|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến năng lượng của ông Putin thử thách sự đoàn kết của châu Âu

16:20 | 18/10/2022
Chia sẻ
Các nước châu Âu đang bắt đầu chia rẽ về hướng xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng mà Nga khơi mào. Một số nước đề xuất thành lập hành lang giá khí đốt trên toàn khu vực, nhưng Đức được cho là sẽ phản đối kế hoạch này vì sợ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

 

Từ trái qua: cờ Đức, Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU). (Ảnh: Getty Images).

Cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine đang tạo ra tình huống “cực kỳ thách thức” với châu Âu, thử thách sự đoàn kết giữa các nước trong nỗ lực đối phó với hậu quả mà cuộc chiến gây ra.

Tác động của cuộc xung đột lên giá năng lượng đã lan ra khắp châu Âu. Đức đang chạy đua để lấp đầy các kho chứa khí đốt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khuyến khích người dân giảm 10% lượng khí đốt sử dụng trước mùa đông, và Italy đang tìm cách để giảm lượng khí đốt tiêu thụ xuống 7%.

Trao đổi với CNBC, ông Paolo Gentiloni, Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), cho hay: “Chúng tôi chưa bao giờ phải trải qua tình huống thách thức đến vậy. Tôi kêu gọi châu Âu cùng hiệp lực và đoàn kết. Bởi lẽ kinh nghiệm chúng ta có được từ cuộc khủng hoảng trước cho thấy cùng nhau hành động và phản ứng không những giúp các nước tránh khỏi cảnh chia rẽ mà còn tạo ra sức mạnh trong hành động”.

“Kinh nghiệm” mà ông Gentiloni nhắc đến là việc các nước châu Âu đã nhất trí thu mua vắc xin ngừa COVID và triển khai tiêm chủng trên diện rộng vào năm 2021.

Ông cũng đề cập đến một “công cụ chung” mà EU có thể sử dụng để giúp các nước thành viên đương đầu với khủng hoảng năng lượng.

Vị uỷ viên nhấn mạnh: “Tôi không kêu gọi triển khai thêm nợ chung, bởi chúng ta đã có khoản nợ chung rất lớn gọi là kế hoạch Next Generation EU. Tôi muốn kêu gọi mọi người xây dựng một công cụ chung dựa trên các khoản vay để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện thời”.

Nội bộ lục đục

Tuy nhiên, sự chia rẽ đã bắt đầu xuất hiện trong cách các nước xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng. Một nhóm các quốc gia bao gồm Ba Lan, Bỉ, Hy Lạp và Italy đang đề xuất “hành lang giá” khí đốt trên khắp châu Âu nhằm giải quyết tình trạng giá cả phi mã.

Bản phác thảo đề xuất viết rằng hành lang khí đốt “sẽ hoạt động như một thiết bị ngắt mạch và ngăn chặn những kẻ đầu cơ. Phương pháp này không nhằm mục đích cố tình giữ giá khí đốt ở mức thấp".

Song, các nước khác bao gồm Đức được cho là sẽ phản đối kế hoạch trên do sợ việc giới hạn giá sẽ gây tác động tiêu cực tới an ninh năng lượng. Một số nguồn tin nói đề xuất hành lang khí đốt đã được EU thảo luận vào ngày 7/10, nhưng chưa một chi tiết nào được công bố.

Trong khi đó, Đức đã thiết lập sẵn các biện pháp phòng vệ cho mùa đông. Hôm 30/9, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố gói trợ cấp năng lượng trị giá 200 tỷ euro (tương đương 193 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhưng việc Đức hành động đơn phương đã làm dấy lên sự ngờ vực về cam kết của nước này dành cho phản ứng thống nhất của toàn khối. Các chuyên gia lo rằng gói trợ cấp lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nước láng giềng của Đức.

Khi được hỏi liệu Đức có nên cam kết không tranh mua năng lượng trước các quốc gia châu Âu khác hay không, Ủy viên kinh tế Gentiloni đáp: “Đó sẽ là động thái tốt. Không chỉ Đức mà cả Italy và những nước khác đang tự thân tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế cho nguồn hàng từ Nga cũng nên đưa ra cam kết như vậy”.

Ông nhấn mạnh: “Tôi không có ý chỉ trích Đức. Nhưng tôi muốn EU có thêm hành động”.

Nhiều nhân vật tên tuổi khác thì thẳng thắn hơn trong việc bày tỏ sự chê trách đối với vai trò của Đức trong cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, bao gồm Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki.

ÔngMorawiecki nói với CNBC: “Khủng hoảng năng lượng là vấn đề chung. Chúng tôi không thể để cho đất nước giàu có và phát triển nhất châu Âu như Đức cản trở những gì đang diễn ra, cụ thể là đề xuất hành lang khí đốt. Chúng tôi không muốn bị phản bội bởi những quốc gia hành xử khác hoàn toàn với những gì họ vừa nói trước đó”.

Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Magdalena Rzeczkowska có cách tiếp cận hòa nhã hơn. Bà nói rằng tuy châu Âu nên cố gắng “tìm ra các giải pháp chung cho tất cả” để không làm “xáo trộn sân chơi bình đẳng ở châu Âu”, bà có thể hiểu tại sao các quốc gia lại đưa ra phương án riêng.

Bà nói: “Ba Lan cũng đang thực hiện các chương trình, các giải pháp của riêng mình, bởi chúng tôi không thể chờ thêm được nữa. Nhưng châu Âu cần phải mạnh mẽ và có cách tiếp cận phối hợp”.

Ông Pascal Donohoe, Chủ tịch nhóm Eurogroup cũng nói rằng ông thấu hiểu lý do tại sao các nước lại đang tự triển khai chính sách riêng thay vì chờ đợi cách tiếp cận chung được toàn châu Âu chấp nhận. Ông bình luận: “Mọi chính phủ đều đang xem xét những biện pháp thích hợp cho đất nước họ”.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ chối bình luận về khả năng thành công của kế hoạch của Đức bởi “chúng tôi chưa có thông tin chi tiết”.

Đức chưa công bố thông tin cụ thể, nhưng kế hoạch của Berlin được cho là sẽ kéo dài đến năm 2024, bao gồm cơ chế “hãm” giá điện và khí đốt và giảm thuế VAT dành cho khí đốt.  

Giang

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...