Trung Quốc vướng hàng chục tỷ USD nợ xấu vì Sáng kiến Vành đai và Con đường
Theo Financial Times, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc đang gặp rắc rối vì các khoản nợ xấu. Chỉ trong vòng ba năm qua, khoảng hơn 78 tỷ USD nợ trong chương trình này đã phải tái cấu trúc hoặc xóa sổ.
BRI đã khiến Trung Quốc trở thành bên cho vay song phương lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy BRI đang đốt tiền của Bắc Kinh và những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.
Các khoản vay từ Trung Quốc trị giá khoảng 78,5 tỷ USD nhằm phục vụ hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay … trên khắp thế giới đã phải đàm phán lại hoặc xóa sổ trong giai đoạn từ 2020 đến cuối tháng 3/2023, theo dữ liệu được tổ chức nghiên cứu Rhodium Group tổng hợp.
Để so sánh, trong giai đoạn từ 2017 đến 2019, số lượng các khoản vay phải đàm phán lại hoặc xóa sổ chỉ là 17 tỷ USD. Dù không có số liệu chính thức, ông Brad Parks, Giám đốc dự án AidData cho biết quy mô cho vay của BRI “đâu đó vào khoảng 1.000 tỷ USD”.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã tung ra số lượng chưa từng có “các khoản vay cứu trợ” để ngăn chặn việc vỡ nợ của những bên đi vay lớn tại 150 quốc gia tham gia vào sáng kiến BRI.
Theo nghiên cứu của AidData, World Bank, Harvard Kennedy School và Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tổng giá trị của những khoản cứu trợ trên trong giai đoạn từ 2019 đến cuối 2021 là 104 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2000 đến cuối 2021, con số này sẽ đạt 240 tỷ USD.
Ngày càng có nhiều quốc gia đi vay trong BRI bị đẩy đến bờ vực mất khả năng thanh toán do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lãi suất đi lên và mức nợ cao kỷ lục ở các nước đang phát triển. Những chủ nợ phương Tây của các quốc gia trên đã đổ lỗi cho Trung Quốc vì ngăn cản các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ.
“Thành thật mà nói, tôi nghĩ [tình hình hiện nay] mới chỉ là khởi đầu. Các ngân hàng Trung Quốc muốn những người đi vay của mình có đủ thanh khoản để tiếp tục thanh toán các khoản nợ”, ông Parks nói. “Vì vậy, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục cho những đối tác lớn gặp khó khăn về tài chính vay khẩn cấp”.
Tốc độ đàm phán và xóa nợ của BRI đã chậm lại phần nào vào năm 2022, so với giai đoạn đỉnh điểm 2021 và 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết chất lượng các khoản cho vay của Trung Quốc vẫn chưa được cải tiện.
Vết nứt lan rộng
Ông Matthew Mingey, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Rhodium, cho biết: “Trong khi một số nước nhận được khoản vay từ Trung Quốc như Pakistan đã có được sự hỗ trợ từ IMF và các gói cứu trợ song phương, các vết nứt trong BRI đang ngày càng lan rộng ra”.
Các nhà phân tích cũng không kỳ vọng Bắc Kinh sẽ trì hoãn chương trình gắn liền với danh tiếng của Trung Quốc và hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình trên trường quốc tế. Gần một thập kỷ trước, ông Tập đã tuyên bố BRI là “dự án của thế kỷ”.
Bà Francesca Ghiretti, nhà phân tích tại Merics, nhận định: “Nhiều nước vẫn hoan nghênh các khoản đầu tư từ Trung Quốc trong khuôn khổ BRI và tôi không thấy điều này sớm thay đổi”.
Bà Xue Gong, một nhà nghiên cứu tại Carnegie China, cho rằng Trung Quốc sẽ kỷ niệm một thập kỷ thành tựu BRI và vạch ra các kế hoạch trong tương lai tại Diễn đàn Vành đai và Con đường về Hợp tác Quốc tế, dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, bà cho biết sự tập trung của Bắc Kinh vào việc tự lực trong ngành công nghệ và căng thẳng về đầu tư công trong nước có thể khiến ít nguồn lực được đổ vào BRI hơn. Bà Gong nói: “Việc phân phát tiền quy mô lớn cho các công ty nhà nước để thực hiện BRI sẽ không còn nữa”.
Đồng thời, Trung Quốc đang mở rộng chiến lược chính trị và ngoại giao với các nước đang phát triển, khiến tầm quan trọng của BRI giảm theo thời gian. Kể từ năm 2021, ông Tập đã đưa ra ba sáng kiến chiến lược nhằm định hình lại cấu trúc quản trị toàn cầu và làm giảm ảnh hưởng của các thể chế do phương Tây đứng đầu.
Khi Bắc Kinh tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), những nước trở thành “bạn” trong tầm nhìn của Trung Quốc hầu như luôn là con nợ từ BRI.
Bà Alice Ekman, nhà phân tích cấp cao tại Viên Nghiên cứu An ninh của Liên minh châu Âu, cho biết Campuchia, Mông Cổ, Cuba, Uruguay, Nicaragua và Belarus đều thể hiện sự ủng hộ với GSI. Tất cả những quốc gia này cũng là thành viên nổi bật trong BRI. Đồng thời, gần 70 nước cũng đã tham gia Nhóm những người bạn của GDI, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.