|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

EU hoãn đàm phán về áp trần giá dầu nhập khẩu từ Nga sang tuần sau

07:42 | 27/11/2022
Chia sẻ
Ba Lan, Estonia và Litva đang thúc đẩy mức trần thấp hơn nhiều so với đề xuất 65-70 USD/thùng của G7. Ngược lại, Hy Lạp, Cyprus và Malta lại vận động để đưa mức trần lên cao hơn.

(Ảnh minh hoạ: Philipp von Ditfurth).

Các nguồn tin ngoại giao cho hay cuộc họp giữa đại diện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), vốn dự kiến diễn ra vào tối thứ Sáu (25/11), để thảo luận về giá trần áp lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga theo đề xuất của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), đã bị hủy bỏ.

Một nhà ngoại giao cho hay các nước chưa thể chia sẻ một quan điểm thống nhất về vấn đề trên. Một nguồn tin khác cũng cho hay sẽ không có cuộc gặp nào vào tối 25/11 cũng như cuối tuần này.

Trước đó vào hôm 24/11, các chính phủ EU đã bất đồng về mức trần giá áp lên dầu của Nga vốn được lên kế hoạch có hiệu lực vào ngày 5/12.

Ba Lan, Estonia và Litva đang thúc đẩy mức trần thấp hơn nhiều so với đề xuất 65-70 USD/thùng của G7. Ngược lại, Hy Lạp, Cyprus (Síp) và Malta lại vận động để đưa mức trần lên cao hơn, hoặc có một số hình thức bồi thường cho tổn thất kinh doanh dự kiến đối với các công ty thuộc lĩnh vực vận chuyển quan trọng của họ.

Các nguồn tin ngoại giao EU giấu tên cho biết, không rõ cả hai bên đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận hay chưa.

Một trong những nhà ngoại giao có tiếp xúc gần với các cuộc đàm phán cho biết thêm rằng Ba Lan muốn liên kết thỏa thuận áp giá trần với một gói các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga. Malta, Hy Lạp và Cyprus cũng kiên quyết bảo vệ lợi ích của họ.

Các nước châu Âu vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về vấn đề này và Mỹ chưa thể thuyết phục được họ xích gần nhau hơn.

Mục tiêu của kế hoạch áp giá trần nhằm cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi chúng được bán với giá thấp hơn mức do G7 và các đồng minh đặt ra.

Do các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều đặt trụ sở tại các nước G7, nên mức giá trần sẽ khiến Moskva rất khó bán dầu với giá cao hơn trong khi đây là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này, chiếm khoảng 10% nguồn cung thế giới. 

H. Thuỷ

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.