Chiến sự Nga-Ukraine đã thay đổi châu Á như thế nào trong năm 2022?
Bài toán kinh tế và nỗi lo lạm phát
Trong số các nước thành viên ASEAN, Myanmar là nước duy nhất công khai ủng hộ Nga trong cuộc giao tranh với Ukraine. Ngược lại, Singapore lại có lập trường cứng rắn bất thường và đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow.
Về Myanmar và Nga, hai nước này đang đẩy mạnh quan hệ quân sự và kinh tế. Một vị doanh nhân tham dự diễn đàn gần đây ở thủ đô Naypyitaw của Myanmar kể với Nikkei Asia: “Trong vài tháng qua, Myanmar đã cải thiện rõ rệt mối quan hệ thương mại với Nga”.
Sự kiện này diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm Myanmar của ông Maxim Reshetnikov, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga. Theo một tờ báo nhà nước, 100 doanh nghiệp Nga và 200 công ty Myanmar đã tham dự diễn đàn và thảo luận hướng hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất, năng lượng, du lịch và tài chính.
Ở diễn biến khác, trước đại dịch COVID-19, Nga là nguồn khách du lịch lớn thứ 4 của Thái Lan. Hơn 1,48 triệu du khách Nga đã đến thăm “xứ sở chùa Vàng”. Vào tháng 10, hãng hàng không Aeroflot của Nga đã nối lại các chuyến bay tới đảo Phuket của Thái Lan.
Hơn 44.000 người Nga đã đến Thái Lan trong tháng đó – đông hơn cả khách từ Australia hay Nhật Bản. Khung cảnh khác xa so với hồi tháng 3, khi du khách Nga trên khắp thế giới khốn đốn vì không thể sử dụng thẻ tín dụng và đồng ruble lao dốc.
Trong khi đó, Ấn Độ không lên án Moscow. Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi đã nói rõ với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh” và đã nhiều lần kêu gọi các bên đàm phán.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng được hưởng lợi từ việc mua dầu thô giá rẻ từ Nga. Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu loại nhiên liệu này từ sau khi giao tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra. Và vì châu Âu vẫn mua khí đốt của Moscow, các bộ trưởng Ấn Độ vẫn có lý do để bác bỏ những chỉ trích về hành động của họ.
Theo gương Ấn Độ, Pakistan cũng sẽ mua tới 4,3 triệu tấn dầu từ Nga bắt đầu từ năm sau. Mức giá chiết khấu sẽ giúp bù đắp đáng kể cho chi phí vận chuyển. Sri Lanka cũng đang đi theo con đường tương tự.
Các quốc gia Nam Á này chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi áp lực lạm phát và tình trạng thiếu thốn lương lực mà xung đột tại Ukraine gây ra.
An ninh lương thực và năng lượng
Trước khi chiến sự nổ ra, Nga là nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, còn Ukarine là hành lang xuất khẩu quan trọng. Cuộc chiến giữa hai nước là nguyên nhân khiến Chỉ số Giá Phân bón của World Bank nhảy vọt lên đỉnh 254,96 điểm vào tháng 4, cao hơn hẳn giá trị ghi nhận trong tháng 2 là 196,44 điểm.
Chỉ số này đã quay trở lại mức 200 điểm, nhưng các nước đang gặp khó khăn như Sri Lanka thì chịu tác động nặng nề hơn hẳn xu hướng chung. Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu phân bón từ năm 2021 để bảo vệ an ninh lương thực quốc gia.
Giá lúa mỳ cũng nhảy vọt để phản ứng với cuộc chiến, bởi 30% lúa mỳ xuất khẩu trên toàn cầu đến từ Nga và Ukraine. Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mỳ vào tháng 5 để củng cố nguồn cung trong nước. Đến tháng 9, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này cũng hạn chế bán ra nước ngoài một số loại gạo, nhưng hiện đang điều chỉnh chính sách.
Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong năm 2022 ở mức 8,8%. Trong 10 tháng liên tiếp, lạm phát bán lẻ của Ấn Độ đều vượt quá giới hạn trên của mục tiêu do ngân hàng trung ương đặt ra là 6%. Trong tháng 11, lạm phát cuối cùng cũng hạ xuống 5,9%, chủ yếu là nhờ sự suy giảm của giá lương thực.
Sự cải thiện tương tự cũng diễn ra trên toàn thế giới. Nhưng cuộc sống của mọi người đều khó khăn hơn trước. Và cuộc chiến cũng đã làm nổi bật những điểm yếu và sự phụ thuộc khác của châu Á.
Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ tạm thời của Indonesia hồi đầu năm nay đã khiến Ấn Độ giật mình, bởi nước này mua một nửa lượng dầu cọ cần thiết từ Indonesia. Động thái của Jakarta được đưa ra đúng lúc nguồn cung dầu hướng dương chịu áp lực, bởi các nước trên thế giới chủ yếu nhập khẩu mặt hàng này từ Ukraine.
Mặt khác, Indonesia lại là nước nhập khẩu lúa mỳ Ukraine lớn thứ hai trên thế giới, và đã phải tìm kiếm các lựa chọn đắt đỏ hơn để thay thế.
Nhật Bản là một quốc gia nghèo tài nguyên và phải nhập khẩu gần 90% nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng rủi ro năng lượng và khiến nước này phải đưa ra một số quyết định khó xử liên quan đến các dự án dầu khí.
Đại gia năng lượng Shell của Anh và Exxon Mobil của Mỹ đã rút khỏi các dự án năng lượng Sakhalin-1 và Sakhalin-2 ở miền Viễn Đông nước Nga. Nhưng Nhật Bản lại lựa chọn giữ lại cổ phần ở trong cả hai dự án này để đem dầu mỏ và khí tự nhiên về cho đất nước.
Dù vậy, những lo ngại về độ tin cậy của nguồn cung, chi phí nhập khẩu cao và các mục tiêu môi trường đã thôi thúc Nhật Bản quay trở lại năng lượng hạt nhân.
Bước sang năm 2023, câu hỏi quan trọng đối với châu Á và thế giới là làm thế nào để kết thúc cuộc chiến và nà nước nào sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải.
Một số chuyên gia cho rằng sang năm 2023, Ấn Độ với vai trò là Chủ tịch G20 sẽ sử dụng mối quan hệ lâu dài với Nga để thúc giục Moscow ngừng nổ súng.