Tên lửa rơi xuống Ba Lan, NATO sẽ đáp trả như thế nào?
Theo Reuters, vào hôm 15/11, một vụ nổ gần biên giới Ba Lan đã khiến hai người thiệt mạng. Ba Lan hiện đang là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ và các đồng minh đang điều tra những báo cáo chưa được xác thực về việc vụ nổ là do một tên lửa đi lạc của Nga.
Vụ nổ làm dấy lên lo ngại về xung đột Ukraine lan rộng. Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận mọi sự liên quan. Bất cứ động thái nào của NATO đều yêu cầu sự kiểm chứng sự thật rõ ràng và tránh leo thang căng thẳng. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố rằng hiện vẫn chưa rõ ai là người phóng tên lửa gây ra vụ nổ.
Các lựa chọn để liên minh này đáp trả vụ tấn công vào lãnh thổ một nước thành viên bao gồm những cuộc thảo luận chính thức với đồng minh, cho tới khởi động Điều 5 trong Hiến chương NATO. Trong 73 năm lịch sử của NATO, Điều 5 chỉ được kích hoạt duy nhất một lần vào ngày 11/9/2001.
Điều 5 là gì?
Điều 5 là nền tảng của hiệp ước thành lập nên NATO. Vào năm 1949, NATO được thành lập với quân đội Mỹ là trụ cột chính, có mục tiêu chống lại Liên Xô cùng các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh.
Điều 5 quy định: “Các bên đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên trong [liên minh] ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả”.
“Tất cả đồng ý rằng, nếu một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra, mỗi thành viên trong liên minh, thực hiện quyền tự vệ đơn lẻ hoặc tập thể được Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận, sẽ hỗ trợ bên hoặc các bên bị tấn công ngay lập tức, với tư cách đơn lẻ và phối hợp với các thành viên khác, những hành động cần thiết, bao gồm cả sử dụng tới lực lượng vũ trang, nhằm khôi phục và duy trì an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương”, Hiến chương NATO viết.
Liệu vụ nổ tại Ba Lan có kích hoạt Điều 5?
Vì Kiev không phải thành viên của NATO, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã không kích hoạt Điều 5. Tuy vậy, Mỹ và các quốc gia thành viên NATO đã cung cấp hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho Ukraine.
Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo về khả năng xung đột lan rộng sang các nước láng giềng ở sườn phía đông của NATO, có thể buộc liên minh này phải đáp trả bằng hành động quân sự. Trong trường hợp Moscow là bên gây ra vụ nổ tại Ba Lan, dù cố ý hay vô tình, nguy cơ mở rộng xung đột cũng sẽ tăng lên.
Tuy vậy, việc kích hoạt Điều 5 sẽ cần sự đồng ý của tất cả thành viên NATO. Sau khi xảy ra cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên, những nước khác sẽ cùng tham vấn để xác định xem liệu tình huống đó có kích hoạt Điều 5 hay không.
Không có giới hạn về thời gian của các cuộc tham vấn trên. Các chuyên gia cho rằng ngôn ngữ trong Hiến chương NATO đủ linh hoạt để cho mỗi thành viên tự quyết định xem sẽ đáp trả mạnh mẽ đến mức nào.
Trong lịch sử 73 năm của NATO, Điều 5 chỉ được kích hoạt duy nhất một lần, nhằm phản ứng lại vụ khủng bố dùng máy bay lao vào các mục tiêu tại New York và Washington ngày 11/9/2001.
Trong khi khẳng định rằng Mỹ sẽ không có lợi ích từ việc gây chiến với Nga, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố ngay từ đầu cuộc xung đột rằng Washington sẽ đáp ứng các cam kết trong Điều 5 để bảo vệ đồng minh NATO.
“Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ cùng các đồng minh để bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO. Từng tấc một”, ông Biden tuyên bố tại Nhà Trắng vào tháng 9.
Điều 4 - lựa chọn an toàn hơn
Một lựa chọn an toàn hơn với Ba Lan có thể là sử dụng Điều 4 trong Hiến chương NATO. Phát ngôn viên Piotr Muller của Ba Lan nói: “Vừa rồi, chúng tôi đã quyết định xác minh xem liệu có đủ căn cứ để khởi động các thủ tục theo Điều 4 trong Hiến chương NATO hay không”.
Bloomberg cho biết theo Điều 4, các thành viên NATO có thể đưa ra bất kỳ quan ngại nào liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh quốc gia để thảo luận trước khi liên minh có các động thái.
Bộ trưởng Quốc phòng Artis Pabriks tuyên bố Latvia sẽ hỗ trợ Ba Lan, đồng thời cho biết thêm rằng liên minh NATO cần có một cuộc thảo luận nghiêm túc về hệ thống phòng không của mình.
Sau khi được kích hoạt và đem ra thảo luận giữa các đồng minh, Điều 4 có khả năng dẫn đến một quyết định hoặc hành động chung thay mặt cho NATO.
Vào năm 2012, NATO đã chấp nhận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc triển khai tên lửa phòng không Patriot sau các cuộc họp với đồng minh theo Điều 4 để thảo luận về hoạt động quân sự của Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Vào tháng 2/2022, sau khi Nga tấn công Ukraine, một nhóm các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu đã kích hoạt Điều 4.