|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu khủng hoảng năng lượng có khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc?

10:28 | 28/10/2022
Chia sẻ
Một số nhà phân tích nói rằng khủng hoảng năng lượng và triển vọng kinh tế xấu đi có thể buộc châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

 

Châu Âu cần những vật liệu thiết yếu từ Trung Quốc để phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, ví dụ như tấm pin năng lượng mặt trời. (Hình minh họa: Perry Tse). 

Hiệp sĩ cứu nguy?

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu dần trở nên nghiêm trọng hơn, ngày càng nhiều chuyên gia Trung Quốc gợi ý rằng nước này có thể trở thành "hiệp sĩ" giải cứu lục địa già.

Suy nghĩ này bắt nguồn từ vị thế “công xưởng thế giới” của Trung Quốc. Nhiều nhà máy ở các tỉnh ven biển phía đông đang tăng cường sản xuất chăn điện, máy sưởi và tấm pin mặt trời sau khi các đơn đặt hàng từ châu Âu đến dồn dập.

Động thái từ các doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc càng củng cố cách nghĩ trên. Nhiều công ty đang bán lại khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dư thừa có được từ các hợp đồng dài hạn cho các quốc gia châu Âu.

Không ít công ty có mức sử dụng năng lượng lớn ở châu Âu đang phải cắt giảm hoặc ngừng sản xuất do giá năng lượng phi mã. Trong bối cảnh này, lễ khánh thành tại nhà máy quan trọng của tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF (Đức) ở tỉnh Quảng Đông càng khiến cuộc thảo luận trở nên sôi nổi.

Các nước châu Âu đã mất dần thiện cảm với Bắc Kinh sau khi Nga tấn công Ukraine và các chính trị gia trong khu vực đang kêu gọi chính phủ giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng khủng hoảng năng lượng và triển vọng kinh tế xấu đi có thể buộc các nước châu Âu dựa dẫm thêm vào Trung Quốc.

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nói rằng việc các công ty châu Âu tăng cường đầu tư vào Trung Quốc dường như là điều không thể tránh khỏi “do chi phí sản xuất trong nước bị đẩy lên cao”.

Ông nói thêm: “Thiếu hụt năng lượng không phải vấn đề ngắn hạn, mà là tình huống kéo dài. Do đó các ngành thâm dụng năng lượng ở châu Âu có thể sẽ đánh mất sức cạnh tranh và phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Ít nhất thì nền kinh tế châu Âu sẽ càng khó tách rời với Trung Quốc”.

Nhưng những người khác thì nói rằng khủng hoảng năng lượng khó có thể tạo ra thay đổi lâu dài đến quỹ đạo mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Nguyên do là Trung Quốc cũng phụ thuộc nặng nề vào năng lượng nhập khẩu. Thêm nữa, hai cuộc khủng hoảng từ mùa thu năm ngoái đã làm lộ ra điểm yếu của lưới điện tại Trung Quốc, đồng thời đe dọa vị thế trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới của nước này.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, nhận xét: “Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cũng tương tự như khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc.

Do đó không doanh nghiệp châu Âu nào lại chuyển sang Trung Quốc vì vấn đề năng lượng. Nếu vậy thì tất cả bọn họ đều có thể cân nhắc sang Mỹ, bởi Mỹ có nhiều khí đốt, dầu mỏ và giá cả rất cạnh tranh”.

Phụ thuộc lẫn nhau

Dự kiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Trung Quốc vào tháng tới.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Scholz kể từ khi ông nhậm chức và cũng là lần đầu tiên của Tổng thống Macron kể từ đầu đại dịch, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.

Các nhà quan sát đang chờ đợi xem mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu sẽ tiếp diễn ra sao. Liệu hai bên sẽ phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn như xu hướng của vài thập kỷ qua hay trở nên xa cách giống như mối quan hệ Mỹ-Trung?

Ông Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu ở miền nam Trung Quốc, nói rằng châu Âu cần Trung Quốc và Trung Quốc cần châu Âu.

Vị quan chức bày tỏ: “Châu Âu là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc. Mặt khác, doanh nghiệp châu Âu nắm giữ rất nhiều tri thức và kinh nghiệm trong những công nghệ mới và công nghệ cao, và đó là thứ Trung Quốc cần”.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng của Natixis tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng ý rằng châu Âu phụ thuộc vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực chiến lược. Châu Âu cần những vật liệu “thiết yếu” cho cuộc chuyển đổi xanh, ví dụ như tấm pin năng lượng mặt trời, tua-bin gió và kim loại đất hiếm đã qua xử lý.

 

 

 

Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng hóa nhập khẩu lớn nhất cho EU vào năm ngoái, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của châu Âu. Ông Wuttke nhận định điều này cho thấy Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường châu Âu nhiều hơn hẳn chiều ngược lại.

Ông nói: “Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc gửi hơn 4 triệu container 40-foot sang châu Âu. Trong khi đó, châu Âu chỉ xuất khẩu 1 triệu container 40 foot. Tỷ lệ thương mại hàng hóa là 4:1. Người tiêu dùng châu Âu đang tạo việc làm cho 16 triệu lao động Trung Quốc”.

"Bớt ngây thơ"

Ông Wuttke cho biết việc các nhà đầu tư châu Âu trở nên cẩn trọng hơn hoặc đa dạng hóa khỏi Trung Quốc chủ yếu là do tình hình của nước này.

Ông nói: “Các doanh nghiệp châu Âu nhìn vào dữ liệu và thấy nền kinh tế Trung Quốc đang sa sút. Không một doanh nghiệp nào cân nhắc lại việc đầu tư vào Trung Quốc chỉ vì các chính trị gia tại quê nhà châu Âu – chính trị không có chút tác động nào”.

Theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á của ADB hồi tháng 9, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, thấp hơn tốc độ của các nước đang phát triển khác tại châu Á là 5,3%. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng của Trung Quốc tụt lại sau nhóm các nước này.

Ông Wuttke nói rằng kinh tế là nguyên nhân các doanh nghiệp châu Âu quan tâm hơn tới việc đầu tư vào phần còn lại của châu Á.

Theo nghiên cứu của Rhodium Group, các công ty lớn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các khoản đầu tư từ châu Âu vào Trung Quốc. Song, trong những năm gần đây, “không có công ty châu Âu mới nào” quyết định nhảy vào thị trường tỷ dân.

Ông Wuttke giải thích: “Những công ty lớn không có lựa chọn nào khác ngoài Trung Quốc. Những công ty này chủ yếu hoạt động trong ngành ô tô, hóa chất, máy móc, và đa phần đến từ Đức. Nhưng những doanh nghiệp khác đang tìm kiếm giải pháp thay thế. Ngày nay các giám đốc dễ bay sang Đông Nam Á hay Ấn Độ hơn nhiều so với Trung Quốc”.

 

Ông Nick Marro, chuyên gia thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho biết các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang thức tỉnh, họ dần nhận ra mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp châu Âu vào nhu cầu của Trung Quốc. Giới doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực gia tăng từ cả phía chính trị gia lẫn các nhóm xã hội dân sự để giảm bớt sự phụ thuộc đó.

Ông nhận xét: “Điều quan trọng là áp lực không chỉ đến từ việc Mỹ kêu gọi EU nghĩ lại về mối quan hệ với Trung Quốc. Việc Nga vũ khí hóa năng lượng rất có thể đã khiến nhiều chính phủ châu Âu lo sợ về khả năng môi trường địa chính trị thay đổi nhanh chóng và tạo ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng”.

Ông Francois Chimits, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator nói rằng một câu hỏi quan trọng cho quan hệ kinh tế tương lai Trung-Âu là tác động chính trị có thể thay đổi động lực kinh tế nhiều đến mức nào.

Ông nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu muốn mối tương tác kinh tế với Trung Quốc “bớt ngây thơ đi”. Nhưng ông khẳng định: “Đây không phải là sự tách rời giữa hai nền kinh tế mà là sự điều chỉnh giữa cách hai bên hợp tác”.

Giang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.