tại hãng tư vấn Wood Mackenzie đánh giá: “Nếu dòng chảy khí đốt qua Nord Stream vẫn duy trì ở mức 20%, thì Đức đang tiến gần đến khu vực nguy hiểm”.

Khu vực tư nhân đã và đang phản ứng. Một cuộc khảo sát trên 3.500 doanh nghiệp do tổ chức DIHK thực hiện cho thấy 16% các công ty công nghiệp đang xem xét giảm sản xuất hoặc từ bỏ một số hoạt động vì cuộc khủng hoảng năng lượng.

BASF là một trong số đó. Gã khổng lồ hoá chất Đức có kế hoạch giảm sản lượng khí amoniac - một thành phần quan trọng trong phân bón, sau khi chi phí tăng cao khiến hoạt động kinh doanh không có lãi.

Theo Bloomberg, các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng khác có thể sẽ di dời đến những khu vực có nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy như khu vực bờ biển nhiều gió của Đức hoặc đến các vùng giàu năng lượng mặt trời ở Địa Trung Hải.

 

Nếu vậy, các vùng công nghiệp lớn dọc sông Rhine cũng như ở phía nam của Đức có thể sẽ chứng kiến một số thay đổi về mặt cơ cấu. Ông Michael Kretschmer - Thủ hiến bang Sachsen, cảnh báo: “Hệ thống kinh tế của chúng ta có nguy cơ sụp đổ. Nếu chúng ta không cẩn thận, Đức có thể trở thành nước phi công nghiệp hoá”.

Hầu hết người Đức đều ủng hộ Ukraine, khoảng một nửa công chúng nói chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ Kiev dù chi phí năng lượng leo thang, theo khảo sát của tổ chức Policy Matters.

Song, phe chỉ trích như ông Kretschmer có thể khiến dư luận đảo chiều nếu nhiệt độ tiếp tục xuống thấp. Điều này có thể gây thêm áp lực cho chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz.

Điềm báo từ trước

Ngay sau khi chính phủ của ông Scholz lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái, hàng chục chính trị gia mới đắc cử trong liên minh của vị thủ tướng cho rằng những xôn xao về rủi ro khí đốt của Đức là một dạng thuyết âm mưu.

Tuy nhiên, sau đó họ đã nhìn thấy sự thật: tại thời điểm đó, dự trữ khí đốt của Đức chỉ đủ dùng cho khoảng 10 ngày nếu mùa lạnh đột ngột kéo tới. Đó là khi giới chính trị gia Đức buộc phải nhìn nhận thực tế.

Trong nhiều thập kỷ qua, chính quyền của hai cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder và Angela Merkel cho rằng quan hệ hợp tác năng lượng với Nga là hoàn toàn có lợi chứ không hề gây ra vấn đề gì.

Cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên dưới lòng đất Astora, một công ty con của Gazprom Germania, ở Rehden, Đức. (Ảnh: Getty Images).

Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Scholz gọi những chỉ trích của Mỹ đối với chính sách năng lượng của Đức là “sai sự thật” vì đánh giá của Washington không bao quát toàn bộ hỗn hợp năng lượng của Đức.

Trên khắp hệ thống chính trị Đức, mọi người từng tin tưởng rằng nếu Nga không cắt đứt dòng chảy khí đốt trong thời Chiến tranh Lạnh, thì hẳn nhiên họ cũng không làm vậy trong cuộc xung đột với Ukraine bây giờ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu chuyển hướng sang năng lượng tái tạo và ngày càng tránh xa nguồn nhiên liệu hoá thạch của Nga, thì các quan chức Đức đã đánh giá thấp ông Putin. Tổng thống Nga rõ ràng sẽ tận dụng lợi thế khí đốt khi ông vẫn còn có nó.

Trước chiến sự tại Ukraine, một chi nhánh của Gazprom kiểm soát khoảng 20% công suất dự trữ khí đốt của Đức. Đơn vị này nắm cổ phần đáng kể tại một dự án ở Áo và có quyền định đoạt lượng lớn khí đốt ở Hà Lan.

Chi nhánh trên đã không bổ sung tồn kho trước mùa đông năm ngoái. Rõ ràng đây là một dấu hiệu cho thấy Nga đã chuẩn bị cho việc vũ khí hoá năng lượng ngay trước mặt châu Âu.

 

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Uỷ ban châu Âu kiêm cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức, từng nhận xét: “Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng trong nhiều tháng trước khi chiến sự nổ ra, Nga đã cố tình giữ nguồn cung khí đốt ở mức thấp nhất có thể. Họ đang tống tiền chúng ta”.

Mãi đến khi cuộc chiến tại Ukraine sắp diễn ra, Thủ tướng Scholz mới nhận ra là Đức đã gặp rắc rối lớn, theo nguồn tin của Bloomberg. Trong chuyến công du tới Moscow vào ngày 15/2, ông Scholz đã ngồi vào chiếc bàn trắng nổi tiếng của ông Putin.

Cách nhà lãnh đạo người Nga khoảng 6 m, Thủ tướng Đức đã cố gắng đàm phán để xoa dịu bế tắc. Song, dấu hiệu căng thẳng đã hiện rõ, nguồn tin nói.

Dù Tổng thống Putin nhấn mạnh đường ống Nord Stream 2 - lúc đó đã hoàn thành và đang chờ phê duyệt để bắt đầu hoạt động, là “một dự án thương mại nghiêm túc”, ông Scholz cho biết mình sẵn sàng từ bỏ Nord Stream 2 nếu Moscow tấn công Ukraine.

Chỉ vài ngày sau, ông Scholz đã khai tử dự án sau khi ông chủ Điện Kremlin làm tiêu tan hy vọng về một giải pháp hoà bình bằng cách công nhận hai vùng Luhansk và Donetsk là các quốc gia độc lập.

Nhưng ngay cả khi xung đột nổ ra, Đức vẫn rất chật vật bởi nước này đã bị bó buộc bởi chính sách hợp tác lâu dài với Moscow cũng như do các ngành công nghiệp trong nước chần chừ không muốn từ bỏ khí đốt giá rẻ của Nga.

Yên Khê