Nga tố cáo Ukraine có kế hoạch sử dụng 'bom bẩn', mức nguy hại lớn đến đâu?
Theo Al Jazeera, Nga đã cáo buộc Ukraine lên kế hoạch kích nổ một quả bom bẩn và đổ tội cho Moscow. Bom bẩn là loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường để phát tán các chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn.
RT cho biết bom bẩn không có sức phá hủy lớn như vũ khí hạt nhân. Loại vũ khí này có thể tạo một đám mây phóng xạ với bán kính vài km từ tâm vụ nổ.
Bom bẩn đã xuất hiện nhiều trong phim ảnh và các trò chơi điện tử nhưng chưa từng được sử dụng trên thực địa. Trong tập phim Điệp viên 007 năm 1964 có tên "Goldfinger", nhân vật phản diện đã âm mưu sử dụng một quả bom "nhỏ nhưng cực kỳ bẩn" để khiến cho kho vàng hàng nghìn tấn của Mỹ ở Fort Knox bị nhiễm phóng xạ và không thể được sử dụng trong nhiều thập kỷ.
Trong cuộc điện đàm với các quốc gia NATO hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thảo luận về “tình hình xấu đi nhanh chóng” tại Ukraine.
Ông Shoigu cho rằng Ukraine có thể leo thang xung đột bằng một quả bom bẩn. Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã không cung cấp chứng cứ cho thấy Kiev đang có kế hoạch này.
“Mục đích của hành vi khiêu khích này là để đổ tội cho Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Ukraine và khởi động một chiến dịch chống Nga trên toàn cầu nhằm làm suy giảm lòng tin với Moscow”, trang tin RIA Novosti viết trên mạng xã hội Telegram.
“Những kẻ tổ chức vụ khiêu khích đã tính toán rằng nếu thành công, đa số các quốc gia sẽ phản ứng cực kỳ gay gắt với ‘sự cố hạt nhân’ ở Ukraine. Moscow sẽ mất đi sự ủng hộ của nhiều đối tác quan trọng”, RIA Novosti cho biết thêm.
Các quan chức tại Kiev ngay lập tức đáp trả những cáo buộc từ Nga. “Chỉ có một người có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tại khu vực này của châu Âu. Và người này đã yêu cầu ông Shoigu điện đàm với [NATO]”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, ám chỉ Tổng thổng Nga Vladimir Putin.
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho rằng “những lời nói dối của Nga” về bom bẩn “vừa ngớ ngẩn, vừa nguy hiểm”.
“Trước hết, Ukraine là thành viên của Hiện ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT): Chúng tôi không có ‘bom bẩn’ hay có kế hoạch để chế tạo vũ khí này”, ông nói. “Thứ hai, Nga thường buộc tội những nước khác về thứ mà họ đang lên kế hoạch làm”.
“Leo thang không kiểm soát”
“Dường như sự căng thẳng đã chạm đến đến ngưỡng có thể gây mối đe dọa thực sự cho tất cả mọi người”, ông Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng nhận xét về cuộc điện đàm của Bộ trưởng Shoigu.
Trước đó, Nga đã cáo buộc Ukraine có thể sử dụng đến những vũ khí đã bị cấm như hóa học hay sinh học. Phương Tây lo ngại Moscow có thể chuẩn bị các cuộc tấn công kích động nhằm đổ tội cho Kiev.
Ông Shoigu đã điện đàm của người đồng cấp tại Mỹ, ông Lloyd Austin, vào hôm 23/10, lần thứ hai trong ba ngày và gọi tới ba bộ trưởng khác của các nước thành viên NATO.
Moscow không cung cấp chi tiết về cuộc điện đàm giữa ông Shoigu và ông Austin. Trước đó vào ngày 21/10, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2022, cả hai bộ trưởng đã nói chuyện qua điện thoại. Theo phía Lầu Năm Góc, ông Austin tuyên bố “bác bỏ mọi cái cớ để Nga leo thang căng thẳng” tại Ukraine.
Ngoài điện đàm với người đồng cấp Mỹ, ông Shoigu còn gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng của Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
“Cả hai bộ trưởng đã bàn luận về tình hình đang xấu đi nhanh chóng tại Ukraine”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết về cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu. “Tình hình đang đi theo hướng leo thang không thể kiểm soát”.
“Cái cớ để leo thang”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace “bác bỏ” những cáo buộc rằng các nước phương Tây đang cố gắng hỗ trợ Ukraine leo thang căng thẳng và “cảnh báo rằng những cáo buộc trên không nên được sử dụng như một cái cớ cho việc leo thang”.
Không có dấu hiệu nào từ phía Nga cho thấy các cuộc điện đàm mang lại kết quả tích cực. Tuy vậy, các cuộc hội đàm cho thấy Nga và NATO đang duy trì kênh liên lạc trong thời điểm thế giới lo ngại về leo thang hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ “sử dụng mọi công cụ cần thiết” để “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ”. Trong những tuần qua, Ukraine đã đạt nhiều thành công trên chiến trường. Moscow đã tăng cường tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái sau vụ nổ trên cầu Crimea.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng thế giới đang gần với “ngày tận thế” hơn bất cứ thời điểm nào kể từ cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962.
Tuần trước, NATO đã tiến hành cuộc tập trận răn đe hạt nhân hàng năm và dự báo Nga cũng sẽ bắt đầu tập trận không lâu sau đó nhằm kiểm tra sự sẵn sàng của lực lượng hạt nhân.
Vào ngày 23/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin rằng có cơ hội hòa bình tại Ukraine, ngay cả khi Nga cảnh báo rằng xung đột có thể sẽ leo thang.
“Triển vọng hòa bình sẽ đến vào thời điểm nào đó”, ông Macron phát biểu tại một hội nghị ở Rome. “Và tại một thời điểm cụ thể, khi mọi thứ đang tiến triển, khi người dân Ukraine và lãnh đạo quyết định về các điều khoản, thì một thỏa thuận hòa bình có thể được xây dựng với phía bên kia”.