|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hoá đơn khí đốt phình to, ngành công nghiệp thời trang châu Âu bị xé toạc

22:35 | 19/10/2022
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại đã khiến nhiều nhà máy thép và lò luyện nhôm trên khắp châu Âu phải đóng cửa. Giờ đây, thiệt hại đã bắt đầu lan sang ngành công nghiệp thời trang của lục địa già.

“Con quái vật chực nuốt chửng mọi thứ”

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại đã khiến nhiều nhà máy thép và lò luyện nhôm trên khắp châu Âu phải đóng cửa. Giờ đây, thiệt hại đã bắt đầu lan sang ngành công nghiệp thời trang của lục địa già. 

Hàng nghìn nhà máy và xưởng gia công nhỏ chuyên cung ứng hàng cho các thương hiệu như Gucci và H&M đã suy sụp khi giá điện và khí đốt tự nhiên nhảy vọt sau khi Nga tấn công Ukraine và cắt đứt dòng chảy khí đốt sang châu Âu.

Theo Wall Street Journal, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gần 10 lần trong một năm qua và đạt đỉnh vào tháng 8 - ngay tại thời điểm các nhà xưởng tăng cường công suất để kịp hoàn thành các bộ sưu tập đã được đặt từ đầu năm.

Chi phí năng lượng của nhiều nhà máy dệt may đã tăng từ khoảng 5% chi phí sản xuất lên tầm 25%. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp do đó sụt giảm đáng kể, dữ liệu từ tập đoàn thương mại Euratex cho thấy.

 

Chia sẻ với Wall Street Journal, một số chủ nhà máy dệt may cho biết vì giá năng lượng quá cao, nhiều nhà cung ứng điện lo ngại sẽ không được thanh toán đúng hạn. Họ yêu cầu các công ty dệt may phải có bảo lãnh của ngân hàng hoặc trả tiền trước.

Fabio Reali - chủ một nhà máy nhuộm ở Prato (Italy), cho biết giá khí đốt đã từ “một trong hàng nghìn chi phí kinh doanh” mà ông hầu như không quan tâm trở thành “một con quái vật đang chực nuốt chửng mọi thứ”.

Ông Reali đã triệu tập một cuộc họp khẩn cùng các trưởng bộ phận, báo rằng vài tuần tới sẽ là thời điểm quyết định. Việc đun nóng các bồn nước lớn để nhuộm vải đã trở nên cực kỳ đắt đỏ, đến mức công ty chỉ có thể gồng lỗ thêm 2 - 3 tháng nữa trước khi đóng cửa.

Alberto Paccanelli - hiện đang điều hành một nhà máy ở Italy (nhà sản xuất hàng dệt may lớn nhất châu Âu), đã vô cùng sửng sốt khi hoá đơn khí đốt tháng 7 leo vọt lên 660.000 euro (tương đương 650.000 USD), từ mức 90.000 euro một năm trước đó.

Vị giám đốc cảnh báo: “Những gì đang xảy ra [cuộc khủng hoảng giá năng lượng] có thể khiến toàn bộ ngành công nghiệp may mặc của châu Âu đi vào ngõ cụt”.

Hiện tại, cả chuỗi cung ứng - từ những nhà máy kéo sợi đến xưởng dệt, từ các cơ sở nhuộm vải đến nhà máy sấy quy mô công nghiệp, đều đang căng mình chống đỡ thiệt hại, tờ Wall Street Journal đánh giá.

Các chuyên gia trong ngành nói rất khó để các nhà máy dệt may đẩy chi phí tăng thêm cho khách hàng. Rất nhiều công ty bắt buộc phải giao hàng theo mức giá đã được thoả thuận từ nhiều tháng trước.

Chưa kể, giá bán cao hơn có thể thúc đẩy nhiều hãng bán lẻ thời trang chuyển hoạt động ra khỏi châu Âu, đến những nơi có giá năng lượng thấp hơn. 1,3 triệu việc làm trong ngành may mặc của Liên minh châu Âu (EU) vì thế có thể lâm nguy.

Theo các nhà cung ứng, thay vì phải gánh thêm chi phí ở các nước như Italy, một số thương hiệu đã chuyển sản xuất sang các nước khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ. Đến nay, Nga vẫn cung ứng dầu và khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Enrico Gatti - chủ công ty chuyên sản xuất len cho Zara và H&M, nói số lượng đơn đặt hàng trong năm nay của nhiều xưởng xung quanh thị trấn Prato đã giảm 50%.

Phát ngôn viên của H&M cho biết công ty đang “không ngừng xây dựng mạng lưới nhà cung ứng để giảm bớt thiệt hại khi giá năng lượng, nguyên liệu thô, chi phí vận chuyển... tăng nóng”.

Nhiều cơ sở sản xuất hàng dệt may tại châu Âu đang thiếu tiền mặt trầm trọng. (Ảnh: WSJ).

Chênh lệch giàu nghèo

Hồi đầu tuần này, Uỷ ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU, vừa công bố các đề xuất mới nhằm tìm cách áp đặt giới hạn khẩn cấp đối với giá khí đốt tự nhiên trên sàn giao dịch thương mại chính của khối.

Ở diễn biến khác, Italy và một số quốc gia Nam Âu khác đã đề nghị EU giới hạn giá khí đốt bán buôn ở tất cả các nước thành viên. Tuy nhiên, đề xuất này hiện đang vấp phải sự phản đối của Đức và Hà Lan.

Nhìn chung, những khó khăn của ngành công nghiệp dệt may đang làm lộ ra sự chia rẽ giữa các nước châu Âu: một bên là những nước có khả năng chống chọi với cú sốc giá và một bên là những nước không đủ khả năng để bảo vệ doanh nghiệp.

Theo Wall Street Journal, Đức đã công bố các biện pháp cứu trợ năng lượng trị giá gần 300 tỷ euro, bao gồm phương án giới hạn giá khí đốt và điện. Pháp có kế hoạch chi 100 tỷ euro cho các biện pháp chống khủng hoảng của riêng mình.

Song, Italy lại không có tiềm lực tài chính để tung ra các chính sách tương tự. Nước này đang rất nặng gánh nợ nần với nợ công tương đương 150% GDP. Thủ tướng sắp nhậm chức - ông Giorgia Meloni, đã tuyên bố sẽ thắt chặt chi tiêu công.

Tính đến cuối tháng 9, Italy đã phân bổ khoảng 59 tỷ euro - tương đương 3,3% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng, theo viện chính sách Bruegel.

Ông Jean-François Pierre Gribomont - Chủ tịch của hãng dệt may Utexbel, cho rằng sự khác biệt trong chi tiêu của các nước thành viên đang làm suy yếu thị trường hàng hoá chung của EU.

Nhà máy dệt của ông Gribomont ở Bỉ phải trả 193 euro/MWh điện năng - gấp đôi mức cùng kỳ năm trước. Tại Pháp, nhờ trợ cấp của chính phủ, cơ sở khác của Utexbel chỉ phải trả 123 euro/MWh - tăng khoảng 50% so với một năm trước.

Ông đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta phải duy trì EU nếu mọi quốc gia có thể tự do làm những gì họ muốn?”

Tương tự, ông Michael Engelhardt - thành viên cấp cao tại hiệp hội thương mại Textil+Mode, dự đoán các công ty dệt may và thời trang của Đức có thể sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các trợ cấp của chính phủ hơn so với các công ty cùng ngành ở các nước châu Âu khác.

“Nếu bạn thắc mắc ai chi đậm nhất, thì câu trả lời luôn luôn là Đức”, ông Engelhardt chia sẻ với Wall Street Journal.

Khả Nhân

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.