|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những 'chiến binh mọt sách' đang ngày đêm tìm cách đánh sập nền kinh tế Nga

12:12 | 20/06/2022
Chia sẻ
Đằng sau những đòn trừng phạt mà Mỹ giáng xuống nền kinh tế Nga là "những chiến binh mọt sách" của Bộ Tài chính Mỹ. Họ không quản ngày đêm tìm ra những mục tiêu trừng phạt mới cũng như lên kế hoạch phản đòn để đánh sập nền kinh tế Nga.

“Những chiến binh mọt sách”

Đã ba tháng kể từ khi chính phủ Mỹ và các đồng minh công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga, đất nước của Tổng thống Vladimir Putin vẫn kiên cường một cách đáng ngạc nhiên.

Đồng ruble đã tăng trở lại và thậm chí có giá trị cao hơn trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra. Ngân khố của Điện Kremlin đầy ắp tiền bán dầu thô và khí đốt. Trong khi đó, quân đội Nga vẫn tiếp tục tấn công Ukraine với nguồn cung xe tăng và đạn pháo đều đặn.

Song, tại Bộ Tài chính Mỹ, các chuyên gia về lệnh trừng phạt coi sự kiên cường của nền kinh tế Nga là một ảo ảnh. Trong các cuộc phỏng vấn với CNN, các quan chức hàng đầu cơ quan này tự tin rằng các lệnh trừng phạt đang phát huy tác dụng và nền kinh tế Nga đang quằn quại đau đớn.

Bà Andrea Gacki, Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết: “Nga có thể cho rằng tất cả những đòn cấm vận của Mỹ chỉ là trò giả mạo. Song, đó chỉ toàn là những lời nói gạt người của phía Nga. Tất cả những chỉ số thực đều cho thấy nền kinh tế Nga đang yếu đi thấy rõ”.

Cửa vào Bộ Tài chính Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Nói một cách nào đó, giữa lúc các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc quan sát và bàn kế sách cho trận chiến nóng bỏng tại Ukraine, một cuộc chiến kinh tế cũng đang diễn. Nó được tiến hành bởi các luật sư, kế toán, chuyên gia kinh tế và chuyên gia tài chính của Bộ Tài chính Mỹ.

Chia sẻ độc quyền với CNN, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden thích thú nói: “Họ [các chuyên gia về trừng phạt của Bộ Tài chính] giống như những chiến binh mọt sách của chúng tôi”.

So với việc tịch thu du thuyền của các nhà tài phiệt Nga hay nhắm tới bạn gái tin đồn của Tổng thống Vladimir Putin, thì những kế hoạch phức tạp của các chuyên gia trừng phạt tại Bộ Tài chính Mỹ nhằm phá huỷ các trụ cột của nền kinh tế Nga tương đối ít phô trương hơn.

“Ngày số 0”

Trong đêm ngày 23/2, không lâu trước khi Nga bắn những quả tên lửa đầu tiên sang nước láng giềng Ukraine, bà Elizabeth Rosenberg đang ngồi nhìn chằm chằm vào máy tính tại Bộ Tài chính Mỹ, khẩn trương gõ phím.

Là quan chức hàng đầu về tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính tại Bộ Tài chính, bà Rosenberg đã hoạt động không ngừng nghỉ trong nhiều tuần liền. Bà di chuyển giữa các phòng an ninh tại cơ quan, nhóm họp tại Nhà Trắng và thực hiện các chuyến công tác đến châu Âu để soạn thảo các chi tiết kỹ thuật quan trọng.

Bà Elizabeth Rosenberg, trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về tài trợ khủng bố. (Ảnh: Reuters).

Giờ đây, Rosenberrg đang soạn thảo một bản ghi nhớ mật để vạch ra các điểm cốt lõi và cân nhắc chính để Bộ trưởng Janet Yellen mang đến cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia chỉ vài giờ sau đó.

Không lâu sau, một người báo tin bước thẳng đến bàn của bà Rosenberg, mang theo một thông tin khẩn: quả tên lửa đầu tiên của Nga đã đi vào không phận Ukraine. Một lát sau, người này quay lại. Hiện đã có hơn 30 tên lửa được ghi nhận. Chẳng mấy chốc nữa, có quá nhiều tên lửa, đếm không xuể.

Các quan chức Mỹ đánh dấu thời khắc Nga triển khai cuộc tấn công là “ngày số 0”, và cuối cùng ngày đó đã đến. Sau nhiều tháng lên kế hoạch tỉ mẩn, đàm phán ngoại giao với các nước đồng minh và hàng giờ thảo luận kỹ thuật, cuối cùng mọi chuyện đã xảy ra.

Giờ phút đó, bà Rosenberg phải gấp rút thực hiện những điều chỉnh cuối cùng cho bản ghi nhớ, vốn sẽ làm cơ sở cho gói trừng phạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào một nền kinh tế tầm cỡ như Nga.

“Không hiệu quả trong một sớm một chiều”

Kết hợp với sự hợp tác khẩn trương giữa các nước đồng minh phương Tây, giới chức tại Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã có một cái nhìn thực tế chưa từng có về các hoạt động của chính phủ Nga, CNN mô tả.

Bên trong OFAC, nhóm của bà Gacki không ngừng nghỉ tìm kiếm những mục tiêu như các công ty, chuỗi cung ứng, du thuyền và máy bay, dự trữ ngoại tệ và tài sản ở nước ngoài của Nga. Sau đó, họ tìm cách tàn khốc nhất để hạ gục những mục tiêu này.

Mỗi đợt trừng phạt mới, vốn diễn ra nhanh hơn và với phạm vi rộng hơn, ngay lập tức buộc các quan chức tại Bộ Tài chính phải xác định mục tiêu và chiến lược mới hơn để gây ra nỗi đau cho Tổng thống Putin.

Bất chấp khẳng định có phần tự tin từ Tổng thống Biden và những người khác, bà Gacki và các cấp dưới luôn cho rằng những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất sẽ gây hại cho Nga theo thời gian. Quan trọng nhất là sự kiên nhẫn.

Ông Daniel Glaser, quan chức hàng đầu Bộ Tài chính trong chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, cho biết: “Mọi người cần nhớ là những biện pháp trừng phạt này được chuẩn bị để tạo đòn bẩy cho chúng ta theo thời gian. Chúng không hiệu quả trong một sớm một chiều”.

Đồng ruble từng có giai đoạn sụt giá tồi tệ khi phương Tây dồn dập áp trừng phạt vào Nga. (Ảnh: Reuters).

Thiệt hại cho nền kinh tế Nga đang bắt đầu xuất hiện. Các chuỗi cung ứng quan trọng ở Nga bị phá vỡ; hàng trăm công ty phương Tây rút lui; các biện pháp trừng phạt xuất khẩu bóp nghẹt khả năng tiếp cận của Nga với các công nghệ và linh kiện công nghiệp thiết yếu; một số nhà máy sản xuất xe tăng ngừng hoạt động; các nhà máy sản xuất tên lửa chật vật tìm nguồn linh kiện; và nền kinh tế Nga được dự đoán sẽ giảm tốc 15% trong năm 2022.

Dù Moscow vẫn phát đi thông điệp lạc quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nga Vitaly Savelyev hồi tháng 5 cho biết các cấm vận “đã phá vỡ mọi hoạ động logistics trên toàn quốc”.

Nga không phải quốc gia đầu tiên bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, so với Triều Tiên, Venezuela hay Iran, Nga hội nhập với nền kinh tế toàn cầu hơn và điều đó khiến vòng trừng phạt mới nhất có sức huỷ hoại lớn như vậy.

Người cấp dưới tài năng của ông Putin

Ông Putin đã dành nhiều năm để xây dựng hệ thống phòng thủ của mình khi tích luỹ hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại tệ, đưa phần lớn nền công nghiệp của Nga vào sự kiểm soát của nhà nước và bán nguồn khí đốt khổng lồ của Nga cho thế giới.

Ngoài ra, ông chủ Điện Kremlin còn có một vũ khí bí mật khác: một nhà kinh tế học 58 tuổi tên Elvira Nabiullina - người đã lãnh đạo ngân hàng trung ương Nga (CBR) từ năm 2013 đến nay.

Giới chức Mỹ miễn cưỡng thừa nhận rằng bà Nabiullina đã hoàn thành xuất sắc công việc khi giúp Nga bình an vượt qua giai đoạn đầu của các lệnh trừng phạt, tương tự những gì bà làm được vào năm 2014 sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và kích hoạt một vòng trừng phạt ít hà khắc hơn từ phương Tây.

Lần này, bà Nabiullina đã khéo léo nâng lãi suất, áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, đồng thời tìm và vá các lỗ hổng để chèo lái nền kinh tế Nga qua khó khăn. Những động thái đó đã giúp đồng ruble tăng trong vài tháng qua, sau khi tụt dốc không phanh ở những ngày đầu của chiến sự.

Bà Elvira Nabiullina - Chủ tịch ngân hàng trung ương Nga, được phương Tây coi là vũ khí bí mật của Tổng thống Putin. (Ảnh: Reuters). 

Một quan chức cấp cao của Mỹ bình luận: “Một chủ tịch ngân hàng trung ương giỏi có thể thúc đẩy đồng nội tệ của họ. Quả thực Nga có một chiến binh rất giỏi, giờ chúng tôi đã biết điều đó”.

Trong chính quyền ông Biden, bà Nabiullina có lẽ được coi là người tài năng nhất trong số các cấp dưới thân cận của ông Putin. Bà Gacki của OFAC nói: “Đây là một chủ tịch ngân hàng trung ương giàu kinh nghiệm, người đang giúp cho nền kinh tế Nga trông như rất vững mạnh dù thực tế là không”.

Bộ Tài chính Mỹ cũng có vũ khí bí mật của riêng mình, chính là bà Janet Yellen. Là người cầm trịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giai đoạn 2014 - 2018, bà Yellen có hiểu biết sâu rộng về các ngân hàng trung ương.

Kinh nghiệm trên ghế Chủ tịch Fed đã giúp bà Yellen tham gia sâu vào việc thiết kế các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Theo nguồn tin của CNN, khi các nhà đàm phán thảo luận các phương án tiềm năng, bà Yellen sẽ cho ý kiến về những biện pháp có tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đương nhiệm cũng phát đi thông điệp quan trọng tới những người đồng cấp nước ngoài khi họ cân nhắc leo thang các lệnh trừng phạt để gây thêm đau đớn cho Nga.

Mặt khác, dù bà Nabiullina tài năng là thế, Giám đốc Andrea Gacki và các cấp dưới tại OFAC tin rằng Chủ tịch CBR không hoàn toàn có thể “cầm máu” cho nền kinh tế Nga.

Những “chiến binh mọt sách” tại Bộ Tài chính Mỹ luôn định sẵn các kế hoạch để phản ứng trước những nước đi tiềm năng của phía Nga. Ông Glaser, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét: “Hai bên như thể đang chơi trò mèo vờn chuột. Đối thủ ra chiêu, thì bạn phải tìm cách phản đòn”.

Yên Khê