Viện trợ Ukraine gặp khó vì châu Âu lạm phát phi mã, Mỹ bầu cử giữa kỳ
Kể từ thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện một lập trường thống nhất chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo trang Al Jazeera, sự bắt đầu của mùa đông và đà tăng của lạm phát sẽ thử thách quyết tâm của châu Âu khi người dân ngày càng lo ngại về tác động của một cuộc chiến kéo dài.
Lâu nay, châu Âu vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, song “lục địa già” đang nỗ lực từ bỏ khí đốt của Nga và gấp rút tìm kiếm các giải pháp thay thế cũng như chiến lược tiết kiệm nhiên liệu.
Đức đã trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân tại nước này. Chính phủ Czech đổi bóng đèn cũ trong văn phòng sang các bóng LED tiết kiệm điện hơn. Italy khuyến cáo người dân điều chỉnh bảng điều khiển nhiệt độ xuống 19 độ C và nấu mì ống ở nhiệt độ thấp hơn.
Trong tháng 11, dự trữ khí đốt của châu Âu đã vượt mục tiêu lấp đầy ít nhất 80%. Dù vậy, những tháng lạnh giá sắp tới có thể là “bài kiểm tra” về sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine.
Lập trường của EU có lung lay?
Trả lời Al Jazeera, ông Rafael Loss, chuyên gia an ninh Liên minh châu Âu (EU) tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, lưu ý “lục địa già” vẫn cần đến nguồn cung khí đốt ổn định qua các đường ống bên dưới Ukraine.
Ông Loss nói: “Nếu nguồn cung gián đoạn, châu Âu có thể cần hạn chế tiêu thụ năng lượng, gây ảnh hưởng đáng kể đến các hộ gia đình lẫn doanh nghiệp”.
Các chuyên gia lưu ý mùa đông năm tới sẽ còn khó khăn hơn khi nguồn cung mới từ Bắc Mỹ, Vùng Vịnh và Na Uy khó có thể bù đắp hoàn toàn lượng nhập khẩu từ Nga.
Kể từ giữa tháng 10, Nga đã đổi chiến lược, với các cuộc tấn công làm hư hại 30% các cơ sở năng lượng của Ukraine. Theo ông Loss, nếu Nga thành công trong việc thúc đẩy bất ổn xã hội và khủng hoảng di cư, sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine có thể giảm dần.
Hồi tháng 9, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi đã cảnh báo: “Đà tăng của chi phí năng lượng đang đe dọa đà phục hồi kinh tế, hạn chế sức mua của các gia đình, gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp và có thể làm suy giảm cam kết của các nước châu Âu đối với Ukraine”.
Khi các chính phủ châu Âu cam kết viện trợ nhiều hơn về quân sự và tài chính cho Ukraine trong khi người dân cạn kiệt tiền tiết kiệm do chi phí sinh hoạt ngày càng cao, sự tức giận của dân chúng ngày càng tăng.
Trong tháng 10, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng euro lập kỷ lục 10,7%, tăng vọt so với mức 4,1% của cùng kỳ năm trước.
Trong những tuần qua, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra từ Pháp đến Romania, khi người lao động đòi tăng lương để ứng phó với lạm phát. Tại Đức, những người biểu tình đã kêu gọi chính phủ đảo ngược chính sách tài khóa khi việc chi trả hóa đơn nhiên liệu và thực phẩm trở nên quá sức đối với nhiều người.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa đến. Bà Capucine May, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu Verisk Maplecroft dự báo tình trạng bất ổn đang gia tăng tại 101 quốc gia, do đà tăng của chi phí sinh hoạt.
Niklas Balbon, một cộng sự nghiên cứu tại Viện Chính sách Công Toàn cầu (GPPi), cho biết, việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine có thể vấp phải sự phản đối của người dân.
Tác động từ bầu cử Mỹ
Các nhà phân tích cảnh báo kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vào tuần tới có thể phá vỡ sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev.
Cho đến nay, Mỹ đã hứa viện trợ quân sự 27,6 tỷ euro (27 tỷ USD) cho Ukraine, gấp hơn 4 lần cam kết hỗ trợ 6,76 tỷ USD của Anh, Đức và Ba Lan, ba nước cung cấp viện trợ lớn nhất sau Mỹ.
Bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế (IAI) có trụ sở tại Italy, cho rằng kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào ngày 8/11 có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của EU đối với Ukraine.
Trong khi cuộc đua vào Thượng viện đang diễn ra căng thẳng, đảng Cộng hòa có nhiều khả năng giành chiến thắng tại Hạ viện. Nếu kịch bản này xảy ra, đảng Cộng hòa sẽ có đủ phiếu để gây khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong việc thông qua viện trợ quân sự hoặc tài chính bổ sung cho Ukraine, khi Quốc hội phải thông qua ngân sách liên bang.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy, người có thể trở thành lãnh đạo Hạ viện Mỹ, đã gợi ý về khả năng thay đổi chính sách. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và họ sẽ không muốn viết séc trắng cho Ukraine”.
Bà Tocci nhận định nếu sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev giảm đi, cuộc chiến của Ukraine nhằm chống lại Nga có thể bị đình trệ trong vòng vài tháng. Vũ khí và viện trợ tài chính của Mỹ đang đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc phản công của Ukraine và cho phép Kiev chiếm lại các vùng đất rộng lớn.