|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phương Tây đau đầu cân nhắc thiệt hơn khi chọn mức trần giá cho dầu Nga

21:47 | 27/11/2022
Chia sẻ
Các đồng minh của Ukraine muốn giới hạn giá dầu của Nga. Tuy nhiên, họ đang vấp phải một vấn đề lớn: không thể thống nhất một mức giá cụ thể để gây áp lực lên Điện Kremlin.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Hồi giữa năm nay, các nền kinh tế lớn nhất của phương Tây đã nhất trí sẽ áp trần giá đối với dầu thô - mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Nga. Họ cam kết sẽ công bố chi tiết thoả thuận vào đầu tháng 12.

Mục tiêu của việc áp trần giá là nhằm hạn chế nguồn doanh thu của Nga mà không làm đứt gãy nguồn cung năng lượng và gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khi hạn chót sắp đến gần, các nước phương Tây vẫn chưa thống nhất một mức trần giá cụ thể, CNN đưa tin.

Theo thông tin từ một cuộc họp của giới chức châu Âu, mức trần giá đối với dầu thô của Nga có thể vào khoảng 65 - 70 USD/thùng.

Song, con số trên vẫn gây tranh cãi vì nó quá sát với giá dầu của Nga trên thị trường hiện nay. Điều này đồng nghĩa rằng nguồn cung năng lượng sẽ không bị gián đoạn nhiều, nhưng thiệt hại gây ra cho Nga cũng không lớn.

Bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại RBC Capital Markets, nhận định: “Tại thời điểm này, mức trần giá mà phương Tây đề xuất thực chất là nhằm để hạ nhiệt lạm phát chứ không phải siết chặt doanh thu của Nga”.

Hồi đầu tháng 11, một thùng dầu Urals của Nga có giá khoảng 70 USD/thùng - thấp hơn 24 USD so với dầu Brent chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, nếu phương Tây đặt mức trần thấp hơn, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là nếu Nga trả đũa.

Nếu Nga cắt giảm sản lượng nhiều hơn dự kiến, giá nhiên liệu có thể nhảy vọt giữa lúc các nước như Mỹ, Đức và Nhật Bản đang cố gắng khống chế lạm phát.

Hôm 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết kế hoạch áp trần giá dầu của phương Tây sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng” cho thị trường năng lượng.

Mức nào thì hợp lý?

Cùng ngày, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói bà “tự tin rằng châu Âu sẽ sớm chốt được mức trần giá dầu với G7 và các đối tác lớn khác”. Tổng thống Mỹ Joe Biden thì cho biết các cuộc đàm phán đang “diễn ra”.

Song, các cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn, cho thấy tính chất phức tạp của việc giới hạn giá dầu thô của Nga.

Phương Tây muốn đạt được một thoả thuận trước ngày 5/12, khi lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển có hiệu lực.

Nguyên nhân là do gói trừng phạt của EU cũng bao gồm lệnh cấm các công ty trong khu vực cung cấp dịch vụ bảo hiểm và hàng hải cho các tàu chở dầu thô của Nga.

Quy định trên sẽ khiến các khách hàng lớn của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ khó tiếp tục nhập khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày. Hầu hết các công ty bảo hiểm trong lĩnh vực vận chuyển dầu mỏ đều có trụ sở tại châu Âu hoặc Anh.

Mức trần giá sẽ giúp điều chỉnh lệnh cấm vận của EU. Doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm và vận tải cho các tàu chở dầu của Nga - miễn là dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức trần do phương Tây thiết lập.

EC giải thích: “Trần giá sẽ giúp giảm hơn nữa doanh thu của Nga, đồng thời giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu ổn định. Do đó, kế hoạch này cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề lạm phát và giữ cho chi phí năng lượng ở mức vừa phải...”

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đặt ra trần giá là không hề dễ dàng. Ba Lan và các nước Đông Âu muốn đưa ra mức trần thấp hơn, bở họ cho rằng chi phí sản xuất của Nga rất thấp chứ không đến 65 hay 70 USD/thùng.

Do đó, đặt ra mức trần cao như vậy sẽ cho phép Nga tiếp tục thu lợi nhuận từ việc bán dầu thô ra nước ngoài.

Theo ước tính của hãng tư vấn Rystad Energy, chi phí sản xuất của Nga là từ 20 đến 50 USD cho mỗi thùng dầu.

Thêm vào đó, chính phủ Nga dự đoán các lô dầu của nước này sẽ được bán với giá trung bình khoảng 70 USD/thùng vào năm tới. Nếu các nhà buôn của Nga vẫn có thể bán dầu ở mức giá đó, Điện Kremlin có thể tiếp tục chi tiêu ngân sách như kế hoạch.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gợi ý rằng mức trần giá nên rơi vào khoảng 30 USD/thùng.

“Chúng tôi đã nghe về đề xuất giới hạn giá dầu Nga ở mức 60 hoặc 70 USD/thùng. Con số này giống như một sự nhượng bộ đối với bọn họ”, ông Zelensky chia sẻ tại một hội nghị trực tuyến cùng Lithuania.

Song, nếu trần giá quá thấp, Nga có thể giảm sản lượng để đáp trả. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thị trường có thể chao đảo, do xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm nay ước tính đạt 9,7 triệu thùng/ngày - cao hơn cả con số của năm ngoái.

Yên Khê

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.