|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Phần 1] Ba tháng để Đức tự cứu mình khỏi khủng hoảng năng lượng: Những bước đi tập tễnh đầu tiên

14:41 | 02/08/2022
Chia sẻ
Bây giờ châu Âu vẫn còn đang đắm mình trong mùa hè, nhưng Đức chỉ còn khoảng ba tháng để tự cứu mình ra khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng có thể nhấn chìm nền kinh tế nước này.

Phản ứng chậm chạp

Dinh thự của Tổng thống Đức tại Berlin không còn thắp sáng đèn vào ban đêm, thành phố Hanover đã tắt nước ấm trong vòi sen ở các hồ bơi và phòng tập thể dục, và nhiều địa phương trên khắp cả nước đang sửa soạn thiết bị để sưởi ấm cho người dân. Tất cả chỉ là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng sắp sửa quét qua châu Âu.

Giờ châu Âu vẫn còn là mùa hè, nhưng Đức không còn nhiều thời gian để ngăn chặn cú sốc năng lượng sắp diễn ra vào mùa đông năm nay. Có thể nói đây là điều chưa từng xảy ra đối với một quốc gia phát triển.

Trên thực tế, phần lớn châu Âu đang căng mình chống chịu khi Nga siết nguồn cung khí đốt tự nhiên. Song, không quốc gia nào bị ảnh hưởng nặng nề như Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực, nơi gần một nửa nhà dân phụ thuộc vào khí đốt để sưởi ấm.

Cung điện Bellevue, nơi ở chính thức của Tổng thống Liên bang Đức, không còn được thắp đèn vào ban đêm nhằm tiết kiệm điện. (Ảnh: Getty Images).

Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz rất chậm chạp trong việc giải quyết bài toán của đất nước, gần đây chỉ mới đưa ra các mục tiêu cắt giảm nhu cầu khi nỗ lực đảm bảo nguồn cung thay thế không thành công.

Giờ đây, khi Moscow tiếp tục giảm bớt các đơn hàng khí đốt sang châu Âu và Pháp gặp trục trặc trong việc xuất khẩu điện sang các nước láng giềng, Đức rõ ràng không còn nhiều thời gian và rủi ro đang tăng dần trước khi mùa đông tới.

Chia sẻ trước truyền thông, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Robert Habeck cho hay: “Những thách thức mà chúng ta đang đối mặt là rất lớn và chúng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế cũng như xã hội”.

“Tuy nhiên, chúng ta là một quốc gia hùng mạnh, một nền dân chủ vững mạnh. Đây là những tiền đề tốt để Đức vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay”, ông Habeck nhấn mạnh.

Đức đang đứng trước nguy cơ phải hạn chế tiêu thụ năng lượng và suy thoái kinh tế. Thậm chí, giới chức còn quan ngại về rủi ro bất ổn xã hội nếu tình trạng thiếu hụt năng lượng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu thậm chí không thể tin tưởng hoàn toàn vào Pháp, nơi các lò phản ứng hạt nhân bị trục trặc đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt. Giá điện ở hai nước đã tăng kỷ lục vào tuần trước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, sản lượng kinh tế của Đức có thể mất 4,8% nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt; trong khi đó, ngân hàng trung ương Đức Bundesbank dự đoán thiệt hại tiềm tàng là 220 tỷ euro (tương đương 225 tỷ USD).

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck (ngoài cùng bên phải) thăm một cơ sở dự trữ khí đốt ở Bad Lauchstaedt, ngày 28/7. (Ảnh: Getty Images).

Khủng hoảng năng lượng chắc chắn là một đòn đau giáng vào nền kinh tế Đức, nhưng điều người dân địa phương thực sự lo sợ hơn cả là khả năng cạnh tranh của đất nước sẽ sớm sa sút.

Tuần trước, Nga đã tung ra đòn mới vào châu Âu khi Gazprom khẳng định vấn đề liên quan tới một tuabin đã khiến dòng chảy khí đốt trên đường ống Nord Stream 1 tụt xuống còn 20%. Sau động thái đó, giá khí đốt tăng hơn 30% và giá điện phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.

Bộ trưởng Habeck, người giám sát chính sách năng lượng của Đức, gọi lập luận của Gazprom là “khôi hài”. Song, ông thừa nhận rằng tình hình rất nghiêm trọng và lần nữa kêu gọi doanh nghiệp lẫn người dân nỗ lực tiết kiệm năng lượng.

Những bước đi tập tễnh

Để xoa dịu tình hình, Bộ Kinh tế Đức đã cho phép hồi sinh các nhà máy điện than, đánh dấu một bước lùi đối với nỗ lực bảo vệ đổi khí hậu của chính phủ. Đồng thời, bộ này còn khuyến nghị người Đức nên lắp đặt vòi hoa sen hiệu quả hơn và giặt quần áo ở nhiệt độ thấp hơn.

Tương tự Đức, Italy cũng phụ thuộc vào Nga cho hơn một nửa nguồn cung khí đốt, nhưng nước này đã nhanh chóng tìm kiếm các nguồn thay thế từ Algeria và Qatar hơn. Chưa kể, các cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) đã giúp Italy hành động linh hoạt hơn.

Ngược lại, Đức lại ở tình cảnh ngặt nghèo hơn. Berlin hiện chỉ mới phát triển cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG, nhưng cảng nổi đầu tiên sẽ không kịp hoàn thành trong năm nay như chính phủ hy vọng.

 

Đến nay, Đức chỉ mới lấp đầy khoảng 68% kho dự trữ khí đốt. Các công ty năng lượng có thể sẽ không hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ dự trữ lên 95% vào ngày 1/11 như chính phủ kỳ vọng. Cơ quan quản lý lưới điện quốc gia cũng nói khó có thể đạt được con số đó nếu không có các biện pháp bổ sung.

Nhìn chung, nếu các biện pháp tái cân bằng cung - cầu không thành công, chính phủ có quyền ban bố tình trạng “khẩn cấp” về khí đốt. Sau đó, Berlin sẽ kiểm soát quá trình phân phối năng lượng và quyết định ai được cấp khí đốt, ai không.

Mặc dù các hộ gia đình và cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện sẽ không bị cắt điện, Bloomberg nói không có gì đảm bảo nhiệt độ trong phòng sẽ thoải mái và dễ chịu như trước kia.

(còn nữa)

Yên Khê