|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Ukraine mãi chưa phản công?

16:47 | 26/04/2023
Chia sẻ
Thiếu thốn binh sỹ có kinh nghiệm, trang thiết bị, vũ khí cũng như yếu tố bất ngờ đang khiến cuộc phản công của Ukraine bị trì hoãn. Việc Ukraine chậm phản công đang giúp Nga chiếm được nhiều lãnh thổ hơn cũng như có thêm thời gian chuẩn bị, phòng thủ.

Pháo tự hành Caesar 155 mm do Pháp viện trợ cho Ukraine. (Ảnh: Bộ Tổng tham mưu Ukraine).

Theo hãng tin RT của Nga, kế hoạch phản công của Ukraine, ban đầu được kỳ vọng sẽ bắt đầu vào tháng 11/2022, đã liên tục bị trì hoãn. Sau khi không thể tiến hành một cuộc phản công vào cuối năm 2022, phía Kiev đã lùi kế hoạch sang mùa xuân 2023. Tuy vậy, khi mùa xuân sắp qua, mùa hè đang đến, Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sẽ tấn công.

Các nguồn tin từ nước ngoài đưa ra nhiều đánh giá khác nhau về mức độ sẵn sàng cho cuộc phản công của Kiev. Tuy nhiên, đa số đều đồng ý rằng việc kiếm đủ binh sỹ và trang bị sẽ là một thách thức đối với Ukraine.

Không đủ binh sỹ

Một trong những trở ngại chính ngăn cản Quân đội Ukraine (AFU) phản công là thiếu binh sỹ có kinh nghiệm trận mạc. Theo RT, một lượng lớn các binh sỹ sẵn sàng chiến đấu, được trang bị đầy đủ và có tinh thần cao đã bỏ mạng tại những khu vực như Mariupol, Bakhmut, Soledar, Popasnaya, Lisichansk, Severodonetsk, Kherson và Kharkov.

Các nguồn tin từ phương Tây như Washington Post, Foreign Affairs đã tiết lộ ước tính con số thương vong của Ukraine vào khoảng từ 100.000 đến 120.000 binh sỹ. Đồng thời, khoảng 8 triệu người (1/5 dân số Ukraine) đã rời bỏ đất nước kể từ khi xung đột nổ ra. 

Nghĩa trang của binh sỹ Ukraine tại Lvov. (Ảnh: Yuriy Dyachyshyn/AFP).

NATO và Mỹ vẫn đang trong quá trình đào tạo các binh sỹ mới cho Ukraine. Theo những thông tin trong tài liệu mật bị rò rỉ gần đây, phương Tây đang huấn luyện khoảng 12 lữ đoàn cho Ukraine. Thời điểm hoàn thành khóa huấn luyện muộn nhất sẽ là 30/4.

Tài liệu trên cũng tiết lộ tổng số thiết bị cần cho 9 trong 12 lữ đoàn là hơn 250 xe tăng và 350 phương tiện cơ giới. Mỗi lữ đoàn theo tiêu chuẩn của Ukraine có từ 4.000 đến 5.000 binh sỹ. 

Tuy nhiên, theo RT,  số lượng phương tiện này là chưa đủ để trang bị cho 9 lữ đoàn trên. Số xe tăng cần thiết cho 9 lữ đoàn ít nhất là 837 chiếc. Sau hội nghị NATO tại Căn cứ Không quân Ramstein, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố đã chuyển giao 230 xe tăng cho Ukraine.

Ông Michel Goya, một Đại tá quân đội Pháp, ước tính rằng NATO và Mỹ chỉ có thể đào tạo và trang bị cho khoảng từ 3 đến 4 lữ đoàn của Ukraine trong khung thời gian trên.

AFU còn gặp khó khăn gì?

Theo RT, một trong những vấn đề cơ bản đối với cuộc phản công của AFU là thiếu tính bất ngờ. Quân đội Nga đã có thời gian để chuẩn bị các tuyến phòng thủ từ mọi hướng, cũng như được bổ sung binh sỹ sau cuộc động viên một phần vào năm ngoái.

Đồng thời, chuyển động của quân đội Ukraine cũng được giám sát chặt chẽ. Kiev sẽ gần như không thể tập trung nổi một nhóm quân từ 20.000 đến 150.000 người mà không gây chú ý. Ngược lại, nếu dàn quân đều ra khắp các mặt trận, lợi thế về quân số sẽ biến mất.

Nga chiếm gần như toàn bộ Bakhmut, đẩy quân đội Ukraine sang phần phía tây của thành phố. (Nguồn: ISW).

Một khó khăn khác cho phía Ukraine là thời gian. Trì hoãn cuộc tấn công sẽ khiến Ukraine mất đi Bakhmut - một thành phố mang tính chiến lược mà Kiev đã đổ nhiều binh sỹ để phòng thủ. Hơn nữa, mỗi ngày Ukraine không tấn công là thêm một ngày để quân đội Nga chuẩn bị.

Theo Times, hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã xây dựng các phòng tuyến, công sự, hào ... để chuẩn bị cho các cuộc tấn công của Ukraine ở hướng Zaporozhye. 

Việc cung cấp viện trợ chậm trễ cũng đang là một vấn đề. Xe chiến đấu Bradley và xe tăng Leopard 2 đã đến Ukraine, nhưng với số lượng ít ỏi, chỉ đủ trang bị cho một đến hai lữ đoàn cơ giới. Số còn lại là các phương tiện bọc thép hạng nhẹ, với khả năng sống sót thấp trong một cuộc xung đột cường độ cao.

Việc chuyển giao các hệ thống phòng không của phương Tây cũng đang bị trì hoãn. Mãi tới ngày 20/4, hệ thống phòng không Patriot mới đặt chân tới Ukraine. Phần lớn những viện trợ còn lại của Ukraine là các hệ thống phòng không vác vai như Stinger hay Starstreak, hoặc tầm ngắn như Avenger hay Stormer HMV.

Một khó khăn khác là thiếu số lượng máy bay chiến đấu, máy bay cường kích. Ukraine đã liên tục yêu cầu máy bay chiến đấu F-16 từ đồng minh phương Tây nhưng vẫn chưa được chấp nhận. Economist cho biết Kiev cũng đã được Ba Lan và Slovakia viện trợ một số máy bay MiG-29. Tuy nhiên đa số máy bay trong tình trạng không thể cất cánh, và chỉ có thể được sử dụng để lấy phụ tùng. 

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Mỹ và Ukraine cũng đang có những mục tiêu khác nhau trong cuộc phản công. Các nhà lãnh đạo Kiev quả quyết về việc chiếm lại toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách tại Washington nghi ngại về năng lực của Kiev, cũng như lo sợ Nga sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân để bảo vệ Bán đảo Crimea. Chỉ có hai con đường dẫn đến Bán đảo này, một đi qua eo đất hẹp, cái còn lại là thông qua cây cầu Kerch.  

Nga xây dựng hệ thống hào tại phía bắc Bán đảo Crimea. (Ảnh: Maxar Technologies).

Liệu Ukraine có thể thành công?

Phân tích những tài liệu mật bị lộ gần đây, Washington Post cho biết Mỹ và NATO không kỳ vọng quá nhiều vào cuộc phản công của Ukraine, và nhiều khả năng những chiến dịch này sẽ chỉ chiếm lại được "lượng lãnh thổ khiêm tốn".

Tài liệu dự báo rằng Ukraine sẽ chỉ có được thành công hạn chế nhằm chiếm lại những khu vực đang giao tranh ở phía đông và cắt đứt hành lang trên bộ nối liền Nga với Bán đảo Crimea. Khả năng phòng thủ kiên cố của Nga cùng với “những thiếu sót kéo dài của Ukraine trong huấn luyện và nguồn cung đạn dược có thể sẽ cản trở tiến độ và làm trầm trọng thêm thương vong trong cuộc tấn công,” tài liệu viết.

Các quan chức Mỹ và Ukraine cũng tiến hành những cuộc tập trận trên giấy để xem xét các kịch bản tấn công khác nhau, cũng như hậu quả của việc dàn trải lực lượng quá mỏng. Phía Mỹ cho biết các quan chức Ukraine đã dần hiểu về những gì họ có thể đạt được trong cuộc phản công, và thay đổi kế hoạch cho phù hợp. 

Dù việc cắt đứt hành lang trên bộ khó xảy ra, Mỹ kỳ vọng rằng những bước tiến của Ukraine ít nhất có thể làm gián đoạn dòng chảy vũ khí và nhân lực của Nga tới tiền tuyến. Ngoài những tài liệu mật trên, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) cũng kỳ vọng rằng Kiev sẽ khó kiểm soát lại nhiều vùng lãnh thổ như trong cuộc phản công mùa thu năm ngoái.

CNN cho rằng cuộc phản công sắp tới là thời khắc quyết định với Kiev. NATO đã đoàn kết và táo bạo khác thường trong việc hỗ trợ và vũ trang cho Ukraine. Nhưng ở phương Tây, các cuộc bầu cử, tình hình kinh tế hay những rắc rối khác có thể khiến viện trợ bị giảm bớt trong tương lai. Ukraine sẽ không thể kỳ vọng vào sự hỗ trợ này trong năm tới, bất kể các thông cáo báo chí hay cam kết như thế nào.

Minh Quang