|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc chiến của ông Putin cản trở tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc

17:07 | 30/10/2022
Chia sẻ
Chiến sự tại Ukraine đang làm gián đoạn các chuyến hàng từ Trung Quốc đến châu Âu. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang gấp rút tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

 

(Ảnh minh hoạ: Reuters). 

Sáng kiến của Trung Quốc bị cản trở

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động logistics Á - Âu.

Trong đó, hàng hoá vận chuyển bằng hệ thống đường sắt thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc khởi xướng, đoạn từ nước này đến châu Âu và đi qua Nga, chịu thiệt hại đặc biệt nặng nề. Đoạn qua Nga do công ty đường sắt nhà nước Russian Railways điều phối.

Năm 2021, China Railway Express - một công ty con của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, đã vận hành 15.000 chuyến tàu đến và đi từ châu Âu, chuyên chở 1,46 triệu TEU. So với năm trước đó, các số liệu này lần lượt tăng 22% và 29%.

Các tuyến đường sắt nối Trung Quốc và Nga chiếm tỷ trọng lớn nhất trong những tuyến giúp China Railway Express vận chuyển hàng hoá - gần 7.000 chuyến. Trong đó, khoảng 80% là các mặt hàng có giá trị cao như máy tính cá nhân, đồ điện tử, máy móc.

Song, số chuyến tàu từ Trung Quốc đến châu Âu do Russian Railways vận hành đã giảm mạnh kể từ khi Moscow động binh hồi cuối tháng 2.

Một tháng sau khi cuộc chiến bắt đầu, ông Conor Feighan - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Đường sắt châu Âu, cho biết do cuộc xung đột quân sự mà “khái niệm về một chuỗi cung ứng toàn cầu hoá đã bị phá vỡ”.

Ông lưu ý thêm rằng Russian Railways hiện là nhà vận hành chính trên tuyến đường sắt từ Trung Quốc đến lục địa già, đồng thời là công ty vận tải duy nhất sẵn sàng đi qua biên giới Nga. Vì lẽ đó, “con đường tơ lụa ở phía bắc đã bị gián đoạn đáng kể”.

Theo oilprice.com, tình trạng gián đoạn diễn ra đặc biệt nghiêm trọng ở Kazakhstan - một quốc gia quan trọng trong mạng lưới BRI.

Năm 2021, Kazakhstan đóng vai trò là một trạm dừng cho các tuyến đường sắt BRI. Số lượng container quá cảnh tại đây đạt kỷ lục vào năm ngoái - khoảng 1 triệu TEU.

Tại thời điểm tháng 4/2022, khoảng 5 tuần sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, khối lượng container quá cảnh tại Kazakhstan sụt khoảng 21%.

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đè nặng nền kinh tế, Điện Kremlin của ông Putin đã thực hiện các biện pháp mới để bổ sung nguồn thu, chẳng hạn như tăng mạnh phí vận chuyển hàng hoá.

Các động thái của Nga đã tác động đến luồng hàng hoá chuyên chở bằng đường bộ, đường hàng không và đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu.

Chia sẻ với truyền thông, các nhà nhập khẩu Trung Quốc nói trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu, chi phí logistics ở Nga chỉ bằng 5 - 30% chi phí xuất khẩu. Giờ đây, tỷ lệ này đã leo lên khoảng 50 - 60%.

Chi phí leo thang đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải phải tìm kiếm các tuyến đường sắt ít tốn kém hơn, thay vì phụ thuộc vào các chuyến tàu do Russian Railways cung cấp.

Các lựa chọn thay thế

Ở thời điểm hiện tại, giải pháp khả thi nhất là tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR), oilprice.com cho hay.

Các chuyến tàu TITR bắt đầu từ Trung Quốc và quá cảnh tại Kazakhstan, sau đó đến cảng Aktau trên biển Caspian. Sau đó, các toa tàu chở hàng sẽ được đưa lên phà để đến Baku (Azerbaijan).

Tiếp đến, các chuyến hàng sẽ đi về phía tây qua Gruzia và đến châu Âu thông qua tuyến đường sắt Baku - Tbilisi - Kars hoặc qua các chuyến phà trên biển Đen đến Bulgaria và Romania.

TITR là phần mở rộng của hàng lang giao thông châu Âu - Caucasus - châu Á, với sự tham gia của Liên minh châu Âu và 12 quốc gia khác từ Đông Âu, Caucasus và Trung Á.

TITR hình thành từ năm 2016, khi các cơ quan quản lý đường sắt và cảng biển của Azerbaijan, Kazakhstan và Gruzia ký thoả thuận phát triển tuyến đường này.

Chưa đầy hai tháng sau khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu, Hiệp hội Quốc tế TITR dự đoán rằng vào cuối năm nay, lưu lượng vận tải qua tuyến đường sắt này có thể tăng gấp 6 lần lên 3,2 triệu tấn.

Ở diễn biến khác, trong một động thái cho thấy rõ hơn tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực châu Âu, vào tháng 9 vừa qua, Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký một thoả thuận quan trọng về việc xây dựng một tuyến đường sắt mới.

Theo oilprice.com, tuyến đường sắt nói trên sẽ không đi qua Nga. Dự án mới sẽ do ba nước tham gia thoả thuận cùng tài trợ và xây dựng, trong đó Bắc Kinh chịu trách nhiệm xây 160 km.

Các nguồn thạo tin cho biết tuyến đường sắt này sẽ rút ngắn hành trình từ Trung Quốc đến châu Âu gần 1.500 km và giảm thời gian di chuyển khoảng 8 ngày. 

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.