|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ cho phép Ấn Độ mua dầu Nga trên giá trần

09:54 | 13/11/2022
Chia sẻ
Mỹ tuyên bố sẵn sàng để Ấn Độ mua dầu Nga ở trên mức giá trần, miễn là nước này không sử dụng tới dịch vụ từ phương Tây.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, Mỹ sẵn sàng để Ấn Độ mua dầu Nga mà không bị giới hạn số lượng, ngay cả ở trên mức giá trần được G7 thông qua. Tuy vậy, New Delhi sẽ không thể tiếp cận dịch vụ bảo hiểm, tài chính và hàng hải bị giới hạn bởi cơ chế giá trần khi mua dầu từ Nga.

Bà Yellen cho biết kế hoạch của G7 vẫn sẽ giúp hạ giá năng lượng trên toàn cầu trong khi hạn chế doanh thu của Moscow. Một khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay, Moscow sẽ không thể bán được nhiều dầu như trước nếu không tuân thủ cơ chế giá trần hoặc chiết khấu mạnh.

“Moscow sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bán nhiều dầu như trước đây, một khi EU ngừng mua dầu của Nga", bà Yellen cho biết. “Họ sẽ phải tìm kiếm người mua. Và nhiều người mua đang phụ thuộc vào dịch vụ của phương Tây”.

Nếu không tính đến Trung Quốc, Ấn Độ đang là khách hàng lớn nhất của dầu Nga. Những chi tiết cuối cùng của kế hoạch giá trần do G7 và Australia áp đặt đang được thảo luận. Hạn chót để liên minh này thông qua cơ chế giá trần là vào ngày 5/12.

Bà Yellen cho biết, kế hoạch giá trần sẽ là đòn bẩy cho phép Ấn Độ, Trung Quốc và các nước mua dầu thô lớn khác của Nga đàm phán mức giá tốt hơn. Dầu Nga “sẽ được bán với giá hời, và chúng tôi rất vui khi Ấn Độ, châu Phi và Trung Quốc mua được món hời này. Mọi thứ đều ổn”, bà Yellen nói thêm.

Bà Yellen cũng cho biết Ấn Độ và các công ty dầu khí của nước này “có thể mua dầu với bất cứ mức giá nào mà họ mong muốn, miễn là không sử dụng tới các dịch vụ của phương Tây”.

Giá trần có thể bằng mức giá trung bình của Nga trong dài hạn.

Mục tiêu của kế hoạch giá trần là nhằm cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Moscow, đồng thời vẫn giữ loại năng lượng này được chảy trên thị trường. Mức giá trung bình của dầu thô Urals trong những năm qua, từ khoảng 63 đến 64 USD/thùng có thể trở thành giới hạn trên.

Giá trần được Mỹ thúc đẩy kể từ khi EU lần đầu tiên đưa ra kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Nga vào hồi tháng 5.

Tuần trước, Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố nước này sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga, bởi động thái này mang lại lợi ích cho New Delhi.

Bộ trưởng Tài chính và Năng lượng Ấn Độ không đưa ra bình luận về tuyên bố của bà Yellen. Tuy vậy, các quan chức khác cho biết họ lo ngại về cơ chế giá trần chưa được thực nghiệm.

“Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ sẽ tuân theo cơ chế giá trần. Chúng tôi đã thông báo quan điểm trên với các quốc gia khác. Chúng tôi tin rằng hầu hết các quốc gia đều cảm thấy thoải mái, và chẳng ai nghĩ rằng dầu Nga nên ngừng chảy”, một quan chức chính phủ Ấn Độ nói với Reuters.

Vị quan chức này cho biết thêm rằng nguồn cung và giá cả ổn định là yếu tố quan trọng nhất.

Rosneft, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga, đang mở rộng hoạt động kinh doanh cho thuê tàu chở dầu nhằm tránh việc người mua phải tìm tàu hàng, bảo hiểm và các dịch vụ khác khi giá trần có hiệu lực.

Bà Yellen cho biết ngay cả với tàu chở của dầu Nga, Trung Quốc và một đội tàu “bóng tối”, gồm những tàu cũ kĩ, đã ngừng hoạt động và được gắn cờ lại, “Moscow sẽ rất khó bán hết số dầu như đã từng làm nếu không đưa ra một mức giá hợp lý”. 

Minh Quang