|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

EU sắp bỏ lỡ một cơ hội khác để vá lỗ hổng trong liên minh

08:06 | 18/10/2022
Chia sẻ
Các nước EU từng nhiều lần phối hợp không ăn ý với nhau. Để đối phó với việc Nga cắt nguồn cung khí đốt, lần này khối kinh tế chung cần đoàn kết hơn bao giờ hết.

 

Một đoạn đường ống dẫn khí đốt của châu Âu. (Ảnh: Getty Images).

Kể từ sau khi tấn công Ukraine, Nga đã cố gắng sử dụng xuất khẩu khí đốt tự nhiên như một vũ khí địa chính trị nhằm gây áp lực lên châu Âu. Nỗ lực của Moscow đã đặt ra cho lục địa già một thách thức mới.

Đó là khi đối mặt với một mối đe doạ rõ ràng như vậy, liệu các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) có thể đoàn kết để cùng nhau đương đầu kẻ thù hay không, tờ Bloomberg diễn giải.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách có thể đang hợp lực để thúc đẩy một kế hoạch mà họ coi là phù hợp để chống lại Nga.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng EU nên tham vọng hơn. Khối kinh tế chung cần một giải pháp lâu dài để chấm dứt những màn phối hợp vụng về và thất bại giữa các nước thành viên trong nhiều năm qua.

Kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, đây là lần gần nhất EU có một cơ hội đáng giá để chứng tỏ sự gắn kết của khối này.

Động thái cắt nguồn cung khí đốt của Moscow là một cú sốc từ bên ngoài điển hình, có thể tác động đến nhiều quốc gia tuỳ theo mức độ phụ thuộc của mỗi nước vào nguồn năng lượng của Nga. Trong đó, Đức và Italy chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Để giảm bớt tác động kinh tế khi giá khí đốt tăng nóng, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương vượt qua mùa đông cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác, EU đã phải tăng cường chi tiêu công với quy mô hàng trăm tỷ euro.

 

Trong một liên minh, cả khối thường sẽ tự động phản ứng với khó khăn bằng các gói chi tiêu tài khoá. Hỗ trợ sẽ ngay lập tức đổ về các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ban đầu có thể thông qua viện trợ trực tiếp và sau đó là cắt giảm thuế thu nhập,...

Ở EU thì không. Tương tự trong các cuộc khủng hoảng khác, 27 nước thành viên của EU lại phải chật vật để tìm ra một phản ứng chung cho cú sốc thiếu khí đốt. Các nước bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề, từ tình hình chính trị trong nước đến cơ sở hạ tầng năng lượng.

Một số quốc gia bao gồm Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã thúc đẩy đề xuất áp giá trần với hy vọng sẽ giảm bớt chi phí nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của họ, Bloomberg thông tin.

Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, đã đơn phương công bố một chương trình trị giá 200 tỷ euro (tương đương 195 tỷ USD) để xoa dịu tác động của giá khí đốt tới nền kinh tế.

Thị trường phản ứng với các động thái rối ren của các nước EU bằng cách kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Italy lên cao. Gánh nặng nợ nần của Italy, vốn đã lớn, lại càng thêm căng thẳng nếu phải gánh thêm các khoản chi tiêu bổ sung.

 

May mắn thay, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đang cố gắng hợp tác với nhau. Theo Bloomberg, Đức có thể sẵn sàng cung cấp các khoản vay đặc biệt cho chính phủ những nước đang gặp khó khăn, dĩ nhiên là bằng nguồn ngân sách chung của EU.

Điều đó có thể giúp giảm phần nào chi phí đi vay của các nước nặng nợ như Italy. Tuy nhiên, quy mô của các khoản cho vay nói trên sẽ không thể nào bì được quỹ phục hồi COVID mà EU từng triển khai hồi năm 2020.

Ngoài ra, các khoản cho vay đó cũng không giúp chia sẻ gánh nặng nợ nần giữa các thành viên EU, vốn là điều cần thiết để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài hơn của khối kinh tế chung này.

Các biện pháp nửa vời như vậy sẽ khiến khối khó mà ứng phó với những thách thức tiếp theo và dần dần sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ khác. Những nỗ lực nhằm chia sẻ gánh nặng nợ nần trong nội bộ EU đã vấp phải sự phản đối của hệ thống chính trị ở từng nước.

Ít nhất, EU nên thành lập một quỹ chung và duy trì trong dài hạn để cung cấp các khoản cho vay cũng như viện trợ cho các nước thành viên trong trường hợp khẩn cấp.

Đồng thời, EU nên vạch ra thủ tục rõ ràng về việc sử dụng quỹ, để các quốc gia thành viên không cần phải chật vật thương lượng kế hoạch mới mỗi khi khủng hoảng xảy ra.

Cuối cùng, EU còn cần một cơ quan điều hành tài khoá chung với nguồn thu riêng và khả năng chi tiêu khi cần thiết để giảm thiểu tác động của các cú sốc mới.

Nếu cả đại dịch và chiến sự không thể khiến EU xích lại gần nhau, thì khó có thể tưởng tượng ra kịch bản nào sẽ giúp các nước trong khối đoàn kết với nhau. Càng chờ đợi thì châu Âu càng dễ vụt mất cơ hội để đưa ra một phản ứng thống nhất.

Khả Nhân

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.