|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EU đổ lỗi cho Mỹ vì giá khí đốt đắt đỏ, song nguyên nhân thật sự là các nhà buôn châu Âu

10:51 | 24/11/2022
Chia sẻ
Các nhà buôn khí đốt tại châu Âu đang thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ chênh lệch giá khí đốt giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tuy vậy, các chính trị gia châu Âu vẫn tiếp tục đổ lỗi cho Mỹ là nguyên nhân khiến giá khí đốt trở tại EU trở nên đắt đỏ.

Theo Politico, Liên minh châu Âu (EU) đang chịu áp lực lớn trong việc áp giá trần với khí đốt nhập khẩu nhằm hạn chế giá nhiên liệu tăng cao. Tuy vậy, nhiều công ty ở châu Âu đang thu lợi từ việc mua khí đốt rẻ tại Mỹ và bán tại châu Âu với giá cắt cổ.

Giá khí hóa lỏng (LNG) được đưa lên tàu tại các cảng của Mỹ rẻ bằng 1/4 so với ở bờ bên kia Đại Tây Dương, phần lớn do những đứt gãy thị trường khi Nga gần như cắt hoàn toàn dòng khí đốt tới châu Âu.

Ủy ban châu Âu (EC) đã chịu áp lực lớn trong việc phác thảo một bản kế hoạch giá trần khí đốt. Tuy vậy, một số quốc gia thành viên, dẫn đầu là Đức, lo ngại rằng biện pháp này có thể khiến người bán chuyển hướng LNG tới nơi khác.

Theo nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, một phần lớn của hoạt động buôn bán khí đốt giữa hai bờ Đại Tây Dương đang nằm trong tay các doanh nghiệp châu Âu.

“90% tất cả những gì chúng tôi sản xuất được bán cho bên thứ ba, và đa số khách hàng của chúng tôi là các công ty điện lực và năng lượng như Enel, Endesa, Naturgy, Centrica hay Engie”, ông Corey Grindal, Phó Chủ tịch Điều hành của Cheniere Energy, cho biết. Những cái tên mà ông Corey nhắc đến đều là các nhà phân phối năng lượng hàng đầu châu Âu.

Trong năm 2022, 70% LNG xuất khẩu của Cheniere chảy tới châu Âu. Công ty này bán khí đốt theo giá cố định, dựa trên mức giá tiêu chuẩn của Mỹ, hay còn gọi là Henry Hub. Hôm 23/11, giá khí đốt của Henry Hub giao tháng 1/2023 là 7,6 USD/mmBtu (một triệu đơn vị nhiệt Anh), hoặc 26 USD/MWh.

Theo ông Grindal, giá trung bình trong hợp đồng xuất khẩu của Cheniere là 115% giá tại Henry Hub, cộng thêm 3 USD. Như vậy, hiện Cheniere đang xuất LNG với giá khoảng 34,3 EUR/MWh. Giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu, hay còn gọi là TTF, đang lên tới 116 EUR/MWh.

Hay nói cách khác, những doanh nghiệp buôn LNG từ Mỹ sang châu Âu đang thu về lợi nhuận khổng lồ.  

Giá hợp đồng Henry Hub giao tháng 1/2023 cao hơn một chút so với hợp đồng giao tháng 12. 

Khi được hỏi về việc liệu giá trần có ảnh hưởng tới cách Cheniere làm ăn với đối tác châu Âu hay không, ông Grindal dứt khoát trả lời “không”.

“Bảng cân đối kế toán của chúng tôi phụ thuộc vào các hợp đồng dài hạn”, ông nói thêm. Có thể hiểu rằng, nếu người mua muốn bán lô hàng ra bên ngoài châu Âu để thu lợi nhiều hơn, thì đó là quyết định của họ và không liên quan gì tới Cheniere.

Đổ tội nhầm người

Sự chênh lệch giữa giá khí đốt tại Mỹ và EU đã được các chính trị gia châu Âu để ý tới. Tuy vậy, các quan điểm chỉ trích hầu hết đều nhắm vào các nhà sản xuất ở Mỹ hơn là những nhà buôn tại châu Âu.

“Trong bối cảnh địa chính trị ngày nay, có hai kiểu quốc gia đang hỗ trợ Ukraine, những người đang trả giá đắt và những người đang bán với giá rất cao”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với một nhóm các nhà công nghiệp hồi tuần trước.

“Mỹ là nhà sản xuất khí đốt giá rẻ, và họ đang bán cho chúng tôi với giá cao … Tôi không nghĩ hành động này là thân thiện”, ông Macron nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP).

Dường như ông Macron đã cố tình quên rằng người đang nắm nhiều hợp đồng LNG dài hạn với Mỹ nhất tại châu Âu chính là TotalEnergies của Pháp.

Trong kỳ báo cáo thu nhập mới nhất, Giám đốc tài chính của Total, ông Jean-Pierre Sbraire đã tuyên bố việc công ty tiếp cận được hơn 10 triệu tấn LNG của Mỹ một năm “là một lợi thế rất lớn, giúp công ty ăn chênh lệch giá giữa Mỹ và châu Âu”.

“Với giá LNG như hiện nay, mỗi lô hàng mang lại khoảng 80 đến 100 triệu USD. Vì vậy, việc chúng tôi điều chỉnh các tuyến vận tải hoặc kinh doanh chênh lệch giá giữa các thị trường khác nhau sẽ là một cách rất tốt để tối đa lợi ích”, ông Sbaire nói thêm. “Việc có thể tạo ra dòng tiền ở mức độ này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho công ty”

Naturgy của Tây Ban Nha đang có khoảng 5 triệu tấn LNG từ Cheniere theo hợp đồng dài hạn. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của Naturgy trong nửa đầu năm 2022 cao gấp 5 lần cùng kỳ 2021 do “sự chênh lệch giữa [Henry Hub] và TTF”.

Các hợp đồng dài hạn với Mỹ không phải lúc nào cũng đem lại nhiều lợi nhuận. Trên thực tế, từ năm 2016 đến ít nhất là 2018, hầu hết người mua đều thua lỗ với các giao dịch giá cố định. Một số đã phải chuyển nhượng các hợp đồng dài hạn trên.

Ví dụ, vào năm 2019, Iberdrola của Tây Ban Nha đã bán hợp đồng với Cheniere trong 20 năm cho thương nhân châu Á là Pavilion Energy.

Tại Anh, vào năm 2020, Centrica đã cố gắng nhưng cuối cùng thất bại trong việc bán bớt danh mục đầu tư LNG của mình, bao gồm cả một hợp đồng 20 năm với Cheniere. Lệnh phong tỏa phòng dịch COVID vào năm 2020 đã khiến giá khí đốt xuống thấp kỷ lục.

Giờ đây, khi giá tăng trở lại, Centrica đang gặt hái lợi ích, và háo hức ký thêm nhiều hợp đồng dài hạn. Công ty này đã tham gia vào một thỏa thuận cung ứng khí đốt 15 năm với nhà xuất khẩu Delfin của Mỹ, bắt đầu từ năm 2026.

“[Kinh doanh khí đốt] thực sự là một dòng lợi nhuận quan trọng với chúng tôi”, Giám đốc tài chính của Centrica, ông Chris O’Shea nói với các nhà đầu tư.

Một số nhà sản xuất tại Trung Đông ngăn không cho các lô LNG đến châu Á được bán lại với giá cao hơn. Tuy vậy, LNG của Mỹ chuyển quyền sở hữu từ người bán sang người mua ngay khi chúng được chất lên tàu, và không có ràng buộc đi kèm.

Bởi vậy, nhà buôn năng lượng có thể tự do chuyển hướng nguồn LNG của Mỹ tới bất cứ đâu có lợi nhất. Đôi khi những nhà buôn này sẵn sàng phá vỡ các cam kết giao hàng, chấp nhận bồi thường, để thu nhiều lợi nhuận nhất.

“Chúng tôi chỉ có thể kiểm soát những gì mình có thể kiểm soát”, ông Grindal, lãnh đạo công ty khí đốt Cheniere Energy của Mỹ, nói. “LNG của Mỹ không có điểm đến cuối cùng”.

Minh Quang