|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thời thế thay đổi, giúp Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau hơn

06:36 | 23/11/2022
Chia sẻ
Bản đồ kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine cùng quan hệ rạn nứt giữa phương Tây và Trung Quốc đang kéo Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau hơn.

Thương mại khắng khít

Nền kinh tế Mỹ vẫn còn động lực tăng trưởng bất chấp chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Năm nay, Mỹ dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 4.000 tỷ USD hàng hoá và dịch vụ, cao hơn 33% so với năm 2019, theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế.

Đáng chú ý là Mỹ đang nhập khẩu nhiều hàng hoá từ châu Âu hơn là từ Trung Quốc, đánh dấu một sự thay đổi lớn so với những năm 2010 khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Từ đồng hồ Thuỵ Sỹ, máy móc công nghiệp của Đức cho đến các mặt hàng xa xỉ của Italy, tiền và hàng hoá đang luân phiên chảy qua hai bờ Đại Tây Dương. Xu hướng này hiện diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Sức mua của Mỹ đang giúp đỡ cho các nhà sản xuất châu Âu, trong lúc họ phải vật lộn với giá năng lượng phi mã, lãi suất tăng cao và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng đến gần.

Cũng nhờ đó, các cảng ở bờ Đông nước Mỹ đang tấp nập tàu thuyền hơn so với ở bờ Tây, cho thấy một chuyển biến lớn sau nhiều năm Mỹ xoay trục sang châu Á, công ty phân tích chuỗi cung ứng Project44 ghi nhận.

Thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu đang bùng nổ hơn bao giờ hết. (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Chẳng hạn, chỉ riêng trong tháng 9, xuất khẩu của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - sang Mỹ đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng euro yếu đang giúp doanh nghiệp tại lục địa già có thêm lợi thế ở thị trường rộng lớn của Mỹ.

Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của các công ty kỹ thuật cơ khí Đức sang Mỹ tăng khoảng 20% so với một năm trước, lên 18 tỷ euro, theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí Đức (VDMA).

 

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của ngành cơ khí sang Trung Quốc - một đối tác thương mại lớn của Đức trong nhiều năm qua - lại giảm 3% trong cùng giai đoạn, xuống còn 14 tỷ euro, VDMA chỉ ra.

Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Ralph Wiechers - kinh tế trưởng của VDMA, bày tỏ: “Thị trường Trung Quốc thì ngày càng có nhiều rào cản mới, trong khi thị trường Mỹ lại đang mở cửa”.

Cùng lúc, Mỹ đang trở thành một trong những nhà cung cấp năng lượng và vũ khí quân sự lớn nhất của châu Âu, thay thế Nga trong vai trò nhà cung cấp khí đốt tự nhiên và giúp lục địa già tăng cường khả năng phòng thủ.

Tính đến tháng 6 năm nay, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 57 tỷ mét khối khí đốt hoá lỏng (LNG) ra nước ngoài, trong đó 68% (tương đương khoảng 39 tỷ mét khối) là đến châu Âu, theo dữ liệu của Refinitiv.

Còn theo Wall Street Journal, chính phủ Đức hiện đang có kế hoạch mua thêm 35 máy bay chiến đấu phản lực F-35 của Mỹ. Đây là loại do nhà sản xuất quốc phòng Lockheed Martin chế tạo.

 

 

Số liệu của Liên minh châu Âu (EU) cũng cho thấy, xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sang khối kinh tế chung đã đi lên, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021 lên 305 tỷ euro (tương đương 315 tỷ USD).

Du khách Mỹ cũng đang đổ xô sang châu Âu, tận dụng lợi thế của đồng USD mạnh. Tổ chức Du lịch Thế giới cho biết trong 7 tháng đầu năm nay, châu Âu đã đón lượng khách quốc tế cao gấp ba lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách Mỹ.

Tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp - hiện đang quản lý các thương hiệu như Gucci và Yves Saint Laurent - tháng trước cho biết doanh số bán hàng của họ ở Tây Âu đã nhảy vọt 74% trong quý III, nhờ khách du lịch Mỹ đến thăm các thành phố trong khu vực.

Châu Âu rót thêm vốn vào Mỹ

Ở diễn biến khác, các công ty vừa và nhỏ của châu Âu, đặc biệt là Đức, đang đa dạng hoá các khoản đầu tư khỏi thị trường Trung Quốc, theo hãng tư vấn Rhodium Group.

Trong vài năm qua, khi hoạt động tại đất nước tỷ dân, các doanh nghiệp châu Âu đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn, chi phí lao động gia tăng và các quy định chống COVID phức tạp.

Theo báo cáo vào cuối tháng 10 của OECD, vốn FDI vào Mỹ trong quý II năm nay đạt 74 tỷ USD - cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào và dĩ nhiên hơn con số 46 tỷ USD của Trung Quốc.

 

Một báo cáo khác do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tháng 7 cho thấy, vốn FDI của châu Âu vào Mỹ đã tăng 13,5% trong năm 2021 lên khoảng 3.200 tỷ USD. Vốn FDI của Mỹ vào châu Âu tăng 10% lên 4.000 tỷ USD. Cả hai đều cao hơn các khoản đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dòng vốn đầu tư từ châu Âu sang Mỹ khởi sắc một phần là do người châu Âu đang lo ngại về triển vọng kinh tế của họ. Tập đoàn hoá chất Lanxess của Đức và gã khổng lồ năng lượng Iberdrola của Tây Ban Nha đều đang nhắm đến Mỹ.

Ông Ignacio Galán, Chủ tịch của Iberdrola, cho hay: “Ở thời điểm hiện tại, cơ hội ở thị trường Mỹ là rất lớn. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang đi đầu toàn cầu trong việc tạo lập một môi trường hấp dẫn để đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Trao đổi với Wall Street Journal, bà Margrethe Vestager - Phó Chủ tịch điều hành của Uỷ ban châu Âu (EC) - nhận xét: “Quan hệ giữa châu Âu và Mỹ hiện giờ mạnh mẽ hơn so với trước. Bạn có thể thấy điều này trong những con số”.

Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bừng tỉnh là một phần của quá trình tổ chức lại nền kinh tế toàn cầu dọc theo các tuyến Đông - Tây.

Việc Nga cắt nguồn cung khí đốt của châu Âu và nỗi lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc đã thay đổi cách thức kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Bà Vestager nhấn mạnh: “Quan hệ Mỹ - châu Âu là sự phụ thuộc theo hai chiều”.

Vẫn còn trắc trở

Dù vậy, mối quan hệ hợp tác giữa châu Âu và nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là không có xích mích, Wall Street Journal lưu ý.

Lạm phát, nguy cơ suy thoái và nỗ lực giảm bớt tình trạng phụ thuộc kinh tế của phương Tây vào Trung Quốc đã dẫn đến một số chính sách bảo hộ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

Chương trình ưu đãi thuế mới của Mỹ dành cho lĩnh vực xe điện đã khiến EU và các đồng minh khác của Washington phản ứng. Mục đích của chương trình là hạn chế sự phuộc vào nguồn cung pin của Trung Quốc khi giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong một văn bản gửi lên Bộ Tài chính Mỹ, EU cho rằng các biện pháp khuyến khích của Washington đang “thúc đẩy sự cạnh tranh có hại về đầu vào linh kiện, ngay tại thời điểm hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để củng cố chuỗi cung ứng”.

Trong khi chính phủ châu Âu phản đối, nhiều doanh nghiệp trong khu vực, từ các nhà sản xuất tấm pin mặt trời đến các công ty chế tạo pin, lại đang gấp rút tận dụng chính sách trợ cấp của Mỹ.

Tuần trước, tập đoàn năng lượng khổng lồ Enel SpA của Italy thông báo họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Mỹ. Đây là dự án có thể tiêu tốn tới 1 tỷ USD, theo ước tính của Wall Street Journal.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng bên cạnh một máy bay phản lực do Mỹ sản xuất. Để nâng cao năng lực quốc phòng, châu Âu đang tăng cường mua vũ khí của Mỹ. (Ảnh: AP). 

Hồi tháng 10, Mỹ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc mà không có sự tham gia của các đồng minh châu Âu và châu Á.

Giờ đây, chính quyền ông Biden đang đàm phán với chính phủ Hà Lan và Nhật Bản để giải quyết tác động của chính sách này đối với các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn của hai nước.

Mỹ và EU cũng đang phải đương đầu với một nhiệm vụ to lớn là điều phối hàng chục tỷ USD trợ cấp thông qua các chương trình tương ứng để hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Bà Vestager, Phó Chủ tịch EC, cho rằng cả hai đều “có ý thức đổi mới mô hình kinh tế”. Bà gợi ý rằng hai bên nên làm việc cùng nhau để thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho các công nghệ mới, từ đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hai khu vực.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.