|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba Lan tố 'tên lửa do Nga sản xuất' rơi vào lãnh thổ và làm chết hai người, NATO họp gấp

07:58 | 16/11/2022
Chia sẻ
Một vụ nổ gần biên giới Ba Lan đã khiến hai người chết. Ba Lan và Ukraine đã cáo buộc tên lửa do nga sản xuất Nga gây ra vụ nổ trên. Phía NATO đang điều tra nguyên nhân vụ nổ, trong khi Nga phủ nhận sự liên quan.

Theo Reuters, hai người đã chết trong một vụ nổ tại một ngôi làng của Ba Lan gần biên giới Ukraine hôm 15/11. NATO đang điều tra những báo cáo rằng vụ nổ do tên lửa của Nga đi chệch hướng.

Vụ nổ xảy ra sau khi Nga tấn công các thành phố trên khắp lãnh thổ Ukraine bằng tên lửa hôm 15/11. Phía Ukraine cho biết đây là đợt tấn công mạnh mẽ nhất trong gần 9 tháng xung đột. Một số tên lửa đã nhắm tới phía tây của Lviv, thành phố chỉ cách biên giới Ba Lan 80 km.

Cảnh sát chặn một con đường, giữa lúc có báo cáo về hai vụ nổ ở Przewodow, Ba Lan, ngày 15/11. (Ảnh: Jakub Orzechowski/Agencja Wyborcza.pl).

Ba Lan là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu, có cam kết phòng thủ tập thể. Theo Điều 5 trong hiến chương NATO, nếu một thành viên bị tấn công tức là tất cả đều bị tấn công và tất cả đều sẽ ứng cứu. Khả năng vụ nổ tại Ba Lan là một cuộc tấn công cố ý hoặc vô tình từ Nga đã gây ra báo động.

Nga đã phủ nhận sự liên quan tới những vụ nổ tại biên giới Ba Lan. RT dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho rằng những mảnh vỡ tên lửa được các kênh truyền thông Ba Lan chụp lại tại hiện trường “không hề có liên quan tới vũ khí của Nga”.

Những tuyên bố bởi truyền thông Ba Lan và các quan chức cáo buộc tên lửa “Nga” rơi xuống khu vực làng Przewodow là “một hành động khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang căng thẳng”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Một quan chức NATO cho biết liên minh đang xem xét các báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Ba Lan. Hãng thông tấn AP dẫn lời một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ cho biết vụ nổ ở làng Przewodow là do tên lửa của Nga bay qua lãnh thổ Ba Lan.

Tại Washington, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều tuyên bố không thể xác nhận việc tên lửa của Nga đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan hay không.

Chuẩn tướng Patrick Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết: “Chúng tôi biết báo chí đưa tin cáo buộc rằng hai tên lửa của Nga đã tấn công một địa điểm trong Ba Lan gần biên giới Ukraine. Tôi có thể nói rằng chúng tôi không có bất cứ thông tin nào tại thời điểm này, để xác thực những báo cáo trên”.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của ủy ban chính phủ về các vấn đề an ninh và quốc phòng vào tối 15/11, phát ngôn viên chính phủ Piotr Muller cho biết.

Vụ nổ xảy ra ngay sát biên giới Ba Lan - Ukraine.

Đài phát thanh ZET của Ba Lan đưa tin rằng hai tên lửa đi lạc đã tấn công làng Przewodow, giết chết hai người dân mà không nêu rõ chi tiết. Ngôi làng cách biên giới Ukraine 6 km.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng “tên lửa Nga đã tấn công Ba Lan”. Tuy vậy, ông không cung cấp bất cứ bằng chứng nào.

Các quan chức cấp cao từ Đức, Na Uy, Litva và Estonia, cho biết đang cố gắng thu thập thêm thông tin cùng Ba Lan và các đồng minh khác. “Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng nhưng còn nhiều tình tiết chưa rõ ràng”, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt nói.

Người phát ngôn Piotr Muller cho biết Ba Lan đang tăng cường khả năng sẵn sàng của một số đơn vị quân đội. 

Warsaw cũng đã yêu cầu tham vấn với các đồng minh theo Điều 4 của Hiến chương NATO và các đại sứ NATO sẽ họp vào ngày 16/11. Các quan chức cho biết Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đàm thoại.

"Tên lửa do Nga sản xuất"

Một số bức ảnh được BBC tổng hợp cho thấy nơi xảy ra vụ nổ gần biên giới Ba Lan làm hai người chết. BBC đã phỏng vấn ba chuyên gia quân sự về vụ nổ trên.

Hiện trường vụ nổ. (Ảnh: Reuters).

Ông Mark Cancian, thuộc viện nghiên cứu CSIS, tin rằng vụ nổ có thể đến từ hệ thống tên lửa S-300. Đây là loại tên lửa phòng không và đã được cả Nga lẫn Ukraine dùng trong cuộc xung đột.

“Không rõ ai đã bắn tên lửa”, ông J Andrés Gannon, một chuyên gia an ninh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cũng đồng tình rằng những mảnh vỡ tại hiện trường có thể là từ một hệ thống S-300.

“Chúng tôi biết Nga đã sử dụng S-300 cho các cuộc tấn công mặt đất, dù chúng là tên lửa phòng không. Phía Ukraine cũng sử dụng S-300 để chống lại tên lửa hành trình”, ông nói. 

Tiến sĩ Justin Bronk, một thành viên cấp cao tại RUSI, đồng ý rằng vụ nổ có thể là từ hệ thống S-300. Tuy vậy, ông cho rằng chưa có đủ bằng chứng để xác thực.

Thiệt hại do vụ nổ gây ra. (Ảnh: Reuters).

 Kênh Telegram của Mash, một tờ báo online từ Nga, đã công bố những bức ảnh tương tự với BBC, và cho rằng các mảnh vỡ là từ hệ thống phòng không S-300.  

RT dẫn lời Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết một “tên lửa do Nga sản xuất” đã rơi xuống lãnh thổ nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lukasz Jasina nói thêm rằng Đại sứ Nga tại Ba Lan đã được triệu tập để đưa ra "những lời giải thích chi tiết ngay lập tức" về vụ việc.

Tuy vậy, tuyên bố không cho biết ai đã bắn tên lửa và cả hai bên trong cuộc xung đột đã sử dụng “vũ khí do Nga sản xuất”.

Các vụ nổ trên khắp Ukraine

Còi báo động không kích và tiếng nổ đã vang lên ở gần chục thành phố lớn của Ukraine. Nga đã phóng 110 tên lửa và 10 máy bay không người lái Geran-2 vào Ukraine lúc đầu giờ tối, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.

Tổng thống Zelensky cho biết mục tiêu chính của loạt tên lửa là cơ sở hạ tầng năng lượng. Ông cũng tuyên bố rằng chỉ có 10 mục tiêu bị bắn trúng.

“Việc kẻ thù muốn gì đã rõ ràng. Và chúng sẽ không đạt được mục tiêu”, ông tuyên bố. Kiev cho rằng các vụ tấn công này chỉ củng cố quyết tâm đẩy lùi quân đội Nga của Ukraine.

Thị trưởng Kiev cho biết một nửa thủ đô của Ukraine mất điện. Ngọn lửa bùng lên từ một khu chung cư 5 tầng sau khi bị trúng thứ mà người dân cho rằng dường như là các mảnh tên lửa bị bắn hạ. Dịch vụ khẩn cấp cho biết một người đã được xác nhận thiệt mạng và một người khác bị thương. 

Các cuộc tấn công cũng được báo cáo tại Lviv và Zhytomyr ở phía tây, Kryvy Rih ở phía nam và Kharkov ở phía đông. Các quan chức cho biết một số vụ tấn công đã làm mất điện, nước và hệ thống sưởi.

Văn phòng nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc tấn công đã khiến hàng triệu người Ukraine không có điện ở 16 trong số 24 khu vực, bao gồm cả Kiev.

Minh Quang