|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một cuộc đua trợ cấp manh nha xuất hiện giữa Mỹ và châu Âu

16:50 | 23/11/2022
Chia sẻ
Liên minh châu Âu (EU) đang trong tình trạng nguy cấp và sẵn sàng tăng cường trợ cấp cho doanh nghiệp để ngăn cản ngành công nghiệp châu Âu bị xoá sổ bởi các đối thủ Mỹ, hai quan chức cấp cao của EU chia sẻ với Politico.

"Thách thức sống còn"

Hiện tại, châu Âu đang phải đối mặt với cú sốc kép. Do cuộc chiến của Nga tại Ukraine, doanh nghiệp tại lục địa già đang rất chật vật khi giá năng lượng leo thang và nhiều khả năng trong dài hạn sẽ duy trì ở mức cao hơn so với tại Mỹ.

Gần đây, trong khuôn khổ Đạo luật Giảm Lạm phát, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã triển khai gói trợ cấp trị giá 369 tỷ USD để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh. Sức cạnh tranh của các công ty châu Âu lại càng đi xuống.

Các quan chức EU lo ngại rằng doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực lớn, khó cưỡng lại việc chuyển các khoản đầu tư mới sang Mỹ thay vì châu Âu.

Chia sẻ với Politico, ông Thierry Breton, uỷ viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU, cảnh báo rằng gói trợ cấp mới của ông Biden đang đặt ra một “thách thức sống còn” đối với nền kinh châu Âu.

Uỷ ban châu Âu (EC) cùng các nước lớn trong khối kinh tế chung như Pháp và Đức nhận ra rằng họ cần phải hành động nhanh chóng nếu muốn ngăn lục địa già biến thành một vùng công nghiệp đổ nát.

Theo hai quan chức cấp cao nói trên, EU hiện đang xúc tiến một kế hoạch khẩn cấp nhằm rót tiền vào các ngành công nghiệp cao quan trọng. Brussels dự định sẽ thành lập một quỹ chung - với tên gọi European Sovereignty Fund - để chống lại gói trợ cấp của Mỹ.

Quỹ trên được Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đề cập trong một bài phát biểu hồi tháng 9, mục đích là để giúp doanh nghiệp đầu tư vào châu Âu và hoàn thành các tiêu chuẩn môi trường đầy tham vọng của chính phủ quốc tế.

Các quan chức cấp cao nhấn mạnh rằng EU phải hành động gấp rút bởi nhiều doanh nghiệp đã và đang trong quá trình cân nhắc địa điểm để xây dựng nhà máy mới, từ cơ sở sản xuất pin, xe điện đến turbin gió và vi mạch.

Một lý do khác khiến Brussels phải phản ứng nhanh chóng là để các nước thành viên trong khối không vung tiền trợ cấp một cách riêng lẻ. Phản ứng hỗn loạn với cuộc khủng hoảng giá khí đốt vẫn là một điểm nhức nhối của EU.

Sau khi Nga khai chiến với Ukraine, giá khí đốt tại châu Âu đã leo vọt lên mức kỷ lục. Các nước trong khối đã phản ứng bằng đủ loại biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước - nhưng lại đe doạ làm suy yếu thị trường thống nhất của EU.

Giữa Mỹ và EU có thể xảy ra một cuộc đua trợ cấp công nghiệp. (Ảnh minh hoạ: iStock).

Ông Breton là một trong những quan chức đặc biệt gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro mới của nền kinh tế châu Âu, Politico cho hay.

Tại cuộc họp cùng lãnh đạo các ngành công nghiệp EU đầu tuần này, ông đã đề cập đến “thách thức sống còn” mà Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ gây ra. Vị uỷ viên nói vấn đề cấp bách nhất bây giờ là phải “đảo ngược quá trình phi công nghiệp hoá đang diễn ra”.

Bình luận của ông Breton tương đồng với lời cảnh báo từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp châu Âu, về một cơn bão lớn đang hình thành và gây hại cho các nhà sản xuất trong khu vực.

Ông Fredrik Persson - Chủ tịch của BusinessEurope, tổ chức vận động hành lang cho lĩnh vực công nghiệp châu Âu - từng bày tỏ: “[Sự sa sút của các doanh nghiệp sản xuất châu Âu] giống như việc chết đuối. Nó diễn ra một cách thầm lặng”.

Giải pháp khả thi nhất

Theo Politico, Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ là một rào cản lớn đối với các nước sản xuất ô tô lớn của EU, chẳng hạn như Pháp và Đức, vì Washington đang thông qua đạo luật này để khuyến khích người tiêu dùng “mua hàng Mỹ”.

Brussels và các nước thành viên EU cho rằng gói trợ cấp mới của Mỹ đang làm suy yếu hoạt động thương mại tự do toàn cầu. Brussels muốn đạt được một thoả thuận mà doanh nghiệp châu Âu có thể được hưởng các lợi ích tương tự như tại Mỹ.

Mỹ và EU nhiều khả năng sẽ không thể tìm ra giải pháp thông qua con đường ngoại giao và Brussels cũng muốn tránh một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Do đó, một cuộc đua trợ cấp rất có thể sẽ xảy ra giữa hai bên.

Để làm được điều đó, khối kinh tế chung cần phải nhận được sự hỗ trợ của Đức cũng như từ các uỷ viên có quan điểm cởi mở về kinh tế như uỷ viên thương mại Valdis Dombrovskis và uỷ viên cạnh tranh Margrethe Vestager.

Các bộ trưởng thương mại EU sẽ nhóm họp vào ngày 25/11. Tại cuộc gặp này, Brussels hy vọng có thể nhận được thông điệp rõ ràng hơn từ Berlin. Lâu nay, Đức không ủng hộ chính sách trợ cấp.

Trong khi đó, Pháp từ lâu đã kêu gọi thực hiện một cuộc phản công chống lại Washington bằng cách dùng nguồn ngân sách nhà nước để giúp đỡ các ngành công nghiệp tại châu Âu. Ý tưởng của Pháp đang dần được Berlin quan tâm.

Hôm 22/11, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck và người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire đã đưa ra một tuyên bố chung.

Hai ông kêu gọi triển khai một “chính sách công nghiệp chung cho EU để giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là thông qua sự dẫn đầu về công nghệ”.

Tuyên bố cũng nói thêm rằng hai vị quan chức “muốn xúc tiến một chiến lược chung châu Âu để đối trọng với những chính sách như Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ”.

 

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.