Nga cảnh báo về nguồn cung khí đốt cho châu Âu: ‘Sản phẩm của chúng tôi, luật của chúng tôi’
Cảnh báo đáng ngại từ Gazprom
Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu đang cố gắng lấp đầy các kho chứa khí đốt tự nhiện dưới lòng đất để đảm bảo nguồn cung cho các hộ gia đình sưởi ấm trong mùa đông tới
Tuy nhiên, châu Âu vẫn lo ngại về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt do nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga - quốc gia cung ứng tới 40% lượng khí đốt của Liên minh châu Âu (EU).
Khối kinh tế chung đang cố gắng nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga để phản ứng với cuộc tấn công vô cớ mà Tổng thống Vladimir Putin phát động tại nước láng giềng Ukraine.
Khá nhiều người lo sợ rằng nguồn cung khí đốt của Nga có tiếp tục chảy sang châu Âu hay không khi chiến sự vẫn tiếp diễn và các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Moscow dần có hiệu lực, CNBC cho hay.
Đến nay, Nga đã cắt nguồn cung năng lượng cho Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria, tập đoàn Orsted của Đan Mạch và tập đoàn Gastera của Hà Lan do các nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Các hợp đồng tại Đức của Shell cũng bị cắt đứt.
Gần đây hơn, gã khổng lồ Gazprom của Nga đã tiếp tục hạn chế dòng chảy khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1 chạy từ Nga đến Đức, đồng thời cắt giảm nguồn cung đến Italy. Áo và Slovakia cũng báo cáo lượng khí đốt từ Nga đã sụt đáng kể.
Giữa tuần này, Gazprom cho biết việc siết chặt lượng khí đốt sang châu Âu bắt nguồn từ một vấn đề kỹ thuật. Các trang thiết bị do Siemens Energy ở Đức bảo trì tại Canada về chậm hơn dự kiến, Gazprom thông tin.
Giữa không khí căng thẳng đó, bình luận của CEO Gazprom - Alexei Miller càng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho châu Âu. Ông Miller mới đây khẳng định Nga sẽ chơi theo luật riêng của mình sau khi tập đoàn giảm một nửa nguồn cung sang Đức.
Trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, CEO Gazprom nhấn mạnh: “Sản phẩm của chúng tôi, luật của chúng tôi. Chúng tôi không chơi theo luật mà mình không tạo ra”.
Ngoài ra, ông Miller được cho là đã đề cập đến việc thiết bị tại trạm nén Portovaya - một phần của đường ống Nord Stream 1, đang bị các lệnh trừng phạt của phương Tây cản trở. Bản thân ông không nhận thấy giải pháp cho vấn đề này.
Ở tuyên bố khác, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã bác bỏ cáo buộc của Nga, khẳng định các cấm vận của phương Tây không phải nguyên nhân. Đồng thời, ông còn lên tiếng chỉ trích hành động siết nguồn cung khí đốt của Nga, coi đó là một “quyết định chính trị” nhằm gây bất ổn tại châu Âu và thổi giá khí đốt.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 17/6 (theo giờ châu Âu), giá khí đốt bán buôn của Hà Lan - một tiêu chuẩn cho giao dịch khí đốt tự nhiên tại lục địa già, đã tăng tới 9% trước khi giảm nhẹ. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 128%, theo TradingEconomics.
Hạn chế tiêu dùng năng lượng
Màn “đấu khẩu” không trực tiếp giữa Nga và Đức dường như đang một lần nữa nhấn mạnh rủi ro mà các quốc gia châu Âu phải đói mặt khi phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của xứ sở Bạch Dương, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo sợ Moscow có thể siết chặt nguồn cung rộng rãi hơn trong những tháng tới.
Đề cập đến mức độ nghiêm trọng của những lo ngại trên, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol tuần trước cảnh báo rằng EU có thể phải hạn chế tiêu thụ năng lượng trong mùa đông nếu các nước thành viên không thực hiện thêm các bước để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Uỷ ban châu Âu (EC) mới đây cho biết họ đã nắm được thông báo của Gazprom về việc gã khổng lồ của nước Nga sẽ cắt giảm dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 cũng như siết các đơn hàng giao cho một số công ty trên khắp EU.
Phát ngôn viên của khối kinh tế chung mô tả động thái của Gazprom là một “ví dụ khác về việc tập đoàn này và Nga sử dụng nguồn cung cấp năng lượng của mình như một công cụ tống tiền”.